Nhà nông tìm hiểu

Phòng và trị chứng ngộ độc ở bò

Cập nhật, 08:40, Thứ Ba, 23/05/2023 (GMT+7)

Tôi có chuồng nuôi bò gần ruộng nên tôi lo bò sẽ bị ảnh hưởng, ngộ độc do thuốc trừ sâu từ ruộng bay sang chuồng bò hoặc bò ăn phải cỏ bị nhiễm thuốc trừ sâu. Xin Bạn Nhà nông hướng dẫn cách phòng trị khi bò bị ngộ độc.

Lâm Thanh Thuận

(xã Bình Phước, huyện Mang Thít)

Anh Thuận mến!

Khi cho bò ăn cỏ cắt ở những vùng vừa mới phun thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ hoặc uống nước có nhiễm độc chất này thì bò sẽ bị ngộ độc. Khi ngộ độc, bò sẽ có triệu chứng như không tự chủ, thở nhanh, loạn nhịp tim và ngừng hô hấp. Trong trường hợp bò nhiễm độc từ từ thì khó phát hiện.

Cụ thể, trường hợp ngộ độc cấp diễn: bò đột ngột chảy dãi như bọt xà phòng, mắt đỏ ngầu, chảy nước mắt liên tục. Một số trường hợp bò bị tiêu chảy dữ dội. Các loại hóa chất có thể gây hưng phấn trung khu vận động, làm cho con vật chạy nhảy, đi vòng tròn, siêu vẹo không tự chủ được và sau đó liệt, nằm một chỗ. Chất độc còn tác động lên trung khu hô hấp và tuần hoàn, làm cho bò lúc đầu thở mạnh, tim đập nhanh, loạn nhịp sau đó ngừng hô hấp, trụy tim mạch và chết rất nhanh sau 3-6 giờ.

Trường hợp ngộ độc trường diễn: bò tiếp nhận chất độc với lượng nhỏ, nhưng liên tục trong một thời gian nhất định. Các chất độc tích lũy trong cơ thể, gây ra các biến đổi bệnh lý, khó phát hiện ngay. Thông thường, đó là những biến đổi như: thoái hóa gan, rối loạn tiêu hóa, bần huyết, nhiễm độc thần kinh.... Điều nguy hiểm là các chất độc này tích lũy trong cơ thể hoặc được thải qua sữa và người tiêu thụ thịt, sữa này cũng sẽ bị ngộ độc.

Chẩn đoán bệnh dựa vào các triệu chứng lâm sàng như mô tả trên. Cần phân biệt với trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm cấp tính: khi bị bệnh truyền nhiễm luôn luôn có sốt cao. Việc xét nghiệm tìm ra chất độc mà bò bị nhiễm rất quan trọng, nó cho phép áp dụng biện pháp giải độc và điều trị thích hợp. Tuy nhiên, trong trường hợp cấp bách, khi chưa xác định được loại chất độc và dựa vào các dấu hiệu lâm sàng ta có thể điều trị theo phác đồ.

Cụ thể, điều trị triệu chứng: Trợ tim mạch với việc tiêm long não nước hoặc cafein; thuốc an thần; chống xuất huyết với việc tiêm vitamin K và vitamin C; giải độc cho gia súc; để gia súc nơi thoáng khí, nếu trời lạnh cần sưởi ấm, cho ăn cháo loãng, dễ tiêu.

Hàng ngày cần chú ý kiểm tra thức ăn, nguồn nước dùng cho bò, nếu phát hiện mùi lạ thì phải loại bỏ hoặc cách ly, không cho bò đến gần. Ở những cánh đồng có phun thuốc trừ sâu cần chờ đợi thời gian khoảng 10 ngày cho thuốc kịp phân hủy, trước khi thu cắt cho bò. Cỏ thu cắt về trước khi cho bò ăn cần rửa sạch sẽ, phơi tái.

BẠN NHÀ NÔNG