Mấy suy nghĩ về thơ ca cách mạng Tháng Tám

03:08, 28/08/2022

Kể từ mùa thu ấy, mùa thu năm 1945 với thắng lợi vĩ đại của cuộc cách mạng Tháng Tám đã đưa dân tộc ta từ "than bụi lầy bùn" đến lên "làm chủ cuộc đời mình". Tổ quốc Việt Nam thân yêu từ nay đã đi lên bằng những bước vững vàng hơn, tuy khó khăn vẫn còn treo trước mắt.

Thơ ta ơi hãy cất cao tiếng hát

Ca ngợi trăm lần Tổ quốc của ta

Mùa thu đó đã bắt đầu trái ngọt

Và bắt đầu nở rộ những vườn hoa.

(VLO) Kể từ mùa thu ấy, mùa thu năm 1945 với thắng lợi vĩ đại của cuộc cách mạng Tháng Tám đã đưa dân tộc ta từ “than bụi lầy bùn” đến lên “làm chủ cuộc đời mình”. Tổ quốc Việt Nam thân yêu từ nay đã đi lên bằng những bước vững vàng hơn, tuy khó khăn vẫn còn treo trước mắt.

Thực hiện đồng thời 2 nhiệm vụ chiến lược: Giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Dưới ánh sáng lý tưởng cộng sản, hiện thực sinh động của cuộc sống chiến đấu chống Pháp- Mỹ và xây dựng chủ nghĩa xã hội gian khổ mà hết sức oanh liệt đã mang lại một đề tài mới cho các nhà thơ bấy giờ; là mảnh đất tươi tốt cho nền thơ ca cách mạng Việt Nam tiếp tục đâm chồi nẩy lộc.

Cùng với bước đi lên của toàn dân tộc, thơ ca cách mạng 1945- 1975 đã đạt được những thành tựu rực rỡ và mãi mãi là ngôi sao sáng ngời trên bầu trời thơ ca Việt Nam.

Quán triệt đường lối của Đảng, nghệ thuật là một mặt trận, nhà thơ là chiến sĩ trên mặt trận ấy, các nhà thơ đã gắn chặt sự nghiệp sáng tác của mình với vận mệnh của dân tộc và những lý tưởng cao cả của thời đại. Trong lĩnh vực thơ ca cũng như các lĩnh vực khác, Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi: “Rằng thơ với Đảng nặng duyên tơ”.

Thơ ca cách mạng không là những lời luận bàn suông, không phải để nằm trên trang giấy, mà phải đi vào đời sống, có tác dụng như những hầm chông chống Mỹ cứu nước; từ đời sống mà ra và trở lại phục vụ đời sống như nhà thơ Xuân Diệu đã viết:

Tôi sống với cuộc đời chiến đấu

Của triệu người yêu dấu gian lao

Những lý tưởng mà Đảng đã mang đến và chắp cánh cho nhà thơ hành động, thay đổi. Qua những trang sách không những chúng ta thấy hiện lên những cảnh, những người trong cuộc sống mà còn thấy tâm tư, tình cảm, lý tưởng của tác giả. Đúng thế, yêu thương đi liền với ca ngợi, tôn thờ lý tưởng và nhiệt tình ca ngợi lý tưởng đang diễn ra rất đẹp hàng ngày được phản ánh trung thực trong thơ ca.

Đó là điểm sáng nổi bật của nền thơ ca cách mạng hiện đại 1945 -1975. Thơ ca là sự thể hiện con người và thời đại một cách cao đẹp!

Nói đến Tổ quốc trong thơ ca tức là nói đến đất nước và con người. Đất nước đã sản sinh ra con người là nơi “chôn rau cắt rốn” của con người và chính những con người đã đứng lên để bảo vệ và xây dựng đất nước.

Hai yếu tố này trong thơ luôn hòa quyện vào nhau, tác động với nhau, hành động và suy nghĩ của con người làm nên sự trường tồn của đất nước và tiếng gọi của đất nước chắp cánh cho những con người yêu nước đó. Hai hình ảnh này gắn bó hữu cơ với nhau và cấu thành một hình tượng chung nhất: Tổ quốc.

