Đầu hè, bàn chuyện tăng học phí

Cập nhật, 22:36, Thứ Năm, 25/05/2023 (GMT+7)

Hiện nay, một số địa phương đang trong quá trình xây dựng dự thảo để trình HĐND tỉnh, thành phố thông qua nghị quyết về mức thu học phí cơ sở giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông năm học 2023-2024. Hầu hết, các tỉnh, thành phố đều đề xuất mức thu bằng mức sàn, mức thu thấp nhất theo Nghị định 81 của Chính phủ.

Tỉnh Vĩnh Long cũng đã chọn mức học phí thấp nhất trong khung học phí theo Nghị định 81 để thực hiện. Mục đích tăng học phí theo lộ trình Nghị định 81 là nhằm để thực hiện giá dịch vụ giáo dục-đào tạo cũng như đảm bảo được chi phí để thực hiện cũng như đảm bảo chất lượng ở các cơ sở giáo dục.

HĐND tỉnh Vĩnh Long cũng đã có nghị quyết về thu học phí mới đối với các cơ sở giáo dục mầm non, THCS, THPT thì mức thu học phí năm học 2022-2023 được chia theo hộ khẩu thường trú của học sinh. Cụ thể thì đối với cấp học mầm non, THCS, THPT ở địa bàn thành thị sẽ là 300.000 đ/em/tháng; vùng nông thôn là 100.000 đ/em/tháng, đối với cấp học mầm non và THCS và đối với cấp học THPT là 200.000 đ/em/tháng. Riêng đối với học sinh địa bàn vùng dân tộc thiểu số thì đối với cấp học mầm non và THCS là 50.000 đ/em/tháng; còn đối với THPT là 100.000 đ/em/tháng.

Bộ GD-ĐT đưa ra 2 phương án học phí năm học 2023-2024, theo Nghị định 81 này thì tăng hơn so với 3 năm học vừa qua. Phương án 1 là thực hiện đúng như quy định của Nghị định 81, phương án 2 là điều chỉnh lộ trình học phí lùi lại 1 năm học so với Nghị định 81.

Có thể hiểu, điều chỉnh mức thu học phí phù hợp với tốc độ chỉ số giá tiêu dùng, điều kiện kinh tế- xã hội địa phương và khả năng chi trả của người dân thì việc điều chỉnh mức thu học phí là điều có thể dễ hiểu. Tuy nhiên, việc xây dựng dự thảo nghị quyết và mức thu học phí thì phải cân nhắc đối với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nghèo, cận nghèo vì học phí được nhân lên 9 tháng. Và phụ huynh học sinh cũng cần chuẩn bị tâm thế cho lộ trình tăng học phí của con ngay từ đầu hè này vì tăng học phí là chuyện sớm muộn.

VĨNH PHÚC