Tránh những sai lầm khi sơ cứu trẻ đuối nước

Cập nhật, 07:07, Thứ Năm, 11/05/2023 (GMT+7)

BS Đinh Tấn Phương- Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP Hồ Chí Minh) cảnh báo phụ huynh tuyệt đối không làm những động tác sơ cứu thừa như xốc nước, hơ lửa hoặc bắt cha mẹ không được ở cạnh con khi đuối nước, ngạt nước. Những hành động này có thể khiến trẻ mất cơ hội được cứu sống kịp thời, đối mặt với nguy cơ di chứng não, thậm chí tử vong do thiếu oxy.

Ngày 8/5, BS Đinh Tấn Phương cho biết, bệnh viện vừa cấp cứu tích cực cho một bé trai 3 tuổi ngạt nước do bị ngã vào xô nước, nhưng bé đã không qua khỏi. Người nhà bé cho hay trong đợt nghỉ lễ vừa qua, bé được chị mua cho một chiếc súng nước. Người nhà đổ một ít nước vào chiếc xô cao 50cm để bé chơi. Tuy nhiên, một lúc sau, bé được phát hiện trong tư thế ngã chúi đầu vào xô, tím tái và bất động.

Ngay lập tức, trẻ được kéo ra, lau khô, xốc nước, hơ lửa cho ấm. Khoảng 15 phút sau, bé được chuyển đến bệnh viện địa phương trong tình trạng tím tái, mạch và huyết áp bằng 0. Các bác sĩ hồi sức tim phổi, đặt nội khí quản và chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 1.

Tại đây, trẻ được bác sĩ truyền dịch, chống sốc, dùng thuốc vận mạch, trợ tim, nỗ lực điều trị suốt 3 ngày. Tuy nhiên, trẻ không qua khỏi. Cũng trong tuần qua, Bệnh viện Nhi đồng 1 tiếp nhận một trường hợp trẻ lớn nguy kịch vì đuối nước ở hồ bơi, nguy cơ bị di chứng do thời gian thiếu oxy kéo dài.

BS Đinh Tấn Phương cho biết, trẻ đuối nước ngưng tim, ngưng phổi cần được hồi sức tim, phổi ngay tại hiện trường. Nếu tình trạng kéo dài quá 4 phút, trẻ sẽ bị di chứng não nặng nề do thiếu oxy lên não. Nếu kéo dài quá 10 phút, trẻ có thể nguy kịch đến tính mạng. Phụ huynh nên thực hiện các cách sơ cứu ngạt nước như đưa nạn nhân lên bờ, cho nạn nhân nằm chỗ thoáng khí; kiểm tra tình trạng, tiến hành hô hấp nhân tạo bằng cách ấn tim ngoài lồng ngực, thổi ngạt… nếu nạn nhân còn tỉnh táo nên cho nằm nghiêng; cởi bỏ quần áo ướt và giữ ấm, sau đó đưa nạn nhân tới cơ sở y tế gần nhất.

“Những trẻ chập chững, phụ huynh tuyệt đối không được để các lu, thau chậu trong tầm tay bé. Và đừng nghĩ nguy cơ chết đuối thường ở nơi có ao hồ, sông nước, trẻ có thể chết đuối ngay trong nhà. Đặc biệt, tuyệt đối không làm những động tác sơ cứu thừa như xốc nước, hơ lửa như quan niệm dân gian khi cứu trẻ đuối nước, ngạt nước. Việc này khiến trẻ mất cơ hội được sơ cứu kịp thời, nguy cơ di chứng não và tử vong do thiếu oxy”- Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 1 cảnh báo.

Bác sĩ cảnh báo, phụ huynh cần hết sức chú ý tới trẻ, đặc biệt là trẻ nhỏ. Không nên để trẻ nhỏ ở nhà một mình, không cho trẻ chơi gần ao, hồ, kênh, rạch; cần đậy kín các vật chứa nước trong nhà. Khi đi tắm hồ bơi, không cho trẻ nhỏ vào hồ bơi dành cho trẻ lớn, người lớn và luôn để mắt trông chừng trẻ, tốt nhất là cùng tắm chung với trẻ; nên cho trẻ tập bơi…

MAI ANH