Các đô thị cần thích ứng với thiên tai, dịch bệnh

Cập nhật, 06:17, Thứ Tư, 10/11/2021 (GMT+7)

 

Các đô thị bên sông ĐBSCL đang đối mặt với biến đổi khí hậu, dịch bệnh.
Các đô thị bên sông ĐBSCL đang đối mặt với biến đổi khí hậu, dịch bệnh.

(VLO) Đại dịch COVID-19 và biến đổi khí hậu (BĐKH) đang là những thách thức lớn đối với mô hình và sự phát triển của các đô thị trên thế giới nói chung và đối với Việt Nam nói riêng- Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển chia sẻ điều này tại hội thảo trực tuyến chào mừng Ngày đô thị Việt Nam 8/11/2021, tại Hà Nội.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng, ngày 8/11 hàng năm là ngày Đô thị thế giới. Từ năm 2008, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã quyết định lấy ngày này cũng là ngày Đô thị Việt Nam, nhằm tôn vinh các đô thị và nhấn mạnh vai trò trung tâm tạo động lực tăng trưởng kinh tế của các đô thị.

Trong gần 35 năm qua, quá trình đô thị hóa của Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tỷ lệ đô thị hóa tăng nhanh, đến nay đã đạt khoảng 40% với 870 đô thị phân bố tương đối đều trên cả nước.

Đô thị hóa đã từng bước gắn kết với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; là một trong những nhân tố then chốt quyết định thành công của quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất và phát triển kinh tế- xã hội của các vùng và cả nước.

Khu vực đô thị không chỉ tạo ra tăng trưởng GDP mà còn góp phần tích cực vào chuyển dịch mô hình tăng trưởng trong dài hạn; đóng vai trò trung tâm thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, văn hóa, nghệ thuật, giáo dục, đào tạo và y tế; từng bước tạo nên sự phát triển hài hòa giữa các khu vực, góp phần giải quyết các vấn đề về nông nghiệp, nông thôn.

Tuy nhiên, đô thị Việt Nam chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, đồng thời đang phải đối diện với những thách thức mới nảy sinh do tác động của biến đổi khí hậu và đại dịch COVID-19. Đây là những thách thức lớn, đặt ra nhiều vấn đề mới trong công tác quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị hiện nay.

Nhiều tuyến đường trung tâm TP Vĩnh Long bị “nhấn chìm” do mưa lớn, triều cường.
Nhiều tuyến đường trung tâm TP Vĩnh Long bị “nhấn chìm” do mưa lớn, triều cường.

Theo Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển, các đô thị của Việt Nam cần phải lựa chọn mô hình phát triển phù hợp, theo hướng bền vững, thông minh và có khả năng chống chịu với thiên tai, dịch bệnh, thích ứng với BĐKH, giảm bất bình đẳng xã hội, tái tổ chức không gian đô thị theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững, chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế khu vực đô thị, thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển đô thị thông minh, bền vững và bao trùm và đặc biệt tăng cường tính liên kết và hỗ trợ giữa các đô thị trong mạng lưới đô thị vùng và đô thị quốc gia.

Thứ trưởng Lê Quang Hùng khẳng định, Chính phủ Việt Nam rất quan tâm đến công tác quy hoạch và phát triển đô thị với việc phê duyệt, triển khai nhiều đề án, chương trình cho giai đoạn 2021- 2030.

Cụ thể, Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025; Đề án “Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với BĐKH giai đoạn 2021- 2030”; Kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc giai đoạn 2021-2030.

Trong thời gian tới, Bộ Chính trị sẽ ban hành Nghị quyết về “Đô thị hóa, phát triển đô thị và phát triển kinh tế đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Từ nghị quyết này, Chính phủ sẽ cụ thể hóa bằng những chính sách phát triển đô thị, tái thiết đô thị và dành nguồn lực xứng đáng cho phát triển đô thị.

Tại hội thảo, đại biểu các địa phương, các chuyên gia phát triển đô thị trong và ngoài nước cũng đã cùng chia sẻ kinh nghiệm, các bài học thực tiễn, nhận diện một cách toàn diện hơn về các thách thức mới đối với đô thị từ BĐKH, thiên tai dịch bệnh và đóng góp ý kiến nhằm xây dựng, cải tạo, tái thiết đô thị Việt Nam với giải pháp đủ mạnh để chống chịu với các tác động của BĐKH, thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là đại dịch COVID-19.

Bài, ảnh: LÝ AN