Thơ ca kháng chiến chống Pháp hay nói đúng hơn thơ ca từ khi Cách mạng Tháng Tám bùng nổ, đã phản ánh trung thực hiện thực lịch sử (bài thơ Hội nghị non sông, Ngọn quốc kỳ, Huế tháng Tám, Hồ Chí Minh…)

Dư âm lệnh tổng khởi nghĩa chưa dứt, thì lời hịch toàn quốc kháng chiến đã truyền vang. Những ngày đầu chống giặc Pháp thật vô cùng gian khổ.

Chúng ta thấy các nhà văn, nhà thơ lần lượt theo sát các binh đoàn, các cuộc chiến đấu, những bài thơ: Nhớ (Hồng Nguyên), Cá nước (Tố Hữu), Đồng chí (Chính Hữu)… đã ghi lại hình ảnh anh nông dân mặc áo vải khoác súng lên vai đi chiến đấu, hình ảnh anh bộ đội cụ Hồ thật cảm động! Họ hiểu rằng cầm súng chính là để bảo vệ quyền sống, chứ không phải để hủy diệt sự sống.

Cuộc kháng chiến từ Nhân dân mà ra, được Nhân dân ủng hộ thương yêu. Những người vợ ở nhà rất xứng đáng với người chồng ngoài mặt trận, đó là tinh thần 3 đảm đang: “Mùa sau kề mùa trước/ Em vác cuốc thăm đồng…”

Hình ảnh Bác Hồ trong thơ là kết tinh của nhân dân anh hùng “Đêm nay Bác không ngủ” (tác giả Minh Huệ sáng tác năm 1951), đã ghi lại một nét rất đẹp của lãnh tụ và quân dân, của những người đồng chí.

…Đêm nay Bác ngồi đó

Đêm nay Bác không ngủ

Vì một lẽ thường tình

Bác là Hồ Chí Minh

Con người kháng chiến đầy sức tự tin ở đôi tay lao động của mình “Bài ca vỡ đất” (Hoàng Trung Thông). Thêm một phương diện nữa đi vào thơ ca: Giai đoạn đấu tranh cầm cự, bước đầu ta phải thực hiện tiêu thổ kháng chiến. Cuộc chiến tranh nhân dân toàn dân toàn diện hiện lên rõ trong thơ ca.

Tiêu biểu nhất là tập thơ “Việt Bắc” của Tố Hữu, phản ánh cuộc kháng chiến chống Pháp 9 năm gian khổ. Tập thơ đi từ những ngày đầu tiên cuộc kháng chiến, đục nhà tiêu thổ kháng chiến “giữa thành phố trụi” từ tiếng cuốc “phá đường” đến những ngày chiến đấu gian khổ ở Việt Bắc và kết thúc bằng chiến thắng Điện Biên.

Kết thúc tập thơ “Việt Bắc” là bài thơ “Ta đi tới” cảm hứng thơ đi trên con đường cách mạng, nhắc nhở mọi người con đường đã qua và con đường sẽ bước tiếp. Cách mạng Tháng Tám là một cuộc tái sinh màu nhiệm của dân tộc và cũng là của mỗi người.

Việt Nam ta lại gọi tên mình

Hạnh phúc nào hơn được tái sinh

Mát dạ cha ông nghìn thuở trước

Cho đời hai tiếng mới quang vinh

Lòng yêu nước, sức sống mãnh liệt và ý chí Độc lập tự do của dân tộc được phát huy cao độ dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm nên sức mạnh phi thường, bẻ gãy xiềng xích của ách đô hộ thực dân ngót trăm năm và lật đổ phong kiến hàng ngàn năm.

Trung thành với truyền thống yêu nước của nền văn học dân tộc, với một ý thức đầy đủ và tự giác về sứ mệnh của văn nghệ; các nhà văn, nhà thơ đã hòa cùng nhịp sống với dân tộc, với Nhân dân trong cuộc đấu tranh để đi đến thành công.

Tôi cùng xương cùng thịt với nhân dân tôi

Cùng đổ mồ hôi, cùng sôi giọt máu

Tôi sống với cuộc đời chiến đấu

Của triệu người yêu dấu gian lao

(Xuân Diệu)

ĐỖ THẠCH 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh