Tản mạn một miền sông nước Cửu Long

Cập nhật, 05:35, Thứ Bảy, 27/08/2022 (GMT+7)
Cổ Chiên mùa nước đổ.
Cổ Chiên mùa nước đổ.

(VLO) Sáng nay ngồi với mấy anh em trong khuôn viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long, anh bạn họa sĩ than: Triều cường đi uống cà phê cũng cực, từ nhà ra đường nước ngập chạy xe phải vo quần lên để khỏi ướt.

Ra tới thành phố tưởng hết, ai dè mấy đoạn đường thấp cũng bị nước tràn lên, chạy xe xé nước… Chuyện đời, chuyện nghề xoay quanh ly cà phê nhạt nhòe vì đã châm trà mấy độ. Anh bạn nhạc sĩ bỗng khoe: Sáng nay ra chợ thấy bán cá bống trứng ngon quá, nhưng 1kg đến 300 ngàn đồng lận, mắc hơn thịt bò!

Năm nay con nước đầu tháng 8 dâng cao, nước tràn qua bờ bao vào vườn ruộng và bò lên mấy con đường phố trũng thấp. Nhìn dòng Cổ Chiên chảy qua TP Vĩnh Long nước đầy ắp đổ về hạ nguồn, mang theo những dề lục bình xanh mượt trong màu nước nâu non ngầu đục phù sa.

Tôi chợt thốt lên: Mùa cá bống trứng gắn với mùa nước son. Năm nay cá bống trứng về rồi, nhưng nước son vẫn chưa thấy. Chắc nước son bị kẹt đâu đó ở thượng nguồn!

Bạn tôi nói tiếp: Theo những người làm nghề đăng đáy cá trên sông, cá bống trứng mỗi năm chỉ về có một lần vào khoảng tháng 7- 8 âm lịch rồi hết. Muốn ăn cá bống trứng phải đợi mùa nước nổi năm sau. Phải công nhận cá bống trứng kho tiêu ăn với cơm nóng là hết sẩy!

Mặc dù về hình thức cá bống trứng chẳng đẹp tí nào, cá có màu nâu đen nhưng được ở chỗ có cái bụng căng tròn mang cặp trứng vàng ươm thấy mà ham.

Ngày nay cá bống trứng được người bán bỏ vào chiếc túi lưới để chà sạch vảy, người mua mang về nhà hớt mang, đuôi, bỏ ruột, rửa sạch sẽ, cho vào ơ đất rồi ướp nước màu, đường, bột ngọt, nước mắm ngon cho thấm, bắt lửa liu riu để kho.

Khi cá chín cho vào chút mỡ, rắc hành lá, tiêu xay, cho vào trái ớt hiểm có màu mè càng thêm hấp dẫn. Thế là đã có một ơ cá bống trứng kho tiêu đúng điệu, ngon lành trong những ngày gió mưa sùi sụt.

Nghe bạn nói làm tôi chợt nhớ đến sự kiện họa sĩ các tỉnh miền Tây sẽ hội tụ về Vĩnh Long để tham dự khai mạc triển lãm Mỹ thuật khu vực ĐBSCL lần thứ 27 do tỉnh Vĩnh Long đăng cai vào tháng 11/2022.

Bạn đến nhà biết đãi món gì đây. Vốn tính hài hước, anh bạn liền lên giọng: Yên tâm đi Vĩnh Long quê mình giàu tình nghĩa, đãi bạn bè toàn đặc sản không hà!

- Đãi món gì? Tôi liền hỏi.

Anh bạn nhạc sĩ chợt mỉm cười rồi khe khẽ hát: 20 năm qua tình mùa chôm chôm vẫn đẹp. Cô gái Vĩnh Long vẫn đẹp như màu xanh nước Cửu Long. Đẹp như em ca câu vọng cổ thắm nồng duyên thủy chung. Ngọt ngào như trái chôm chôm…

Đó dễ ợt! trong bản nhạc “20 năm tình đẹp mùa chôm chôm” của nhạc sĩ Giao Tiên có nhắc đến 2 món: đó là tráng miệng bằng trái cây và giao lưu đờn ca tài tử!

- Vậy còn món tiếp theo là gì?

- Nghe tiếp nè:… Qua bờ bãi mùa điên điển trổ. Bông vàng mơ nhớ quá nồi kho… đây là những lời trong nhạc phẩm “Chín dòng sông hò hẹn” của nhạc sĩ Trúc Phương, một nhạc phẩm để đời viết về ĐBSCL. Chỗ tụi mình ngồi uống cà phê trước đây là dãy nhà tập thể của Hội Văn nghệ tỉnh Cửu Long.

Nhạc sĩ Trúc Phương từng sống ở đây vào năm 1985. Hồi đó trước cổng Hội Văn nghệ có trồng 3 cây dừa.

Một sáng nhạc sĩ Trúc Phương ngồi nhìn lá dừa đung đưa theo gió trong nắng sớm, bất chợt cảm xúc trào dâng, ông xé vội tờ giấy ghi liền mấy câu: Nắng mai non nắng đổ tàu dừa…

Bông điên điển, nồi kho mà nhạc sĩ Trúc Phương nhắc đến, theo tui là gợi ý các món ngon của miền quê sông nước: cá linh nấu canh chua bông điên điển, cá cóc sông Tiền kho nước dừa!

- Toàn là đặc sản không hà! vừa khó kiếm, vừa đắt tiền, ai đâu lo nỗi…

- Vậy hả! Nếu vậy thì đãi mấy món đậm chất địa phương nghen: Mắm sống, khoai lang Bình Tân, bắp nấu Bình Minh, cá lóc nướng trui, lẩu cua đồng, rượu đế Cái Sơn…

Nghe bạn nói tự nhiên thèm. Mong mau đến ngày hội ngộ.

Bài, ảnh: TRẦN THẮNG