Chủ trương "bắt đúng mạch", đời sống đồng bào Khmer đổi mới

Kỳ 3: Học chữ để nâng cao hiểu biết

Cập nhật, 08:51, Thứ Sáu, 27/05/2022 (GMT+7)

 

Các trường lớp ở vùng đồng bào Khmer được đầu tư khang trang, tạo điều kiện học tập tốt.
Các trường lớp ở vùng đồng bào Khmer được đầu tư khang trang, tạo điều kiện học tập tốt.
Trước đây, kinh tế khó khăn, bà con Khmer chưa quan tâm việc học của con cháu. Song, dưới sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, nhiều chủ trương, chính sách đã thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, nhất là chính sách về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đã làm thay đổi cách nghĩ, cách làm trong đồng bào Khmer. 
 
Giờ đây, nhà nhà đều quan tâm cho con ăn học không chỉ để nâng cao dân trí mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống. 
 
“Thời công nghệ phải lấy đầu để… lường chữ”
 
Vừa mở quán cà phê, vừa phát triển chăn nuôi, mà anh Thạch Dững (SN 1977)- ấp Sóc Rừng, xã Loan Mỹ, Tam Bình có điều kiện lo cho 2 cô con gái ăn học, trong đó người học CĐ điều dưỡng ở TP Cần Thơ, người học cử tuyển Trường Văn hóa (Công an tỉnh Thái Nguyên).
 
Sinh ra trong gia đình nghèo, việc học dang dở, khi ra riêng anh chỉ được cho cái nền, cất nhà tạm che nắng, che mưa. “Mình đã nghèo khổ rồi thì phải phấn đấu để con mình có điều kiện tốt hơn. Trước mắt là có bằng văn hóa rồi tìm việc làm để tự nhờ bản thân”- anh Dững suy tính và cho biết anh thường khuyên các con cố gắng học. Bởi, “lý do cha mẹ nghèo khổ là ít học do gia đình hổng có điều kiện, nên bây giờ cha mẹ phấn đấu lo cho con, lớp trẻ phải học hành để hiểu biết, có kiến thức…
 
Tường nhà ông Thạch Vinh- ấp Trà Mòn (xã Tân Mỹ, Trà Ôn) được treo rất nhiều bằng khen, giấy khen cùng chiếc khánh vàng “gia đình nhà giáo” do Sở GD- ĐT tặng được treo trang trọng trên cùng. Ông tự hào cho biết: Gia đình tôi có 2 thế hệ làm nghề giáo, là tôi và các con. 
 
Ông Thạch Vinh kể: “Ngày xưa tôi không nghĩ sẽ lo cho con học tới tú tài vì đời sống khó khăn, mỗi lần có khách phải đi mượn chén ăn, mượn đệm trải dưới đất ngồi. Cả nhà thường phải ăn cơm nguội chan nước thốt nốt và ăn với muối hột”.
 
Trong bữa cơm, ông Vinh tâm sự cùng các con: “Đời ông nội có hơn chục công đất, đến đời cha chia 2 công, tới các con không biết làm sao chia cho 5 đứa. Vì vậy, các con phải cố gắng học để có kiến thức, có cái nghề… Người ta dùng sức đi làm kiếm tiền, khi khỏe có thể làm được, còn ốm đau thì sao? Người ta lấy thúng lường lúa, con thì hãy lấy đầu lường chữ, nhất là trong thời đại công nghệ kiến thức càng quan trọng”. 
 
Ghi nhớ lời dạy của ông, các con chăm chỉ học hành, lần lượt vào học ngành sư phạm hoặc cử tuyển ngành y sĩ, đại học văn hóa. Hiện, có 3 người là cán bộ, giáo viên tại các trường học, một người công tác ở Công an tỉnh, người út là cán bộ xã. Trong công tác đạt được nhiều thành tích cao, được phong tặng danh hiệu nhà giáo ưu tú, giáo viên giỏi cấp quốc gia…
 
“Tất cả từ trình độ văn hóa mà ra”
 
Ông Vinh tâm sự, trước tôi ham học lắm, cha mẹ tôi dạy: “Tuy cha mẹ nhiều đất nhưng chẳng biết chữ nào, chia cho các con mỗi đứa 2 công cũng chẳng được bao nhiêu, nên các con phải cố gắng học…”. Lúc đó, ông Vinh chỉ học thôi “chứ không nghĩ sẽ làm được gì”. Hàng ngày, ông xách cà men đi xin cơm, còn dư thì để chiều ăn; quần áo rách thì lấy dây kẽm khâu lại vì ở trong chùa- ở giữa đồng, không có ai để nhờ may vá. 
 
Thời điểm đó còn khó khăn nên ông Vinh chỉ học tới lớp 9- xưa gọi là lớp “đệ tứ”, song “học được vậy là đỡ lắm”. Nhờ biết được chữ nên ông dạy học lớp bình dân học vụ, dạy tiếng Việt và tiếng Khmer cho người chưa biết chữ. “Lúc đó, dạy không có lương, chủ yếu là ăn cơm chùa, dạy trường đạo”- ông Vinh kể.
Ông Thạch Vinh tự hào với gia đình 2 thế hệ là nhà giáo.
Ông Thạch Vinh tự hào với gia đình 2 thế hệ là nhà giáo.
 
Sau ngày giải phóng, ông Vinh tiếp tục đi dạy rồi học bổ túc lấy bằng tốt nghiệp cấp 2, học chuẩn hóa lấy bằng Trung cấp Chuyên nghiệp sư phạm. Cuộc sống khó khăn nên ông đã “3 lần bỏ nghề”, nhưng cái duyên với con chữ vẫn níu kéo ông. Năm 1985 ông đi học lại lớp Sư phạm cấp tốc 3 tháng rồi tiếp tục dạy tới lúc nghỉ hưu. 
 
Ông Vinh cho rằng, việc học bây giờ càng quan trọng hơn xưa. Đi làm đòi hỏi trình độ cao hơn, phải hiểu biết công nghệ, máy móc. Trong sản xuất và đời sống đều cần trình độ văn hóa. Người biết chữ thì trồng trọt, chăn nuôi… cũng hiệu quả hơn, trúng mùa hơn và biết nắm bắt thời giá, tính toán lỗ lãi… Tất cả cũng từ trình độ văn hóa mà ra, nên trình độ rất có giá trị, văn hóa chính là “chìa khóa” để mở cửa thành công. 
 
Theo ông Thạch Dương- Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, nhờ tác động từ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ngày càng có nhiều con em người Khmer học ĐH và sau ĐH. Bằng nhiều nguồn vốn, tỉnh đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng hoàn chỉnh hệ thống giáo dục từ tỉnh đến cơ sở, phù hợp với đặc thù của vùng đồng bào Khmer. 
 
Những năm qua, ở các xã có đông đồng bào Khmer, được đầu tư xây mới các trường học từ mầm non đến THPT với đầy đủ trang thiết bị, có 51 trường đạt chuẩn Quốc gia. Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Vĩnh Long có 3 khối lớp (từ lớp 10 đến 12) với trên 200 học sinh. Chất lượng giáo dục trẻ em, học sinh người dân tộc Khmer ở các bậc học phổ thông chuyển biến tích cực, tỷ lệ bỏ học giảm nhiều, góp phần nâng chất tiêu chí giáo dục trong xây dựng nông thôn mới.
Trẻ em người Khmer rất được gia đình quan tâm lo cho ăn học.
Trẻ em người Khmer rất được gia đình quan tâm lo cho ăn học.
 
Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho rằng: “Muốn giải quyết giảm nghèo bền vững chỉ có con đường đi học, có kiến thức sẽ không bị cái nghèo đeo bám. Chính sách về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là chính sách lâu dài, dành cho cả thế hệ đời người. Hiện toàn tỉnh có 609 cán bộ, công chức từ tỉnh đến cơ sở là người Khmer. Tỉnh còn quan tâm bố trí đội ngũ cán bộ chủ chốt là người dân tộc, chẳng hạn như tôi trong 2 nhiệm kỳ liên tiếp được ứng cử tham gia BCH Đảng bộ tỉnh. Qua các nhiệm kỳ, đều có cán bộ là người dân tộc tham gia BCH Đảng bộ tỉnh, huyện, xã và đại biểu HĐND các cấp”.

Ông Nguyễn Văn Mễ- Bí thư Đảng ủy xã Đông Bình (TX Bình Minh)

Đồng bào Khmer hiện nay rất có ý thức học để có cái chữ, lo cho con ăn học đến nơi đến chốn để có trình độ trong xã hội. Về nhân lực, nhân tài của 2 ấp có đông người Khmer là Phù Ly 1 và Phù Ly 2 thì đều có thạc sĩ và tiến sĩ.
Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI- TUYẾT HIỀN
 
 
(Còn tiếp)