Trên cao nguyên đá Đồng Văn

Kỳ cuối: "Sách đá" mở ra cánh cổng tương lai

Cập nhật, 15:20, Thứ Năm, 03/08/2023 (GMT+7)
Lực hấp dẫn từ những “trang sách đá” cao nguyên đá chứa đựng cả “Lịch sử Trái đất”, luôn thu hút các nhà khoa học không ngừng khám phá.
Lực hấp dẫn từ những “trang sách đá” cao nguyên đá chứa đựng cả “Lịch sử Trái đất”, luôn thu hút các nhà khoa học không ngừng khám phá.
Chúng tôi đã đi giáp một vòng cao nguyên đá! Tuy vậy, khó mà nói hết những điều kỳ vĩ của cảnh quan và tình cảm thân thương đồng bào đã dành cho mình. Ví như “Sách đá Vần Chải” đang chờ các nhà khoa học lần giở từng trang khám phá “Lịch sử Trái đất”; “cổng trời” du lịch đang dang rộng đón chào du khách lên cao nguyên đá Đồng Văn… 
 
Cao nguyên đá vẫn đầy huyền bí 
 
“Sách đá Vần Chải” là một cảnh tượng tráng lệ với hàng trăm chóp nón đá vôi lô xô theo địa hình, nhưng bên trong từng chóp nón có nét đặc biệt riêng. Các nhà khoa học gọi đó là địa hình đơn nghiêng, hay địa hình mái nhà lệch.
 
Còn liên tưởng như cuốn sách đá- từng lớp đá mỏng chính là những trang giấy khổng lồ, mà đến nay, các nhà khoa học vẫn đang lần giở từng “trang sách đá” để làm sáng tỏ lịch sử phát triển Trái đất ở khu vực này trong quá khứ.
 
Thật khó tưởng tượng những cảnh quan hùng vĩ mà chúng ta đang chiêm ngưỡng từng được hình thành dưới đáy biển… Cuốn “Sách đá Vần Chải” được đánh giá không chỉ đẹp, có giá trị khoa học của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn, mà nó còn khá hiếm.
 
Vài trăm triệu năm trước vẫn ngập sâu dưới mực nước biển và khó thể nói sẽ còn những phát hiện khoa học chấn động nào còn ẩn sâu ở từng “trang sách đá” kia. Cao nguyên đá hùng vĩ vẫn đầy bí hiểm thôi thúc con người tìm hiểu và khám phá. 
 
Trong khi dạo chơi quanh Phố cổ Đồng Văn, gặp người dân đang giặt giũ nơi dòng nước trong vắt chảy ra từ ngọn núi, chúng tôi vô tình mở “trang sách tín ngưỡng” của đồng bào dân tộc trên vùng cao nguyên đá.
 
Người dân ở đây cho biết nguồn nước gắn với truyền thuyết về Thần Nước mà họ tin tưởng đã ban cho “dòng nước chảy ra tràn khắp thung lũng, cây cối đang héo úa dần xanh trở lại. Con người cũng có được nguồn nước cho sinh hoạt thường ngày, không còn phải sang tận bên kia núi gùi từng gùi nước về nữa”. Dân làng bèn lập một ngôi miếu để bà con thờ cúng Thần Nước, hàng năm dâng lễ vật xin nước đem về chia cho mọi người cùng uống giải trừ tà ma và bệnh tật, cầu mong sức khỏe và thành công. 
 
Nguồn nước này hiện được khai thác cung cấp cho cả cánh đồng xanh tốt, nước sinh hoạt cho hàng ngàn người dân sống tại thung lũng TT Đồng Văn. 
 
Theo quan niệm của người H’Mông, thần rừng, thần cây, thần suối là những vị thần giúp con người xua đuổi thú dữ, cho gỗ làm nhà, cho nguồn nước uống. Những quan điểm tín ngưỡng cũng thật gần gũi đời, gắn với mong ước, nhu cầu thiết thực của đời sống trong điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng khắc nghiệt. Vậy nên, giữa một nơi chỉ có đá là đá lởm chởm ở cao nguyên đá Đồng Văn, lại có một cây cổ thụ mọc lên sừng sững quả là điều bí ẩn. Người dân địa phương gọi là “Cây thiêng Thài Phìn Tủng”.
 
Người H’Mông ở đây tin rằng ở gốc cây thiêng có một vị thần cư ngụ. Ngài có thể hóa giải tất cả những khổ đau, bất hạnh, mang lại may mắn và hạnh phúc cho con người. Xã Thài Phìn Tủng (huyện Đồng Văn) cũng là khu vườn đa dạng kỳ thú ở cao nguyên đá Đồng Văn, đang sở hữu nguồn gien của 4 loài thông quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng. Dự án bảo tồn và phát triển nguồn gien quý hiếm, bảo vệ đa dạng sinh học ở địa phương, đã giúp cho đồng bào “cần câu” thoát nghèo. 
 
Trên hành trình cao nguyên đá qua xã Thài Phìn Tủng, chúng tôi dừng chân dưới bóng cây thiêng. Theo hướng dẫn của người dân H’Mông, mua một sợi vải đỏ cột lên cành cây hay mỏm đá, nguyện ước một chuyến đi an toàn và không quên cầu mong cho bà con đồng bào mùa màng tươi tốt, mưa thuận gió hòa. 
 
