Khi đàn ông làm nội trợ

04:10, 27/10/2022

Theo quan niệm xưa thì "đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm". Vì thế đàn ông vào bếp vẫn còn vấp phải nhiều định kiến, nói chi đến việc đàn ông thôi việc ngoài xã hội ở nhà làm nội trợ lại càng ít được ủng hộ.

 

 

Theo quan niệm xưa thì “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Vì thế đàn ông vào bếp vẫn còn vấp phải nhiều định kiến, nói chi đến việc đàn ông thôi việc ngoài xã hội ở nhà làm nội trợ lại càng ít được ủng hộ.

Vốn hơi cầu kỳ trong chuyện ăn uống nên anh V.M. thường tự vào bếp nhiều hơn vợ. Anh thích tự mình chế biến các món ăn cho hợp khẩu vị mình, dành phần đi chợ vì vợ anh không có kinh nghiệm chọn lựa thức ăn. Vốn gốc nhà nông nên anh V.M. rất có kiến thức chọn lựa thịt, cá, rau củ trái cây rất tươi ngon. Riết thành nếp nhà, anh trở thành nội trợ chính trong nhà, vợ anh chỉ phụ vặt. Mọi người khen anh giỏi, nhưng cũng không ít người cười thầm sau lưng vì cho rằng anh làm “osin” cho vợ, có người còn nói khó nghe bảo anh kỹ tánh như đàn bà, người thân anh cũng tỏ vẻ không hài lòng vì chuyện này, nhiều lần góp ý với anh. Nhưng anh V.M. vẫn cười cho qua vì với anh, anh cảm thấy thích vào bếp và quan trọng là vợ chồng anh thỏa thuận được với nhau. Chị dở việc này thì giỏi việc khác, đưa rước dạy dỗ con cái học hành hay chuẩn bị áo quần phẳng phiu cho chồng con, sắp xếp trong ngoài gia đình, hai bên nội ngoại chị đều làm tốt. Anh hài lòng về chuyện đó và mái ấm của vợ chồng anh lúc nào cũng đầm ấm vui vẻ. Chỉ thế thôi là đủ.

Anh T.T. thất nghiệp cả năm nay vì công ty giải thể. Vừa xin việc mới vừa tranh thủ ở nhà làm nội trợ phụ vợ. Suốt ngày anh cũng tất bật với những việc không tên đến hết ngày hết giờ. Bạn bè anh đều khuyên cố gắng tìm việc làm để ở nhà riết thành nội trợ cho vợ luôn thì mất mặt đàn ông, vợ nắm quyền trong nhà. Anh T.T. cũng buồn lo và chán nản vì việc thì chưa tìm được, thu nhập gia đình eo hẹp, việc nhà thì cả năm nay vô tình anh cũng gánh vác hết mỗi ngày đều tốn nhiều thời gian và công sức. Tuy vậy vì thương vợ, vợ chồng anh thấu hiểu và thông cảm cho nhau nên anh bỏ hết ngoài tai những lời gièm pha. Mỗi bữa cơm trong nhà của anh đều vui và ấm áp, anh nấu ăn được vợ con khen ngon, con anh vẫn tự hào về cha, còn vợ anh thì rất tâm lý, dù đi làm về mệt cũng vào phụ anh, thường tâm sự, động viên làm chỗ dựa tinh thần cho anh rất tốt. Anh T.T. nói rằng dù có tìm được việc làm mới, mỗi ngày anh cũng sẽ dành thời gian phụ giúp vợ chuyện gia đình, đàn ông làm nội trợ không có gì không tốt, vợ chồng cùng chia sẻ mọi thứ thì mới hạnh phúc được.

Từ thời xa xưa, người đàn ông luôn gắn liền với hình ảnh mạnh mẽ, nam tính, là trụ cột tài chính trong gia đình. Ngược lại, người phụ nữ sẽ đảm nhận công việc bếp núc, chăm lo cho con cái, cha mẹ già. Với những định kiến ấy, nếu một người đàn ông thích vào bếp hay không ra ngoài kiếm tiền, ở nhà làm nội trợ để vợ lo tài chính thì nhiều khả năng sẽ phải đối mặt không ít áp lực, đặc biệt là sự đánh giá từ người xung quanh.

Tuy nhiên, thời đại ngày nay, vai trò của người vợ, người chồng trong gia đình đang dần thay đổi rõ rệt so với quan niệm truyền thống. Theo đó, phụ nữ cũng có thể kiếm tiền giỏi, giải quyết những việc lớn lao, ngược lại, đàn ông hoàn toàn có thể làm tốt việc hậu phương, lo việc nội trợ thay vợ. Xu hướng đàn ông ở nhà làm nội trợ phổ biến hơn ở các nước phương tây và họ cho rằng các cặp đôi có sự chia sẻ việc nhà cảm thấy hạnh phúc hơn so với những gia đình vợ quán xuyến hết việc nội trợ.

Mỗi nhà mỗi cảnh, dù là tạm thời hay lâu dài thì việc người chồng làm nội trợ cũng rất cần sự thấu hiểu, tôn trọng và động viên chia sẻ của người vợ. Vợ chồng là người bạn đồng hành trong cuộc đời, phải cùng nắm tay nhau nhìn về một hướng, dù trong lúc vui vẻ, buồn phiền hay chông gai, thử thách. Ra ngoài cũng là làm, ở nhà chăm con hay làm việc nhà cũng là làm. Hãy cùng nhau cố gắng, thấu hiểu cho nhau mới đến ngày nhận được trái ngọt.

Nên gạt bỏ quan niệm chuyện nội trợ là chuyện của người vợ, đàn ông ở nhà làm nội trợ là thất bại trong cuộc sống, là mất sĩ diện. Thực tế trong xã hội những đầu bếp giỏi thường là nam nhiều hơn. Chuyện tôn trọng yêu thương nhau giữa hai vợ chồng không phụ thuộc vào chuyện ai làm nội trợ. Công việc nội trợ không làm người đàn ông mất đi giá trị mà giá trị của nam giới nằm ở tri thức, bản lĩnh và thái độ sống.

Trong một gia đình, chỉ cần hai vợ chồng có thể hiểu và thông cảm, thỏa thuận được với nhau thì có thể san sẻ và bình đẳng với nhau ở bất cứ vấn đề nào, làm việc gì cũng được miễn người trong cuộc cảm thấy vui, hạnh phúc, sống tích cực và sống có ích cho xã hội là được.

Bài, ảnh: LAM NGỌC

 
Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh