Phòng bệnh cho trẻ mùa tựu trường

Cập nhật, 15:26, Thứ Sáu, 09/09/2022 (GMT+7)

 

Việc hướng dẫn, tạo thói quen cho trẻ biết cách giữ vệ sinh cá nhân được các cô chú trọng.
Việc hướng dẫn, tạo thói quen cho trẻ biết cách giữ vệ sinh cá nhân được các cô chú trọng.

(VLO) Năm học mới bắt đầu và đây cũng là thời điểm thời tiết thay đổi thuận lợi cho nhiều loại vi trùng, siêu vi trùng gây bệnh phát triển lây lan đe dọa sức khỏe của trẻ. Đặc biệt, trước bối cảnh dịch COVID-19 có nguy cơ gia tăng trở lại và nhiều dịch bệnh truyền nhiễm khác đang lưu hành thì việc bảo vệ sức khỏe của trẻ đang được Vĩnh Long đặc biệt quan tâm.

Cảnh giác bệnh học đường cho trẻ

Trẻ mầm non, mẫu giáo là nhóm trẻ dễ bị vi trùng, vi khuẩn tấn công khi hệ miễn dịch còn non yếu và sinh hoạt trong môi trường tập thể dễ dẫn đến lây lan dịch bệnh.

Do đó, công tác bảo vệ sức khỏe trẻ luôn được nhà trường quan tâm thực hiện. Bên cạnh giữ gìn vệ sinh môi trường, đồ dùng đồ chơi của trẻ và đảm bảo an toàn thực phẩm thì việc hướng dẫn, tạo thói quen cho trẻ biết cách giữ vệ sinh cá nhân cũng được các cô chú trọng.

Theo cô Lê Thị Hoàng Yến- Hiệu trưởng Trường Mầm non Huỳnh Kim Phụng (TP Vĩnh Long), nhà trường phối hợp chặt chẽ với phụ huynh để theo dõi tình hình sức khỏe của trẻ để phát hiện xử trí kịp thời tránh lây lan trong trường học.

Việc phòng chống dịch không được chủ quan lơ là, trường trang bị nước sát khuẩn xà bông, khẩu trang trang bị cho các lớp.

“Trường còn phối hợp với trạm y tế địa phương rà soát bé nào tới độ tuổi được tiêm ngừa vắc xin phòng COVID-19 thì tham mưu địa phương, phòng giáo dục để trẻ được tiêm.

Cán bộ, giáo viên, nhân viên trường cũng đã đi kiểm tra sức khỏe định kỳ. Đồng thời, tiêm đầy đủ các mũi vắc xin ngừa COVID-19 để phụ huynh yên tâm cho bé đến trường”- cô Hoàng Yến cho biết.

Để trẻ đến trường an toàn trước dịch COVID-19 có nguy cơ gia tăng trở lại, Vĩnh Long tăng cường tiêm vắc xin cho trẻ.

Công tác tuyên truyền, phối hợp giữa ngành y tế và giáo dục được thực hiện chặt chẽ, đến thời điểm này trẻ từ 5- dưới 12 tuổi được tiêm vắc xin ngừa COVID- 19 mũi 1 đạt 98% và mũi 2 đạt gần 83%.

Phó trưởng Trạm Y tế xã Phú Đức huyện Long Hồ Phạm Hoàng Anh cho biết: “Việc phối hợp giữa nhà trường với Trạm Y tế trong việc tiêm vắc xin rất cao.

Những buổi tiêm cho trẻ từ 5- 12 hay 12- 18 tuổi, nhà trường cử giáo viên phụ trợ. Các em nào chưa có số định danh thì hướng dẫn cấp số định danh cho các em và nhắc lịch hẹn mũi 2, mũi 3 để các em nhớ đến tiêm”.