Hệ thống hang động là một “cánh cổng” khác để tìm hiểu cao nguyên đá.
Hệ thống hang động là một “cánh cổng” khác để tìm hiểu cao nguyên đá.
“Cổng trời” mở tương lai tươi sáng
 
Cao nguyên đá Đồng Văn với gần 3/4 diện tích là núi đá tai mèo, cộng với địa hình núi cao, khí hậu khắc nghiệt. Ngoài cây lương thực là ngô, thì diện tích đất trồng được lúa và những cây hoa màu khác là rất hiếm. Khác với mùa đông chỉ một màu đá xám xịt, hạt bí, hạt ngô không nảy mầm được; mùa này cây cối phủ một màu xanh bất tận tràn đầy sức sống trên cao nguyên đá.
 
“Sống trên đá, chết vùi trong đá”, đồng bào nơi cao nguyên đã bắt núi đá phải nở hoa. Chúng tôi chợt nghĩ đó là một tuyệt tác kỳ vĩ khác bàn tay con người làm nên, trong cuộc mưu sinh “lấy sức người gặt sức thiên nhiên” đầy phi thường. Để có một màu xanh trên núi đá, người đồng bào phải còng lưng gùi đất từ những thung sâu đổ vào từng khe đá, để có đất tra từng hạt ngô. Mỗi hạt ngô, hạt thóc làm ra là bao giọt mồ hôi thấm vào đất đá! 
Những câu chuyện cuộc sống phi thường như vậy luôn níu chân du khách bước vào từng “trang sách đá”. Nên dù không đúng dịp chợ phiên, chưa đến mùa hoa tam giác mạch, cũng không phải mùa hoa đào, hoa mận… cao nguyên đá vẫn đầy sức hấp dẫn.
 
Ngoài các làng du lịch văn hóa cộng đồng, các thị trấn trên cao nguyên đá như Tam Sơn, Yên Minh, Mèo Vạc… hiện nay đều có nhà nghỉ, khách sạn phục vụ khách. Trong khi TT Đồng Văn với hơn 200 khách sạn, homestay đủ sức chứa lượng khách lớn qua đêm ở phố cổ… 
 
Đối với chúng tôi, thưởng thức các món ăn cũng là trải nghiệm đầy thách thức như khi vượt qua những cung đường đèo dốc. Món bánh cuốn trứng tráng, bún chả chấm (hoặc khô), thắng dền… “dễ ăn” như qua thung lũng êm đềm; mèn mén, cháo ấu tẩu… vừa ăn vừa hỏi “có tác dụng gì không” như xe đang leo dốc; thưởng thức phở gà (hoặc bò) nóng hổi như đang chiêm ngưỡng hùng quan trên đỉnh núi đá cao nhất.
 
Nhưng “cảm giác mạnh” như leo dốc Thẩm Mã và “nín thở” thả đèo Mã Pì Lèng phải là món thắng cố ở Phố cổ Đồng Văn, mặc dù không phải “thắng cố nguyên chất” vì các nhà hàng đã chế biến “cho khách miền xuôi dễ ăn” với nhiều gia vị kèm rau xanh phong phú, nhưng xin cam đoan rằng bạn sẽ không thể nào quên cái mùi vị đặc trưng của nó!
 
Chưa hết đâu, những sản vật cao nguyên đá còn có rất nhiều món “xách tay”: Mật ong bạc hà, hàng dệt lanh thổ cẩm, bánh tam giác mạch, rượu ngô men lá, thịt bò khô…
 
Tỉnh Hà Giang xác định du lịch là động lực, nền tảng để người dân cao nguyên đá Đồng Văn phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống gắn với mục tiêu giữ vững an ninh biên giới. Trong những năm qua, để bảo tồn các giá trị di sản địa chất, các giá trị văn hóa phong tục tập quán trở thành sản phẩm du lịch luôn được tỉnh ưu tiên đầu tư; đồng thời xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, hệ thống điện, nước sinh hoạt...
 
  Những đồi ngô phủ xanh trên bao la núi đá.
Những đồi ngô phủ xanh trên bao la núi đá.
Những công trình dịch vụ mới đã mọc lên trên miền đá xám, kết cấu hạ tầng được đầu tư mạnh mẽ. Ngoài canh tác nông nghiệp, một lượng lớn lao động là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên cao nguyên đá Đồng Văn đã tham gia “dây chuyền” dịch vụ du lịch. Điều này càng khẳng định thêm rằng, sự phát triển của ngành du lịch đã góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế- xã hội và chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, làm thay đổi diện mạo của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn.
 
Lấy văn hóa để phát triển du lịch và phát triển du lịch để bảo tồn văn hóa, đó là hướng đi đúng của tỉnh Hà Giang. Qua đó, mở ra “cổng trời” cho du khách bước vào khám phá miền di sản cao nguyên đá, hòa vào giai điệu cuộc sống trên núi đá cùng tiếng đàn môi bên bờ rào đá gọi mời tha thiết. 
 
Đã xa cao nguyên đá, mà thanh âm núi rừng còn vang vọng “ai cười khúc khích trong ngô”! 
 
Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC