Người mắc sốt xuất huyết không nên tự điều trị và truyền dịch tại nhà

Cập nhật, 06:16, Thứ Ba, 06/09/2022 (GMT+7)

 

Khi người dân có dấu hiệu bị sốt, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, phát hiện sốt xuất huyết và tư vấn điều trị phù hợp, không tự ý điều trị tại nhà.
Khi người dân có dấu hiệu bị sốt, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, phát hiện sốt xuất huyết và tư vấn điều trị phù hợp, không tự ý điều trị tại nhà.

(VLO) Theo Bộ Y tế, tính từ đầu năm tới 4/9, cả nước ghi nhận trên 165.840 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH), trong đó, có 62 trường hợp tử vong.

Riêng tháng 8, cả nước ghi nhận 62.411 trường hợp mắc SXH (tăng hơn 12.600 ca so với tháng 7), trong đó có 25 trường hợp tử vong (tăng 17 ca so với tháng trước). Tại Vĩnh Long, số ca mắc SXH ghi nhận trên 2.000 ca mắc, có 2 ca tử vong.

Hiện nay, dịch SXH không chỉ diễn biến phức tạp tại các tỉnh- thành phía Nam mà tại Hà Nội và nhiều tỉnh- thành phía Bắc, số ca mắc SXH đang gia tăng với nhiều trường hợp biến chứng nặng.

Trước việc không ít trường hợp tự ý điều trị SXH tại nhà, Bộ Y tế chỉ rõ đây là việc làm rất nguy hiểm có thể dẫn tới các biến chứng nặng như thiếu máu, tổn thương phổi, giảm tiểu cầu, rối loạn đông máu nặng, suy thận. Khi truyền dịch tại nhà, người mắc SXH có thể bị sốc phản vệ với dịch truyền.

Hơn nữa, không phải bệnh nhân SXH nào cũng cần truyền dịch vì dịch truyền đôi khi làm tăng gánh nặng của tim, gây ra tình trạng nguy hiểm ở nhóm người mắc bệnh tim mạch hay hô hấp.

Bộ Y tế cũng kêu gọi người dân mỗi tuần hãy dành 10 phút để diệt lăng quăng như: Thường xuyên thay rửa, đậy nắp kín lu, khạp và các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt lăng quăng; loại bỏ các vật liệu phế thải lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng, để không cho muỗi đẻ trứng…

Ngoài ra, người dân cần ngủ mùn phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày, mặc quần áo dài tay, kem xua muỗi, vợt điện muỗi... để diệt muỗi và phòng muỗi đốt.

Tin, ảnh: SÔNG TRĂNG