Con chung, con riêng là một vấn đề hết sức nhạy cảm, nếu người lớn không sớm quan tâm giải quyết ổn thỏa tình hình thì rất dễ nảy sinh mâu thuẫn trong gia đình và thậm chí sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy đáng tiếc.
Con trẻ luôn là tài sản quý giá của cha mẹ.Ảnh minh họa |
Con chung, con riêng là một vấn đề hết sức nhạy cảm, nếu người lớn không sớm quan tâm giải quyết ổn thỏa tình hình thì rất dễ nảy sinh mâu thuẫn trong gia đình và thậm chí sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy đáng tiếc.
Mấy ngày gần đây cậu bé Tin trở nên ít nói, ít cười đùa như mọi khi, thỉnh thoảng lại còn quấy khóc mè nheo. Hiển nhiên mọi người ai cũng hiểu rõ lý do là mẹ kế của cậu bé mới sinh em bé gái nên mọi người trong nhà đều đổ dồn về phía em bé mà bỏ quên cậu. Ba mẹ bé Tin ly hôn khi bé được 3 tuổi vì lý do không hợp nhau. Do mến ông bà nội nên bé được giải quyết sống với ba cùng ông bà nội.
Do thiếu mẹ nên mọi người rất thương yêu chiều chuộng bé. Nhưng sau đó khi ba quen và cưới mẹ sau, bé Tin có cảm giác ganh tỵ, không vui. Mẹ sau của Tin cũng rất hiểu chuyện và mở rộng tấm lòng mà yêu thương con chồng.
Bé Tin vì thế cũng rất vui và thương mẹ sau. Nhưng đến lúc có em gái nhỏ thì Tin cảm thấy buồn thật sự, cậu bé sợ bị “ra rìa”. Thấy con như thế ba Tin cũng thường xuyên quan tâm hỏi han bé, chú ý chăm sóc cho con trai và tập cho bé làm quen với em gái nhỏ để hòa hợp vui vẻ.
Ba bé Tin chia sẻ rằng: “Tôi đã chuẩn bị trước tâm lý để xử trí vấn đề này. Trước đó tôi cũng thường nói với con những vấn đề tế nhị này để con không bị sốc và dần dần hiểu được để hòa hợp tốt với mẹ sau và thành viên mới trong nhà. Mọi người trong nhà và nhất là vợ tôi đều rất quan tâm yêu thương bé. Thế nhưng tới khi con gái nhỏ ra đời chúng tôi cũng không tránh khỏi sơ suất làm ảnh hưởng tâm lý con trai. Bé Tin tuy mới 6 tuổi nhưng rất hiểu chuyện và nhạy cảm”.
Theo chuyên gia tâm lý, trẻ nhỏ đều rất nhạy cảm, luôn muốn được cha mẹ ông bà quan tâm chú ý và dành hết sự yêu thương cho bé. Khi con trẻ không may rơi vào trường hợp phải chịu cảnh cha mẹ ly hôn và phải sống với mẹ kế hoặc cha dượng thì để tạo được mối dây gắn kết tình cảm thật lòng để xây dựng hạnh phúc gia đình thì phần nhiều thuộc vào cách cư xử tình cảm của người lớn.
Trong đó, việc chuẩn bị kiến thức tâm lý là điều rất cần thiết. Bạn đã có suy nghĩ tích cực, bạn đã có kiến thức về tâm lý để hiểu con thì chắc chắn các bạn sẽ rất yêu thương con và sẽ lựa chọn được phương pháp, thái độ ứng xử phù hợp với trẻ. Khi mình dẫn dắt được cảm xúc của chính mình để ứng xử hài hòa, yêu thương trẻ thì trẻ chắc chắn sẽ yêu thương bạn vì tất cả những đứa trẻ luôn mô phỏng lại chính cách hành xử của người lớn với trẻ.
Con riêng của vợ hoặc chồng thường có một khoảng cách khá lớn và rất khó để hòa hợp. Tuy nhiên, khi bạn xác định lựa chọn kết hôn với người đã có con riêng thì việc tạo dựng mối quan hệ thân thiết với các thành viên trong gia đình là điều cực kỳ cần thiết.
Hãy tạo ấn tượng tốt trong mắt con trẻ trong lần gặp mặt đầu tiên. Bạn có thể chủ động trò chuyện cùng trẻ. Có thể ban đầu mọi thứ diễn ra không được như mong đợi của bạn nhưng đừng vội nản chí và nóng lòng, mọi thứ đều cần có thời gian.
Hãy để cho trẻ từ từ cảm nhận mối quan hệ mới này, khi trẻ chấp nhận bạn, bạn sẽ nhận được dấu hiệu từ trẻ. Hãy dùng tình yêu thương để cảm hóa tâm hồn trẻ. Người ta vẫn thường nói cái gì xuất phát từ trái tim bao giờ cũng đi đến trái tim, đó cũng là con đường ngắn nhất để chinh phục tình cảm.
Hãy cho con trẻ cảm nhận tình yêu thương thật sự của bạn dành cho chúng. Mọi quan tâm, lo lắng phải xuất phát ở tâm chứ không phải để lấy lòng ai đó. Bạn sẽ làm được điều đó khi bạn coi con riêng của chồng hoặc vợ như chính con ruột của mình.
Đối với cha mẹ ruột đứa trẻ khi hôn nhân gãy gánh và bước đi bước nữa, thì việc chuẩn bị tâm lý cho con, dành thời gian cho con nhiều hơn để tâm sự, yêu thương chăm sóc bé là điều rất quan trọng. Nếu cuộc sống mới của vợ chồng bạn có thêm thành viên mới thì hãy đảm bảo việc bạn đối xử công bằng với bọn trẻ.
Hãy tạo cho con một môi trường sống thoải mái. Đừng quá khắt khe, nóng nảy áp đặt nhiều quy tắc buộc bé phải tuân theo. Bạn có thể thiết lập các nguyên tắc cơ bản cho gia đình. Khi mọi người đều tuân thủ, cuộc sống sẽ trở nên dễ chịu hơn. Nguyên tắc này sẽ giúp trẻ cảm thấy an toàn và được bảo vệ, trẻ cũng thấy thoải mái hơn vì không mất nhiều thời gian để thỏa thuận.
Đồng thời, người lớn có thể dành thêm thời gian để tìm hiểu những sở thích, thói quen, tính cách của con. Điều đó sẽ giúp cho trẻ cảm thấy bạn có phần hiểu con, khoảng cách sẽ được kéo gần hơn. Hãy trò chuyện và chia sẻ với con những điều bạn mong muốn, bản thân bạn sẽ là người chủ động gợi mở trước, để từ đó con cởi mở hơn với bạn.
Bên cạnh đó, bạn có thể lên kế hoạch để cả nhà có những chuyến du lịch hoặc các hoạt động dã ngoại giúp gắn kết, thiết lập tình cảm gia đình. Thông qua các hoạt động đó, các thành viên trong gia đình cũng thêm phần hiểu nhau hơn, xây dựng được mối quan hệ gắn bó với các thành viên để xây dựng gia đình hạnh phúc.
Bài, ảnh: LAM NGỌC
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin