Tha thứ lỗi lầm

07:11, 24/11/2022

Tha thứ cho lỗi lầm của người khác, nhất là sự phản bội trong hôn nhân là điều cực kỳ khó khăn. Nhưng khi đã quyết định tha thứ thì phải học cách buông bỏ. Đó cũng là tự cởi trói cho chính mình.

 

Con cái chính là sự gắn kết chặt chẽ tình yêu thương và trách nhiệm giữa hai người.  Ảnh minh họa
Con cái chính là sự gắn kết chặt chẽ tình yêu thương và trách nhiệm giữa hai người. Ảnh minh họa

Tha thứ cho lỗi lầm của người khác, nhất là sự phản bội trong hôn nhân là điều cực kỳ khó khăn. Nhưng khi đã quyết định tha thứ thì phải học cách buông bỏ. Đó cũng là tự cởi trói cho chính mình.

Phát hiện chồng ngoại tình với một đồng nghiệp là cú sốc lớn nhất đời của chị M.X. (32 tuổi). Chị hoàn toàn suy sụp, nhưng vì con gái còn nhỏ chị phải ráng ngồi dậy sau 1 tuần nằm li bì. Anh chồng biết lỗi sợ hãi, hối hận và không ngừng năn nỉ xin chị tha thứ, quả quyết rằng sẽ chấm dứt không tái phạm, thậm chí anh có thể chuyển công tác nếu chị muốn.

Họ ly thân suốt mấy tháng trời, vẫn sinh hoạt chung nhà nhưng chị không quan tâm đến chồng. Sau đó, khi chuyện dần lắng xuống thì mọi người cũng khuyên bảo, chia sẻ với chị. Cha mẹ chị sau khi nghe chàng rể nhận lỗi, hứa chắc chắn sẽ xây dựng lại hạnh phúc gia đình thì cũng khuyên nên hàn gắn lại vì con nhỏ. Thế là chị chấp nhận tha thứ, chị nói chuyện thẳng thắn với chồng sẽ ly hôn ngay nếu tái diễn.

Cuộc sống hôn nhân của họ sau đó nhìn bề ngoài thì cũng bình yên hạnh phúc, anh chồng giữ đúng lời hứa không tái phạm và đã chuyển công tác qua chi nhánh khác, quan tâm chăm lo gia đình nhiều hơn.

Tuy nhiên chỉ trong lòng chị mới hiểu, tình yêu của chị với chồng không còn nguyên vẹn, thậm chí nhiều khi chị không muốn gần gũi chồng vì trong đầu lại xuất hiện hình ảnh anh ngoại tình. Mỗi khi thấy chuyện gì liên quan vấn đề này chị lại khó chịu bực bội và về kiếm chuyện gây sự với chồng. Hai năm rồi nhưng chị vẫn không sao quên được, chị cảm thấy mệt mỏi, ngày càng vô cảm với chồng, sức khỏe và tinh thần chị M.X. cũng ảnh hưởng rất nhiều.

“Vợ lạc lối nhưng để giữ hạnh phúc, tôi đã tha thứ cho lỗi lầm của vợ. Thế nhưng không hiểu sao vết thương lòng trong tôi vẫn mãi đau đớn, như chẳng thể chữa lành”- còn đây là tâm sự của ông bố trẻ, ngoài 35 tuổi. Và đây cũng chính là tiếng lòng của nhiều người phải nằm trong hoàn cảnh này.

Trong cuộc sống, ai cũng có thể mắc sai lầm, bởi không ai có thể hoàn hảo 100%. Điều quan trọng là chúng ta biết sửa sai, đứng lên làm lại sau sai lầm. Khi chúng ta đã quyết định tha thứ, nhận thấy được sự hối lỗi và khắc phục sau sai lầm, cũng như khẳng định được tình cảm của người mắc lỗi thì cũng nên mở rộng tấm lòng đón nhận thật tâm. Hãy nghĩ đến hạnh phúc gia đình, tương lai của con cái thì thời gian sẽ giúp bạn dần vượt qua được nỗi đau để ổn định tâm tưởng, tự chữa lành vết thương cho mình.

Tha thứ vốn không phải là một việc dễ dàng, đặc biệt khi những lỗi lầm đó nghiêm trọng và làm tổn thương mình. Tuy nhiên, tha thứ cho người cũng chính là tha thứ cho bản thân sẽ giúp chúng ta cân bằng trong cuộc sống, sống nhẹ nhàng, vui vẻ hơn. Và thời gian chính là một liều thuốc nhiệm mầu chữa lành mọi vết thương. Cái gì đã cho qua được thì cho qua để hướng đến tương lai tốt đẹp hơn.

Cuộc sống hôn nhân sau vết thương lớn rất cần sự hàn gắn từ hai phía. Nếu không thể bỏ qua tốt nhất là chia tay. Đừng bao dung tha thứ cho qua để tiếp tục cuộc hôn nhân rồi trong cuộc sống hàng ngày thường xuyên kiếm chuyện nhắc lại lỗi lầm xưa, tra tấn tinh thần và thể xác, ngày càng tạo khoảng cách giữa hai người.

Theo các chuyên gia, tha thứ vừa là một giá trị sống, vừa là một kỹ năng sống, kỹ năng đồng cảm. Tha thứ chính là cởi trói cho chính mình. Tuy nhiên, tha thứ cho người gây tổn thương hay phản bội mình là một trong những điều khó nhất trong cuộc đời. Bởi vậy học cách tha thứ là điều vô cùng cần thiết nếu như chúng ta muốn hàn gắn lại mối quan hệ, hoặc chỉ đơn giản là chúng ta muốn quên đi quá khứ và bước tiếp trong cuộc sống.

Để có thể tha thứ được cho lỗi lầm của người khác, chúng ta phải học cách buông bỏ oán giận, suy nghĩ về mặt tích cực trong mối quan hệ đó, tâm sự trút bỏ nỗi lòng với người mình tin tưởng để ổn định lại tinh thần. Nên có những cuộc nói chuyện thẳng thắn chân thành giữa hai người để hiểu và thông cảm, đưa ra những quy tắc phải thực hiện để tránh chạm đến giới hạn đổ vỡ.

Có thể dành một thời gian xa nhau nếu thấy cần thiết để cả hai bình tĩnh suy nghĩ thấu đáu mọi chuyện, để đưa ra quyết định chính xác. Một khi đã chấp nhận tha thứ thì phải thực hiện từng bước nhỏ để hàn gắn mối quan hệ và ngày càng tốt hơn. Khi đã tiếp tục cuộc hôn nhân thì không nên bới lại lỗi lầm cũ mỗi khi mâu thuẫn, điều đó chỉ khiến hai người đi dần đến con đường tan vỡ, làm mất thời gian, tốn công tốn sức để xây dựng lại mối quan hệ.

Buông bỏ quá khứ, quyết định xem bạn có thể hoàn toàn tha thứ và bước tiếp hay không. Nếu đã tha thứ thì phải cùng nhau cố gắng xây dựng lại nếp nhà đầm ấm, cũng chính là tạo một môi trường tốt cho con cái phát triển an toàn. Tha thứ cũng chính là yêu thương bản thân mình, hướng đến những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

Bài, ảnh: LAM NGỌC

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh