Bất đồng

Cập nhật, 18:41, Thứ Năm, 10/11/2022 (GMT+7)

Bất đồng quan điểm hay bất đồng lối sống là nguyên nhân gây rạn nứt trong đời sống hôn nhân.

Vợ chồng muốn hòa hợp được với nhau thì phải biết lắng nghe, chia sẻ và điều chỉnh mọi suy nghĩ, hành vi cho phù hợp.Ảnh minh họa
Vợ chồng muốn hòa hợp được với nhau thì phải biết lắng nghe, chia sẻ và điều chỉnh mọi suy nghĩ, hành vi cho phù hợp.Ảnh minh họa

Khi yêu nhau từ thời sinh viên, chị H.S. và chồng không mấy để ý đến vấn đề giữa họ có sự khác biệt nhau trong lối sống và còn cảm thấy họ rất hợp nhau. Nhưng khi cưới nhau về sống chung cùng mái nhà thì chị phát hiện ra hai người thật sự rất khác nhau, từ quan điểm sống hay tính cách, thói quen đều rất “chỏi” nhau. Thời gian đầu chị H.S. cũng ráng nhẫn nhịn mà sống nhưng về sau chị càng cảm thấy khó chịu, anh làm gì chị cũng không hài lòng. Những thói quen trong sinh hoạt hàng ngày họ là hai thái cực. Anh thích bày biện nấu nướng ở nhà, mỗi lần anh vào bếp là thoải mái bừa bộn như “bãi chiến trường”, nên dù anh có nấu sơn hào hải vị gì chị ăn cũng không nổi khi nhìn cảnh tượng trước mắt mình phải dọn dẹp. Trong khi, chị lại thích ăn uống đơn giản gọn gàng, nếu bận thì ăn bên ngoài vì cả hai đều đi làm. Điều chị khó chịu nhất là anh rất thích nuôi chó, anh đem dưới quê lên một lượt 2 con để nuôi, còn chị thì cực kỳ dị ứng với lông chó vương vãi khắp nhà. Và còn rất nhiều những chuyện nhỏ nhặt trong cuộc sống mà họ không hòa hợp được với nhau, tuy là những chuyện nhỏ nhưng phải tiếp xúc hàng ngày thì cũng rất ức chế. Ngược lại anh cũng không hài lòng chị nhiều vấn đề, cả hai đều nóng nảy nên không thỏa thuận được, vì những bất đồng trong lối sống này mà họ thường xuyên cãi nhau, mất dần đi cảm giác vui vẻ, hạnh phúc.

Đúng là vợ chồng chung sống với nhau mà lại có quan điểm sống trái ngược như vậy sẽ là nhân tố khiến mâu thuẫn gia đình ngày một gay gắt hơn. Đây cũng là nguy cơ cao dẫn tới tan vỡ hạnh phúc gia đình nếu hai người không thể dung hòa cho nhau. Vợ chồng sống với nhau dù yêu nhau đến đâu thì cũng khó tránh khỏi mâu thuẫn, cãi cọ, hờn giận. Song vấn đề chính là cách thức giải quyết các sự bất đồng đó như thế nào cho tốt.

Các nguyên nhân gây bất đồng xuất phát từ truyền thống gia đình, từ tính cách trái dấu nhau, về thói quen, sở thích, về con cái, tiền bạc, về mối quan hệ không hòa thuận giữa hai bên gia đình hay cả về đời sống phòng the, tất cả tạo nên sự khó chịu, bực tức và ngày càng xa cách nhau nếu không giải quyết được vấn đề. Thực ra trên thực tế, còn có nhiều nguyên nhân khác khiến vợ chồng bất đồng với nhau ảnh hưởng từ yếu tố xã hội và chuẩn mực đạo đức. Dù xuất phát từ nguyên nhân nào đi nữa thì ta cũng phải tìm ra những giải pháp khả thi để giải quyết những bất đồng trong đời sống vợ chồng.

Những xung đột nếu không biết tìm cách giải quyết thì có thể dẫn đến nhiều hậu quả tai hại như làm mất hạnh phúc trong gia đình, tình yêu bị chết dần, vợ chồng lạnh nhạt với nhau dẫn đến ly thân, ly hôn, gia đình tan vỡ. Vợ hay chồng đều dễ rơi vào những bước đi sai lầm. Điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc chăm sóc, giáo dục con cái.

Vì thế, chúng ta phải tích cực để điều chỉnh cho hòa hợp với nhau ở mức có thể chấp nhận được. Nên tôn trọng sự khác biệt, cá tính của cả hai, phải chấp nhận nhau và tự điều chỉnh để người này thích nghi với người kia, tránh được tình trạng xung khắc, xung đột nhau nhất là về thói quen, sở thích của nhau. Biết lắng nghe và đối thoại là vấn đề rất quan trọng, vợ chồng thường xuyên trò chuyện, chia sẻ cùng nhau để hiểu và biết rõ mọi thứ về nhau, thông cảm cho nhau để sống được với nhau. Nếu không thể giải quyết được ngọn nguồn, tranh cãi chỉ khiến các cặp vợ chồng lãng phí thời gian và sức lực. Vợ chồng nên nhường nhịn nhau, lúc nóng giận thì nên dừng lại đợi bình tĩnh hơn sẽ nhẹ nhàng tâm sự, người phụ nữ là mấu chốt của vấn đề trong việc giữ gìn hòa khí gia đình. Vợ chồng nên dành thời gian để trao đổi, định hướng, lên kế hoạch cho các vấn đề trong cuộc sống, từ nuôi dạy con cái đến việc chi tiêu trong nhà, các mối quan hệ xung quanh. Nếu ý kiến nào bất đồng thì thảo luận để đưa ra sự thống nhất hợp lý nhất.

Mỗi người cần nêu cao trách nhiệm của mình trong xây dựng gia đình, dẹp bỏ bớt cái “tôi” cá nhân, rèn luyện kỹ năng sống, biết chia sẻ, nhường nhịn, tự điều chỉnh để vợ chồng hòa hợp. Hạnh phúc chỉ có thể đạt được khi cả hai người luôn có ý thức điều chỉnh hành vi, tính cách của mình để ranh giới sự khác biệt không dần trở thành hố sâu ngăn cách. Cần có sự nhìn nhận nghiêm túc từ mỗi người để mỗi gia đình thực sự là một tế bào của xã hội.

Bài, ảnh: LAM NGỌC