Tự hào Nhà truyền thống Đảng bộ tỉnh trên mảnh đất anh hùng

Cập nhật, 05:46, Chủ Nhật, 21/05/2023 (GMT+7)

(VLO) Nhà truyền thống Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long được xây dựng trên diện tích 8.000m2, tọa lạc tại ấp Vĩnh Trinh, xã Vĩnh Xuân, huyện Trà Ôn và được khánh thành nhân dịp kỷ niệm 67 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2011).

Nhà truyền thống Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long trở thành biểu tượng tự hào giáo dục lòng yêu nước, truyền thống cách mạng cho các thế hệ.
Nhà truyền thống Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long trở thành biểu tượng tự hào giáo dục lòng yêu nước, truyền thống cách mạng cho các thế hệ.

Đến Nhà truyền thống Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long, du khách và nhân dân được tham quan hàng trăm hình ảnh, tư liệu quý về lịch sử hình thành và phát triển của các Đảng bộ, chi bộ trong tỉnh, cũng như quá trình đấu tranh chống giặc ngoại xâm của nhân dân Vĩnh Long nói chung và người dân Vĩnh Xuân anh hùng nói riêng, thông qua các chuyên đề: Các tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam; Đảng bộ Vĩnh Long những chặng đường đấu tranh cách mạng (từ 1930- 30/4/1975); Thành tựu tỉnh Vĩnh Long qua các nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh (từ 1975 đến nay); Chân dung 31 đồng chí bí thư tỉnh ủy Vĩnh Long qua các thời kỳ; Hình ảnh về những cuộc khởi nghĩa của nhân dân chống giặc ngoại xâm, trong đó có phong trào xây dựng xã, ấp chiến đấu phát triển mạnh mẽ.

Nhân dân đào hào, đắp mô, làm hàng rào chướng ngại, hầm chông, đắp bờ cải tạo địa hình; Phong trào sản xuất vũ khí rầm rộ… phục vụ cho chiến đấu của du kích và nhân dân tỉnh nhà. Từ đó, du kích xã, ấp được xây dựng lớn mạnh để giữ gìn trật tự, an ninh xóm ấp mình.

Mô hình minh họa sự kiện đấu tranh của nông dân chống lại địa chủ Nguyễn Văn Yên.
Mô hình minh họa sự kiện đấu tranh của nông dân chống lại địa chủ Nguyễn Văn Yên.

Đặc biệt, trong nhà truyền thống còn trưng bày mô hình sinh động minh họa sự kiện đấu tranh của nông dân chống lại địa chủ Nguyễn Văn Yên (còn gọi là Hàm Yên) gian ác, có thế lực trong quận đã dùng giạ giả để đong lúa thu tô của bà con nông dân vào năm 1938.

Cùng với sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, công cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, và đỉnh điểm là chiến thắng 30/4/1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, qua đó đã đem lại độc lập tự do cho Tổ quốc, cho dân tộc.

Với những đóng góp to lớn trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm, giờ đây xã Vĩnh Xuân, huyện Trà Ôn đã được phong tặng đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đến ngày 26/4/2012, tỉnh Vĩnh Long đã vinh dự đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất nhân dịp kỷ niệm 37 năm Giải phóng miền Nam và 20 năm tái lập tỉnh.

Từ ngày khánh thành đi vào hoạt động đến nay, Nhà truyền thống Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long đã trở thành địa chỉ đỏ, là biểu tượng tự hào và là nơi giáo dục lòng yêu nước, truyền thống cách mạng cho các thế hệ người dân Vĩnh Long, nhất là thế hệ trẻ trên vùng đất Vĩnh Xuân anh hùng.

Bên cạnh Nhà truyền thống Đảng bộ tỉnh là ngôi đình Vĩnh Xuân. Đây là di tích lịch sử- văn hóa, được xây dựng dưới triều Minh Mạng vào đầu thế kỷ XIX.

Nhà truyền thống Đảng bộ tỉnh gắn với thiết chế đình làng và Trung tâm Văn hóa- Thể thao xã Vĩnh Xuân.
Nhà truyền thống Đảng bộ tỉnh gắn với thiết chế đình làng và Trung tâm Văn hóa- Thể thao xã Vĩnh Xuân.

Năm 1930, nơi đây có 2 chi bộ Đảng đầu tiên trong vùng Cầu Kè- Trà Ôn, là nơi luôn giương cao ngọn cờ cách mạng của Đảng dẫn dắt nhân dân đấu tranh giành thắng lợi, làm bùng cháy ngọn lửa cách mạng cho quê hương Vĩnh Xuân anh hùng.

Trải qua nhiều lần trùng tu, đến năm 2009, được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, cùng với sự đóng góp của Ban Hội hương và nhân dân, ngôi đình được xây dựng bằng vật liệu kiên cố theo kiến trúc hiện hữu với đầy đủ các hạng mục võ ca, võ quy, chánh điện, nhà khói, miếu Ngũ hành, miếu Thổ Thần,...

Ngày 8/12/2021, UBND tỉnh Vĩnh Long có Quyết định số 3388/QĐ-UBND xếp hạng di tích đình Vĩnh Xuân là di tích lịch sử- văn hóa cấp tỉnh.

Phía trước đình có con rạch chảy qua, xung quanh là nhiều cây cao cổ thụ tỏa bóng mát quanh năm. Với địa thế thuận lợi, có nhiều thiết chế văn hóa, thể thao phù hợp, UBND huyện Trà Ôn đã trưng dụng nơi đây làm Trung tâm Văn hóa- Thể thao của xã gắn với thiết chế đình làng, vừa đáp ứng các tiêu chí về xây dựng xã NTM, vừa tạo điều kiện cho người dân địa phương được tham gia học tập kinh nghiệm trong lao động sản xuất, vừa tham gia sinh hoạt vui chơi, giải trí, rèn luyện thể dục thể thao trong những lúc nông nhàn.

Bài, ảnh: MINH TRIẾT (TP Vĩnh Long)