Nắng nóng gay gắt, ăn uống ra sao?

Cập nhật, 09:13, Thứ Tư, 14/03/2018 (GMT+7)

Nam Bộ đang trong những ngày nắng nóng. Nhiệt độ thường từ 33-36 độ C, có ngày lên đến 37 độ C. Nên ăn uống ra sao để đảm bảo sức khỏe?

Nắng nóng, người dân tìm uống nước mát trên đường - Ảnh: XUÂN HƯNG
Nắng nóng, người dân tìm uống nước mát trên đường - Ảnh: XUÂN HƯNG

Nắng nóng, nhiệt độ lên cao khiến cơ thể bài tiết nhiều mồ hôi, dẫn đến mất nhiều nước và các chất điện giải. Điều này khiến mọi người cảm thấy mệt mỏi, khát nước và biếng ăn.

Nên ăn cá

Cá có nguồn đạm rất quý với đầy đủ các acid amin cần thiết. Chất đạm của cá tươi dễ tiêu hóa, dễ hấp thu hơn so với thịt. Trong các loại cá, đặc biệt ở đầu cá, có chứa nhiều acid béo chưa no omega-3 có hoạt tính sinh học cao.

Acid béo omega-3 hạ thấp cholesterol máu, triglyceride máu, ngăn ngừa xơ vữa động mạch và huyết áp cao, giảm nguy cơ lão hóa não, tăng cường hoạt động của trí nhớ.

Cá còn là nguồn cung cấp vitamin rất quan trọng. Cá có nguồn chất khoáng quý hơn thịt, cá sống ở biển chứa nhiều khoáng chất hơn cá nước ngọt.

Ăn cá tốt cho những ngày nắng nóng. Ở cá, các nguồn chất khoáng vi lượng như kẽm, cobalt, đồng, iode... rất phong phú.

Nên ăn thịt ở mức vừa phải, ăn thịt gà, thịt vịt, hạn chế ăn các loại thịt đỏ như: thịt heo, thịt bò, thịt dê, thịt cừu, thịt chó. Nghiên cứu năm 2017 của Hội Thận học Hoa Kỳ cho biết ăn thịt đỏ sẽ làm gia tăng bệnh thận giai đoạn cuối, người suy thận bệnh sẽ tăng lên nhiều lần.

Tăng cường rau củ quả

Thời tiết nóng nên ăn các loại quả như: dưa hấu hay cà chua, thanh long ruột đỏ hay ruột trắng giúp giải khát rất tốt. Một ly nước mía sạch cung cấp nhiều năng lượng.

Cam, chanh, quýt cung cấp nhiều chất xơ, vitamin C, các acid hữu cơ, khoáng tố cần thiết cho cơ thể.

Rau quả các loại: nên tăng lượng rau xanh trong bữa ăn. Nhu cầu: 300-400 gam rau xanh/ngày. Rau xanh cung cấp nhiều vitamin C (tăng cường sức đề kháng cơ thể, chống lão hóa, hỗ trợ tiêu hóa...), chất xơ có tính hòa tan.

Ngoài ra rau muống và rau dền đỏ cung cấp nhiều chất sắt, phòng ngừa và hỗ trợ điều trị thiếu máu.

Rau gia vị: Để kích thích ăn ngon miệng, tăng sức đề kháng cho cơ thể nên dùng các loại rau gia vị như: tía tô, kinh giới, thìa là, rau ngổ, hành hoa, diếp cá...

Cung cấp đủ nước và các chất điện giải

Cung cấp từ 1,5-2 lít nước/người trưởng thành/ngày. Hè nắng nóng hoặc hoạt động nhiều, chơi thể thao thì càng uống thêm nhiều nước theo nhu cầu cơ thể.

Nên uống các loại nước đun sôi để nguội, nước khoáng, nước suối, nước hoa quả tươi. Các loại nước trái cây, các loại nước từ rau: rau má, diếp cá xay... giúp giải nhiệt rất tốt.

Nước chè xanh, nước vối giúp thanh nhiệt, giải độc cơ thể và cung cấp các chất chống oxy hóa có tác dụng phòng ngừa các bệnh mãn tính như ung thư... Ăn chè đậu đen, đậu đỏ, đậu xanh, đậu ván... vừa bổ dưỡng và giải nhiệt độc rất tốt.

Nên ăn như thế nào?

Nên ăn đa dạng các loại thực phẩm. Cung cấp đủ 4 nhóm: đạm, đường bột, béo, vitamin và muối khoáng. Nên thay đổi kiểu bữa ăn và cách chế biến mỗi ngày để dễ ăn và dễ hấp thu, đặc biệt là ở người già và trẻ em (do biếng ăn và kém hấp thu trong trời nắng nóng).

Mỗi bữa nên có canh như canh mồng tơi, canh cải nấu tôm, canh cà chua nấu thịt bò, canh bầu nấu tôm, canh chua... để dễ ăn và cung cấp nhiều vitamin, khoáng chất...

Chế độ dinh dưỡng trong những ngày nắng nóng là phải đảm bảo đủ chất dinh dưỡng, chế độ ăn cân bằng hợp lý và thực phẩm đa dạng, cung cấp chất béo có chừng mực, uống đầy đủ nước và ăn nhiều hoa quả tươi nguyên.

Theo TTO