Nhà nông tìm hiểu

Phòng trị bệnh nấm phổi ở vịt

Cập nhật, 16:44, Thứ Ba, 16/05/2023 (GMT+7)

(VLO) Gần đây đàn vịt của tôi có triệu chứng như: khó thở, thở gấp, bại chân… Tôi nghe nói là bệnh do nấm phổi. Xin Bạn Nhà nông cho biết là bệnh gì và cách phòng trị ra sao?

Lê Thị Hồng (xã Trung Chánh, huyện Vũng Liêm)

Chị Hồng mến!

Nấm là một trong những tác nhân gây bệnh trên đường hô hấp và đường tiêu hóa của gia cầm. Khi xâm nhập vào cơ thể của gia cầm chúng sẽ phát triển nhanh chóng và để lại các tổn thương.

Bệnh do nấm thường không quá nguy hiểm cho gia cầm nhưng khi ghép với những căn bệnh kế phát khác thì tỷ lệ gia cầm chết rất cao, khó điều trị và gây thiệt hại kinh tế.

Trong đó, bệnh nấm phổi trên vịt do nấm aspergillus fumigatus và mucoraceae gây ra, đôi khi có thể do nấm A. flavus.

Bệnh thường xuất hiện khi vịt sống trong chuồng trại kém thông thoáng, ẩm độ cao. Bệnh có thể truyền ngay từ trong máy ấp do trứng hoặc máy ấp không bảo đảm vệ sinh, qua không khí bào tử nấm xâm nhập vào phổi và túi khí gia cầm.

Đối với vịt con, bệnh thường biểu hiện ở thể quá cấp tính và cấp tính với những triệu chứng: kém ăn, thở khó và nhanh, khi thở vịt vươn cổ dài, mũi chảy nước. Thân nhiệt tăng, con vật bơ phờ, phân nặng mùi, vịt suy nhược nhanh và có trường hợp vịt có triệu chứng co giật.

Một số con bị rối loạn tiêu hóa do độc tố của nấm tiết ra gây viêm ruột, chảy máu ruột, tiêu chảy, bại liệt. Vịt lớn thường biểu hiện bệnh ở thể mãn tính, cơ thể suy yếu dần với triệu chứng: thở khó, thở nhanh, vịt biếng ăn, khát nước dữ dội, thân nhiệt tăng, tiêu chảy. Vịt ủ rũ, gom thành nhóm và nằm chồng lên nhau.

Bệnh tích chủ yếu trên phổi: phổi viêm, gan hóa, phần không viêm phồng lên đầy khí. Hạch phổi viêm to, vàng xám, mềm, cắt ngang có màu trắng. Một số trường hợp hạch bao bọc bởi màng nhầy trắng, bên trong vôi hóa.

Các túi khí vùng bụng, ngực có nhiều khối u hình dĩa bằng nút áo. Xoang bụng, xoang ngực, có dịch màu đỏ đục. Dạ dày, ruột xung huyết đỏ, có khi bị chảy máu.

Để phòng bệnh: Không sử dụng thức ăn hư, cũ, nhiễm nấm mốc. Cho vịt ăn khẩu phần cân đối các chất dinh dưỡng và vitamin. Chuồng trại phải thông thoáng, khô ráo, sạch sẽ, chất độn chuồng phải định kỳ thay đổi. Nên sát trùng máy ấp, kho đựng trứng, trại nuôi định kỳ bằng các loại thuốc sát trùng.

Khi vịt bị bệnh, cần cách ly con bệnh với con khỏe, đồng thời bổ sung vitamin A vào thức ăn cho vịt. Bệnh có thể điều trị được khi dùng thuốc kháng nấm, nhưng thời gian điều trị phải lâu dài và nếu phát hiện càng sớm thì hiệu quả càng cao. Mặt khác khi bị nhiễm nấm thì vịt thường bị bội nhiễm một số vi khuẩn khác nên phải điều trị kết hợp thì hiệu quả mới cao.

BẠN NHÀ NÔNG