Theo các chuyên gia y tế, việc chủng ngừa không thể bảo vệ 100% khỏi các biến chủng mới của COVID-19. Do đó, trẻ em cần được bổ sung đầy đủ các vắc xin phòng bệnh khác, tăng cường miễn dịch trước khi quay trở lại trường như cúm mùa, viêm não, viêm màng não, viêm phổi do phế cầu…

Trẻ em khi đến lớp tiếp xúc với môi trường đông người như trường học, nhà trẻ, sẽ có khả năng bị nhiễm bệnh chéo, tốc độ lây truyền bệnh từ bạn học cũng sẽ rất nhanh. Đặc biệt, là đối với nhóm trẻ học mầm non, tiểu học nếu như không được bảo vệ tốt, khả năng mắc bệnh lại càng cao hơn với các bệnh nhiễm trùng, các bệnh về đường tiêu hóa, bệnh về hô hấp...

Bé Bùi An Nhiên (Lớp 2/6 Trường Tiểu học Nguyễn Du) líu lo: “Bữa ba mẹ dẫn con chích ngừa mũi 2 COVID-19 mà con dũng cảm hỏng có khóc miếng nào luôn.

Đi học con đeo khẩu trang, lỡ có hắt xì thì con thay cái mới. Trước khi vô lớp là tụi con quen xịt tay, sát khuẩn nè. Bình nước con đem theo uống riêng và khi về nhà là mẹ thay đồ tắm cho con sạch sẽ nên con mới mạnh, hỏng có bị bệnh”.

Vui khỏe đến trường

Theo các bác sĩ, trẻ nhỏ đến trường thường dễ mắc các bệnh nguy hiểm như COVID-19, cúm, viêm não, thủy đậu, tay chân miệng, các bệnh lý về mắt, về da, nhất là ở lứa tuổi mẫu giáo, tiểu học. Bên cạnh đó, mùa tựu trường cũng nằm trong mùa mưa nên những bệnh như sốt xuất huyết, nhiễm siêu vi và bệnh lý đường hô hấp cũng gặp khá nhiều.

Theo ngành y tế tình hình bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh vẫn tăng cao về số mắc với trung bình hơn 170 ca mắc mỗi tuần và bệnh tay chân miệng cũng đang có dấu hiện gia tăng. Đặc biệt, tay chân miệng là căn bệnh dễ lan rộng và bùng phát trong mùa tựu trường nếu người dân không chủ động phòng bệnh cho trẻ.

Các trường hợp mắc bệnh tay chân miệng vẫn tập trung nhiều ở lứa tuổi mầm non và mẫu giáo với các biểu hiện sốt, nổi bóng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, mông gối và ở miệng. Đây là bệnh truyền nhiễm có khả năng lây lan và bùng phát thành dịch.

Theo bác sĩ chuyên khoa 1 Trần Thị Tuyết Mai- Trưởng Khoa Nhi Trung tâm Y tế TP Vĩnh Long, để phòng bệnh cho trẻ mùa tựu trường cần có sự phối hợp giữa gia đình nhà trường và y tế cơ sở để chăm sóc cho trẻ.

Ngoài việc chủ động tiêm ngừa vắc xin đầy đủ cho trẻ, phụ huynh nên chú ý bảo vệ sức khỏe con mình bằng cách tạo thói quen vệ sinh cá nhân cho trẻ. Ngoài ra, bổ sung vitamin C vào chế độ ăn giúp tăng sức đề kháng chống bệnh tật, tắm rửa cho trẻ sạch sẽ mỗi khi đi học về.

“Hiện là cao điểm bệnh sốt xuất huyết, phụ huynh cần lưu ý trong cách phòng muỗi đốt cho trẻ khi ngồi học trên lớp, khi sinh hoạt tại nhà bằng cách mặc quần áo dài tay, sử dụng xịt đuổi muỗi an toàn cho trẻ, vệ sinh nhà cửa thông thoáng, diệt lăng quăng,... Đối với bệnh truyền nhiễm như cúm mùa, COVID-19, tay chân miệng thì phải thực hiện cách ly theo quy định”- bác sĩ Tuyết Mai khuyến cáo.

Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG