Phòng ngừa bệnh dại

Cập nhật, 00:16, Thứ Hai, 17/10/2022 (GMT+7)
Thường xuyên thay nước, thả muối hoặc hóa chất diệt lăng quăng vào chén nước kê chân, hồ cảnh, hòn non bộ.
Thường xuyên thay nước, thả muối hoặc hóa chất diệt lăng quăng vào chén nước kê chân, hồ cảnh, hòn non bộ.

Bệnh dại là bệnh nhiễm virus cấp tính của hệ thống thần kinh trung ương từ động vật lây sang người bởi chất tiết, thông thường là nước bọt bị nhiễm virus dại. Hiện vẫn là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch có số tử vong trên người cao nhất thế giới cũng như tại Việt Nam. Do đó, Bộ Y tế khuyến cáo bệnh dại có nguy cơ bùng phát.

Nơm nớp bệnh dại

Từ đầu năm đến nay, cả nước có 40 người tử vong do bệnh dại ở 16 tỉnh thành, trong đó khu vực phía Nam ghi nhận 20 ca tử vong. Riêng tại Bến Tre, đã ghi nhận 12 trường hợp tử vong do bệnh dại. Phần lớn trường hợp tử vong là không tiêm ngừa mà tự đi điều trị bằng các phương pháp dân gian như: uống thuốc nam, lấy nọc. Nguy cơ bùng phát bệnh dại ở Bến Tre rất cao khi tỷ lệ tiêm ngừa trên đàn chó, mèo chỉ đạt khoảng 46%.

Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân chính khiến số ca tử vong cao là do người dân chậm trễ tiêm ngừa. Và hiện nay, trên thế giới chưa có bệnh viện nào có thể điều trị được căn bệnh này.

Đây là lời cảnh tỉnh cho những ai yêu thích động vật, muốn nuôi chó, mèo phải tiêm ngừa đầy đủ. Đồng thời, người dân chủ động thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa bệnh dại do Bộ Y tế ban hành, đặc biệt chú ý đối với trẻ nhỏ.

Đưa con đi chích ngừa bệnh dại tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, chị Nguyễn Ngọc Tuyền (Phường 8- TP Vĩnh Long) xuýt xoa: “Tôi luôn nhắc nhở con tránh xa chó, mèo vậy mà đi quán cà phê, thấy chó xù khách uống nước đem theo tụi nhỏ lại nựng thì con chó cắn vào chân. Dù chỉ có tí dấu răng, không chảy máu nhưng tôi cũng đưa con đi chích và xin số điện thoại kêu chủ con chó theo dõi tình trạng con chó”, chị Tuyền bức xúc.

Theo các bác sĩ thú y, khi bị dại con vật có biểu hiện khác thường như ngứa ngáy, hay liếm, ăn bậy gạch đá, cây, sắt, vải… đứng nằm không yên, chạy rông, cắn bất cứ vật gì gặp phải. Sau đó con vật bại liệt, tiếng sủa khàn, tru từng cơn dài, chảy nhiều nước bọt, thè lưỡi…

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh - Huỳnh Thanh Tân, bệnh dại lây từ nước bọt của động vật nuôi như chó, mèo bị dại lây qua vết cắn, liếm hoặc tiếp xúc với nước bọt của chó, mèo qua các vết thương hở. Ngoài ra, virus dại cũng được phát hiện ở mèo, chồn, dơi và các động vật có vú khác.

Thời gian ủ bệnh ở người thường từ 2 - 8 tuần và có thể kéo dài đến trên 1 năm, thời gian này phụ thuộc vào lượng virus xâm nhập vào cơ thể, sự nặng nhẹ của vết thương, khoảng cách từ vết thương đến hệ thần kinh trung ương… Tất cả các bệnh nhân lên cơn dại đều bị tử vong.

“Người dân chậm trễ tiêm ngừa do thường nghĩ rằng chó mèo đã tiêm phòng rồi thì không sao, hoặc có thói quen theo dõi động vật cắn trước, nếu có vấn đề gì mới đến cơ sở y tế để tiêm phòng. Đây là các quan niệm không đúng vì tiêm ngừa dại là đặc biệt cần thiết, tiêm càng sớm càng tốt ngay sau khi bị động vật cắn. Nhất là những trường hợp bị cắn ở vùng nguy hiểm như đầu, mặt, cổ... thì thời gian ủ bệnh càng ngắn” - bác sĩ Thanh Tân khuyến cáo.

Đồng thời, bác sĩ Thanh Tân lưu ý, khi tiêm vaccine ngừa bệnh dại cần phải tiêm đủ liều theo chỉ định của nhân viên y tế, tiêm đúng liều lượng, đúng kỹ thuật. Trong thời gian tiêm, không được uống rượu, không dùng các chất kích thích, không sử dụng các thuốc kháng viêm thuốc làm giảm miễn dịch trong khi tiêm và 6 tháng sau khi tiêm vaccine phòng bệnh dại.

Phòng chống bệnh dại

Theo Bộ Y tế, nguyên nhân trực tiếp gây tử vong chủ yếu do người bị động vật nghi dại cắn không tiêm vaccine. Nguyên nhân gián tiếp là do tỷ lệ tiêm vaccine phòng dại trên chó, mèo còn thấp và công tác quản lý chó, mèo ở một số địa phương còn lỏng lẻo.

Từ đầu năm đến nay, tỷ lệ tiêm vaccine phòng dại chỉ đạt khoảng 40% tổng đàn chó, mèo cả nước. Chỉ có 13 tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ tiêm phòng dại trên 70% tổng đàn chó. Tại tỉnh Vĩnh Long, công tác tiêm phòng bệnh dại chó được đặc biệt quan tâm, đến nay đã đạt gần 85% so với kế hoạch năm. Để ngăn chặn bệnh dại lây sang người, cần đạt tỷ lệ tiêm phòng trên động vật ít nhất là 70% trong 2 năm liên tiếp.

Từ đầu tháng 7 đến nay, lực lượng bác sĩ thú y và cộng tác viên của Chi cục Chăn nuôi - Thú y và Thủy sản Vĩnh Long đã tiêm phòng hơn 2.460 liều dại chó, nâng số lượng từ đầu năm đến nay gần 28.200 liều. Tổ chức nhiều cuộc tuyên truyền về sự nguy hiểm của bệnh dại, cách nhận biết chó, mèo đang bị bệnh dại cũng như cách nuôi, nhốt, rọ mõm chó đúng cách.

Bộ Y tế đề nghị UBND cấp tỉnh chỉ đạo sở y tế tăng cường giám sát chặt chẽ các trường hợp bị chó, mèo nghi dại cắn; tuyên truyền và vận động người dân đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và tiêm phòng vaccine dại kịp thời…

Đề nghị các địa phương xem xét miễn phí hoặc hỗ trợ một phần chi phí tiêm vaccine phòng dại sau phơi nhiễm cho người nghèo, người cận nghèo và một số đối tượng chính sách ở những vùng có nguy cơ cao.

Các bác sĩ khuyến cáo, khi bị chó cắn cần rửa ngay vết thương với xà bông và dưới vòi nước chảy liên tục 10 - 15 phút. Sau đó rửa kỹ với cồn 70% hoặc cồn iod và đưa ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế để được tư vấn tiêm ngừa vaccine và huyết thanh kháng dại càng sớm càng tốt.

Bài, ảnh: MAI ANH