Mến yêu thành phố- nơi cưu mang mình

Cập nhật, 06:08, Thứ Tư, 10/11/2021 (GMT+7)

(VLO) Dù là nơi “chôn nhau cắt rốn” hay “quê hương thứ hai” thì người đô thị cũng dành cho phố một tình cảm đặc biệt.

Vui buồn theo hơi thở, nhịp sống, với sự đổi mới và những bước chuyển mình của phố. Từ đó, họ góp của, góp công, dốc sức, dốc lòng để cùng ngành chức năng chung tay dựng xây phố phường mỗi ngày thêm đẹp.

Nhân ngày Đô thị Việt Nam (8/11), chúng tôi xin nói về “mối lương duyên” gắn bó giữa người với phố.

Kỳ 1: Mến thương “chia ngọt sẻ bùi”

TP Vĩnh Long ngày càng phát triển xứng tầm đô thị trung tâm.
TP Vĩnh Long ngày càng phát triển xứng tầm đô thị trung tâm.

Vui mừng với sự đổi mới đi lên, thiết thực sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn trong dịch bệnh… là những tình cảm và hành động đẹp đang hiện hữu ở những góc nhà, trên từng con phố.

Vui phố phường đổi mới

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975), tỉnh Vĩnh Long có 1 thị xã và mỗi huyện có trung tâm- chưa gọi là thị trấn. Không gian kiến trúc, cảnh quan hạ tầng đô thị (ĐT) chưa được định hướng rõ nét, diện mạo ĐT còn nhiều bề bộn và bất cập…

Việc phát triển ĐT được cụ thể hóa trong Nghị quyết Đại hội lần thứ VII của tỉnh Đảng bộ và Nghị quyết 05 ngày 27/5/2003 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “về việc phát triển TX Vĩnh Long thành thành phố thuộc tỉnh và thị trấn Cái Vồn thành thị xã vào năm 2010”.

Hơn 10 năm kể từ khi lên thành phố (2009), việc quy hoạch xây dựng, phát triển ĐT trên địa bàn thành phố phát triển mạnh mẽ, không gian phát triển ĐT mở rộng sang các xã lân cận của huyện Long Hồ. Và không còn là mong đợi, đầu năm 2020, 4 xã còn lại của thành phố gồm Trường An, Tân Ngãi, Tân Hòa và Tân Hội đón tin vui “xã lên phường”. Tiếp nối niềm vui, tháng 7/2020, TP Vĩnh Long được công nhận ĐT loại II.

Dí dỏm nói “bọn nhỏ xóm tôi bây giờ đã trên dưới 60 tuổi”- chú Võ Thanh Vân ở Khóm 5 (Phường 4) nhớ rõ cảnh xưa: Xóm Cua dựa lưng bên sông Long Hồ, nhà cửa vây quanh ngôi chợ nhỏ. Dưới mé sông là dãy nhà sàn, hướng về chợ lớn Vĩnh Long là xóm Cống…

Mang nhu yếu phẩm đến tận nhà tặng gia đình gặp khó khăn.
Mang nhu yếu phẩm đến tận nhà tặng gia đình gặp khó khăn.

Ngày nay, xóm Cua đã thay đổi nhiều, khang trang hơn nhưng “không khí tràn ngập yêu thương trong xóm thì vẫn vậy”.

Gắn bó hơn 45 năm và xem TP Vĩnh Long là quê hương thứ hai, chú Trương Quang Tân ở Khóm 1 (Phường 9) nhớ lại: Trước năm 1990, đường Phạm Thái Bường còn là đường đá nhỏ, hai bên rất nhiều trâm bầu.

Lúc đó, chưa có đường Trần Đại Nghĩa, đường Võ Văn Kiệt, mà các khu vực đó là ruộng vườn. Khu nhà tôi ở cũng đi lại trên bờ ranh đất, xài nước từ kinh rạch. “Giờ thì đường sá thông thương, đời sống ngày càng tiện nghi hơn… nên mừng lắm!”- chú Tân xúc động nói.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời khẳng định: “Sự kiện TP Vĩnh Long trở thành ĐT loại II và TX Bình Minh thành ĐT loại III trực thuộc tỉnh là dấu mốc quan trọng, là thành tựu, kết quả nỗ lực phấn đấu không ngừng. Đồng thời, là niềm vinh dự, tự hào của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Vĩnh Long”.

