Hôn nhân "trái dấu"

Cập nhật, 05:44, Thứ Năm, 04/05/2023 (GMT+7)
Thấu hiểu, cảm thông và “vì nhau” để vững bước nắm tay nhau trên đoạn đường đời. Ảnh minh họa
Thấu hiểu, cảm thông và “vì nhau” để vững bước nắm tay nhau trên đoạn đường đời. Ảnh minh họa

(VLO) Người ta hay nói trái dấu (cộng- trừ) thì hút nhau, nhưng trong cuộc sống hôn nhân, trái tính trái nết, trái ngược thói quen, sở thích giữa hai vợ chồng là vấn đề cực kỳ khó chịu, ảnh hưởng không hề nhỏ đến hạnh phúc gia đình.

Khi đi coi tuổi cưới nhau, hai vợ chồng chị M. được thầy phán là rất khắc khẩu nhau, phải cố gắng nhường nhịn nhau dữ lắm mới sống được.

Đối với hai người đang yêu và đang chuẩn bị về chung nhà thì họ coi đó là chuyện nhỏ. Tuy nhiên chỉ sau vài năm sống chung mọi thứ đã khác.

Lúc yêu say đắm thì đối phương nói gì làm gì cũng thấy vui thấy thích, chuyện gì cũng chiều nhau được, nhưng cưới rồi lúc nào cũng bên nhau, sự “chỏi” nhau bộc lộ ngày càng nhiều và cả hai đều không thấy dễ chịu với điều đó nữa.

Từ sở thích, thói quen đến quan điểm sống họ đều không thuận, đến cả món ăn họ cũng không hòa hợp được. Càng về sau, những trận cãi vã càng nhiều hơn.

Họ không thống nhất được với nhau, không ai nhường ai, chỉ cần nói chuyện với nhau vài ba câu là muốn cãi nhau.

Cứ thế chị M. không còn cảm thấy hạnh phúc trong cuộc hôn nhân này. Để tránh cãi vã, tránh gây khó chịu cho nhau ảnh hưởng tới công việc, họ dần ít đi chung, ít tương tác, chỉ nói với nhau những chuyện cần nói trong sinh hoạt hàng ngày, rồi thì mạnh ai nấy sống.

Cùng hoàn cảnh, chị T.T. chia sẻ: “Nói chung là không hợp nhau được chuyện gì hết, nói vài ba câu là thấy bất đồng quan điểm.

Có khi cả nhà đi ăn mà vô chỉ việc chọn chỗ ngồi, chọn món ăn thôi mà không thuận nhau, thấy mất vui liền, mặt mày cau có khó chịu nhau làm ảnh hưởng đến con cái.

Vậy nên tốt nhất là ít đi chung, chỉ dịp nào quan trọng thì ráng mà hòa thuận chung vui. Về sau chắc tôi sẽ chú ý vấn đề khắc khẩu không hợp tánh nhau này cho con cái đề phòng”.

Cuộc sống vợ chồng ngoài tình yêu còn rất nhiều những trách nhiệm phải thuận theo, đây là mối quan hệ không phải muốn chấm dứt là bỏ được liền, nó còn ảnh hưởng rất nhiều mối liên kết xung quanh.

Vì thế khi hai vợ chồng mà “trái dấu” nhau thì phải tìm cách hóa giải, nếu không hoàn toàn hòa hợp được thì ít ra cũng được phần nào thấu hiểu, cảm thông và nhường nhịn nhau để tiếp tục thuận lợi bước cùng nhau trên cùng một con đường.

Cuộc sống hiện đại, cái “tôi” lúc nào cũng được đề cao. Thế nên, mối quan hệ vợ chồng nhiều lúc cũng không được suôn sẻ vì mỗi người đều có cái tôi quá lớn, hiếu thắng; lúc nào cũng nghĩ mình nhất, mình đúng. Việc không biết nhường nhịn khiến khắc khẩu vợ chồng trở nên trầm trọng hơn.

