Chủ trương "bắt đúng mạch", đời sống đồng bào Khmer đổi mới

Kỳ 4: Góp sức xây quê hương giàu đẹp

Cập nhật, 08:03, Thứ Bảy, 28/05/2022 (GMT+7)

 

Gia đình chị Đa Ra (trái) đã hiến đất nhiều lần để xây lộ Ông Cai, đường vô trường học và tuyến đường đan trước nhà.
Gia đình chị Đa Ra (trái) đã hiến đất nhiều lần để xây lộ Ông Cai, đường vô trường học và tuyến đường đan trước nhà.

Thời gian qua, được Đảng và Nhà nước quan tâm chăm lo, đầu tư giúp hạ tầng nông thôn phát triển, trong đó có vùng đồng bào dân tộc, qua đó thu nhập người dân tăng lên, đời sống ngày càng nâng chất. Từ đó, bà con đồng bào Khmer tích cực “góp của, góp công” để làm đẹp thêm những phum sóc, điểm tô cho bức tranh quê hương thêm giàu đẹp.

Hiến đất mở đường

Con lộ Ông Cai (xã Loan Mỹ, Tam Bình) ngày nào lầy lội, heo hút, vắng vẻ nay được láng nhựa, hai bên đường nhà khang trang nhìn ra mặt lộ, đi lại, thông thương hàng hóa đông đúc. Để có được con lộ “ngon lành” như thế này, gia đình chị Thạch Thị Đa Ra- ấp Sóc Rừng đã không tiếc của, hiến đi phần đất ở cả hai mặt tiền để mọi người thông thương dễ dàng, học sinh thuận tiện đến trường. Tiệm tạp hóa của chị Đa Ra có một mặt tiền cạnh lộ Ông Cai đã được hiến để xây lộ lớn, mặt tiền còn lại là đường vô Trường THCS Loan Mỹ cũng được hiến để xây đường đan rộng 1,2m.

Không những vậy, với phần diện tích đất ở và đất sản xuất chạy dọc theo hình cung góc chữ U của tuyến đường đan, cũng được vợ chồng chị sẵn lòng cho đi. Tính ra, gia đình chị đã hiến tổng cộng khoảng 1.000m2 đất để cùng Nhà nước “mở đường cho dân đi”. Chị Đa Ra kể, phần đất xây lộ Ông Cai, trước đây cha chị trồng hàng cây thốt nốt, mỗi cây cho ra cả chục lít nước/tháng. Ngoài bán nước thốt nốt còn bán được trái, cho lợi nhuận cao hơn nhiều so với cây dừa, nhưng khi Nhà nước đầu tư xây đường, cha chị đã cho đốn bỏ 36 cây thốt nốt để tạo mặt bằng thông thoáng cho đơn vị thi công. “Cha tui nói hiến đất để xây đường đi là có phước lắm”- chị Đa Ra nhắc nhớ.

“Được Nhà nước quan tâm xây lộ sạch sẽ như vầy tui mừng lắm, gia đình mình và bà con cùng đi. Trong đó, các em cháu đi học dễ dàng để có kiến thức, trở thành người có ích cho xã hội”- chị Đa Ra nói.

Tuyến đường liên ấp Mỹ An- Mỹ Yên (xã Tân Mỹ, Trà Ôn), nay được gọi là đường liên ấp Cần Thay- Trà Mòn (do sáp nhập ấp) cũng đã vươn mình đổi mới, được đầu tư láng nhựa rộng lớn đáp ứng niềm mong đợi của người dân. “Chỗ này trước đây là đường bờ đê rất khó đi, phải qua bên kia sông mới có đường đi thuận tiện, mùa nắng thì tụi nhỏ có thể đi học bằng xe đạp, mùa mưa thì bùn sình bám đầy vô dè xe, không đi được nên tụi nhỏ gửi xe đầy nhà tui”- ông Thạch Tua- ấp Cần Thay kể.

Thấy thương các cháu học trò đi đứng khó khăn, ông Thạch Tua đã xuất tiền túi 12 triệu đồng mua đá về đổ “cho tụi nhỏ thuận tiện đi học và chạy xe được tới nhà luôn”. Bà con thấy vậy nên xúm xích nhau ra góp sức phụ kéo đá, đổ đá, ban đá… “Lúc đó chỉ đổ được đá để đi tạm thôi mà ai cũng vui mừng hết sức”- ông Tua kể.

Trước đây, phần đất của gia đình ông Tua chạy dài ra tới bờ sông, nền nhà cũ ở ngay con lộ hiện tại, khi Nhà nước có chủ trương xây đường liên ấp, ông Tua là người đầu tiên ở địa phương chủ động ký tên “cái rột” hiến luôn cả công đất và chủ động di dời căn nhà vô trong để con lộ được chạy thẳng. “Con đường này là niềm mong mỏi của địa phương, nên không riêng gì tui mà bà con nơi đây rất đồng lòng sẵn sàng hiến đất”- ông Thạch Tua nói.

Việc gì có ích cho quê hương thì dốc sức làm

Ông Trần Văn Sơn- Chủ tịch UBND xã Tân Mỹ (Trà Ôn) cho biết: Trước đây, đi xuống ấp xa nhất phải đi bằng ghe, tắc ráng và mỗi lần đi công tác phải mất cả ngày trời. Hầu hết đường sá trong xã còn ọp ẹp, không có chợ… Nhờ các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước cùng sự đồng lòng, chung sức của người dân đã giúp cho cơ sở hạ tầng: điện, đường, trường, trạm, cơ sở vật chất văn hóa được đầu tư kiên cố, phục vụ tốt cho nhu cầu sinh hoạt, thụ hưởng của người dân.

Đến nay, hệ thống đường giao thông nông thôn của xã được bê tông hóa gần 70%. Cùng với đó, UBND tỉnh cũng đã ra quyết định đầu tư tại xã Tân Mỹ rất nhiều công trình giao thông giai đoạn 2020- 2025 với hơn 10 tuyến đường đan, 3 tuyến đường nhựa. Hiện, xã đã xây dựng đạt 15/19 tiêu chí nông thôn mới, đang tập trung quyết liệt cho các tiêu chí giao thông, hộ nghèo, thu nhập và nhà ở dân cư để đến năm 2024 “cán đích” nông thôn mới theo lộ trình đề ra.

Tham gia Hội Nông dân trên 10 năm, hiện là Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Sóc Rừng (xã Loan Mỹ- Tam Bình), anh Thạch Dững cho biết: “Trước kia đời sống khó khăn, tôi được Nhà nước đã hỗ trợ để phát triển kinh tế. Giờ tranh thủ đi hỗ trợ, giúp đỡ cho bà con để cùng nhau vươn lên”.

Theo đó, thấy đường đất vào mùa mưa rất lầy lội, trong khi bà con cần đi xe để chở phân, chở lúa, trái cây hay đi thăm đồng… anh vận động bà con đóng góp 2.000- 5.000 đ/công để mua đá rải đường giúp cho việc đi lại thoải mái, bà con ai nấy cũng phấn khởi. Không những vậy, anh Dững còn thường xuyên đến tận nơi xem bà con cày xới đất, canh tác nước nôi, cống bộng… như thế nào, để khuyến cáo, hỗ trợ kịp thời. Thấy ai có ao mà không nuôi cá, có đất mà trồng không hiệu quả thì anh Dững tới vận động, tuyên truyền cho bà con nắm các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất của Nhà nước. Ngoài ra, anh còn động viên hội viên nông dân tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt… để áp dụng kiến thức, khoa học- kỹ thuật vào mô hình kinh tế của gia đình mang lại hiệu quả.

Với tinh thần vươn lên mạnh mẽ, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, giờ đây nhiều hộ Khmer chí thú làm ăn để nâng cao thu nhập, nâng cao chất lượng sống cho gia đình, có điều kiện đầu tư xây cất nhà cửa thêm khang trang… Khi có cuộc sống ổn định, bà con đồng bào Khmer tích cực “góp của, góp công” để làm đẹp thêm những phum sóc, điểm tô cho bức tranh quê hương thêm giàu đẹp. Những việc làm tưởng chừng như nhỏ bé này đã góp phần cùng Nhà nước thực hiện các chủ trương, chính sách, chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo và xây nông thôn mới.

Ông Thạch Dương- Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Long khẳng định: “Những chủ trương của Đảng và Nhà nước trong thời gian qua đúng đắn, phù hợp và kịp thời để hỗ trợ người dân và “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Kết quả, đã làm thay đổi diện mạo nông thôn vùng đồng bào dân tộc ngày càng khang trang hơn, chất lượng cuộc sống của đồng bào Khmer ngày càng nâng lên. Hàng năm, giúp kéo giảm 4- 5% hộ nghèo, đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp đề ra”.

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI- TUYẾT HIỀN

(Còn tiếp)