Sẻ chia giữa đại dịch

TP Vĩnh Long trải qua những ngày khó quên khi dịch COVID- 19 bùng phát, nhất là trong thời gian giãn cách xã hội: đường sá vắng vẻ, hàng quán đóng cửa im ỉm, quảng trường, công viên vắng lặng.

Ấm lòng khi đến với các gian hàng 0 đồng.
Ấm lòng khi đến với các gian hàng 0 đồng.

Tuy nhiên, ở những dãy phố, những khu nhà, láng giềng chia sẻ với nhau từng mớ rau, cọng sả, bụi hành, từng lon nước đá…

Và nơi thành phố yêu thương, rất nhiều người đã rời khỏi ngôi nhà ấm áp của mình để dấn thân vào tuyến đầu chống dịch, mang hàng hóa thiết yếu đến tận tay các hoàn cảnh khó khăn.

Chú Võ Thanh Vân nói: “Chợ Long Châu (chợ Cua cũ) vắng hoe. Người trong xóm kêu gọi cùng nhau nhường cơm sẻ áo, những lần làm từ thiện ở xóm cũng nhiều hơn so ngày thường”.

Ông Ngô Phúc Huy- chủ quán Central coffee (Phường 3) đã ủng hộ cho lực lượng tuyến đầu và các hộ có hoàn cảnh khó khăn ở Phường 1, Phường 3 và Phường 4 tổng cộng 90 triệu đồng.

“Khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh là khó khăn chung. San sẻ được với bà con những lúc như vậy, tôi thấy rất ấm lòng”- ông Huy nói chân tình.

Xuất tiền túi và còn vận động người quen chung tay, ông Nguyễn Ngọc Vinh- chủ Cửa hàng nội thất Vinh Phát (Phường 4) giãi bày: “Thấy người nhận vui, mình cũng vui theo. Đặc biệt là những hoàn cảnh khó khăn đến với Gian hàng 0 đồng, mái ấm nuôi trẻ mồ côi…”

“Một miếng khi đói bằng một gói khi no”- trong những ngày giãn cách, Gian hàng 0 đồng ở Trung tâm Hoạt động thanh thiếu niên tỉnh không ngớt rau củ, thực phẩm, hàng thiết yếu… do bà con khu phố và từ khắp nơi gửi đến.

Hình ảnh những người bán vé số, bán hàng rong trên những chiếc xe lăn đến các gian hàng nhận rau củ, thực phẩm, hàng thiết yếu... gây xúc động thật sự và chắc chắn sẽ còn lưu lại rất lâu trong tâm trí những người đô thị.

Ở một góc phố khác, bếp ăn miễn phí do Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Vĩnh Long thành lập, luôn đỏ lửa. Nguồn thực phẩm tươi ngon do các nhà hảo tâm đóng góp qua những đôi tay khéo léo của các chị đã trở thành bữa ăn đong đầy yêu thương.

Và, những đoàn viên thanh niên tiếp tục “chở yêu thương” qua các nẻo đường, đến các góc phố… trong những ngày giãn cách.

Ông Nguyễn Thanh Hà- Phó Chủ tịch UBND TP Vĩnh Long, nói: Bếp ăn phục vụ hàng trăm suất ăn mỗi ngày cho bệnh nhân chạy thận, hộ nghèo trong khu phong tỏa, khu cách ly, lực lượng trực chốt, đội ngũ y bác sĩ… Bên cạnh, thành phố còn rất nhiều gian bếp ấm khác do các tổ chức, cá nhân chung tay thành lập vẫn đỏ lửa mỗi ngày để phục vụ lực lượng tuyến đầu và các hộ có hoàn cảnh khó khăn vượt qua đại dịch.

17,6 tỷ đồng chung tay phòng chống dịch

Ông Nguyễn Văn Hoàng- Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam TP Vĩnh Long cho biết, trong “cuộc chiến” chống dịch COVID- 19, UBMTTQ thành phố đã kêu gọi và nhận được sự đóng góp rất lớn từ các tầng lớp nhân dân, chức sắc tôn giáo. Theo đó, đã tiếp nhận hàng chục ngàn phần quà (lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm…) và tiền ủng hộ Quỹ phòng chống COVID- 19, trao tặng người dân tại các khu cách ly y tế, người nghèo, người yếu thế, các lực lượng tuyến đầu. Thống kê ước trị giá hơn 17,6 tỷ đồng. Và dòng chảy sẻ chia đó vẫn đang tiếp diễn.

Kỳ cuối: Góp của, góp công xây phố đẹp giàu

Bài, ảnh: TUYẾT HIỀN