Có khi còn không kiềm chế được cảm xúc mà xảy ra xung đột. Vợ chồng khắc khẩu khiến không khí gia đình trở nên u ám, căng thẳng.

Thế nên, để tình trạng này giảm đi và không còn trầm trọng nữa, thì mỗi người cần phải hạ mình xuống, bình tĩnh, kiềm chế cơn nóng giận. Bởi khi nóng giận, chúng ta thường cố gắng buông những lời khó nghe, thậm chí xúc phạm hoặc làm tổn thương bạn đời.

Tốt hơn hết, khi nóng giận, hãy im lặng hoặc tránh xa nhau một chút để lấy lại bình tĩnh. Sau đó mới nói chuyện với nhau.

Cuộc sống hôn nhân sẽ thật tẻ nhạt nếu vợ chồng không bao giờ nói gì với nhau, không bao giờ tranh luận gì, sẽ không còn hạnh phúc khi mỗi người theo đuổi những mối bận tâm riêng của mình, không quan tâm đến cảm nhận của đối phương.

Vì thế, vợ chồng thì sẽ có cãi nhau, quan trọng là sau cuộc cãi vã, vợ chồng không nên im lặng và chất chứa những bực dọc trong lòng.

Hai người nên bình tĩnh ngồi lại với nhau để phân tích mọi chuyện, từ đó rút kinh nghiệm. Đặc biệt, cần phải biết lắng nghe, biết nhận lỗi sai và sửa chữa, tránh tiếp diễn những cái không hay ấy trong những lần sau.

Hai cá thể riêng biệt thì chắc chắn không giống nhau hoàn toàn, có cách tư duy và nhìn nhận sự việc, cách đối nhân xử thế cũng rất khác nhau.

Trong đó chắc chắn sẽ có những điều khiến cho đối phương cảm thấy không hài lòng. Nhưng hãy chấp nhận điều đó nếu như bạn yêu thương nửa kia của mình, hãy học cách yêu luôn cả những điểm chưa hoàn hảo ở họ.

Với những thói quen ăn uống, sở thích, lịch sinh hoạt thì còn có thể thay đổi chứ quan điểm sống và lối tư duy thì không thể nào thay đổi được. Vì thế đừng ép buộc hay đòi hỏi đối phương phải thay đổi.

Trước khi muốn xoay chuyển một ai đó hay một điều gì đó hãy bắt đầu từ chính mình trước. Quan trọng là phải cố gắng nhìn nhận, dung hòa sao cho tốt, có thể chấp nhận được nhau để cuộc sống chung thoải mái vui vẻ.

Một điều nhịn là chín điều lành, điều đó chưa bao giờ là sai, đặc biệt là với những cặp vợ chồng khắc khẩu. Dù có bất kỳ chuyện gì xảy ra, hãy cố gắng nhường nhau một chút sẽ giữ được hòa khí trong gia đình.

Đừng hơn thua nhau, đừng cố để chiến thắng lẫn nhau, bởi thắng thua vợ chồng không quan trọng, quan trọng nhất là vợ chồng đồng lòng, hòa thuận, gia đình vui vẻ. Bí quyết để có hạnh phúc, nhất là vợ chồng khắc khẩu là cần đặt mình vào vị trí của vợ hoặc chồng mình.

Việc suy nghĩ trên lập trường của người khác sẽ khiến chúng ta dễ nhìn nhận vấn đề hơn, có cái nhìn khách quan hơn. Qua đó sự thấu hiểu và cảm thông sẽ được hình thành trong mối quan hệ.

Trong nhiều trường hợp cần bình tĩnh nhớ lời răn dạy ông bà xưa: “Chồng giận thì vợ bớt lời. Cơm sôi bớt lửa có đời nào khê”. Hãy biến sự “trái dấu” thành những bổ khuyết tuyệt vời cho nhau trong đời sống vợ chồng.

Bài, ảnh: LAM NGỌC