Trên cao nguyên đá Đồng Văn

Kỳ 2: Từ đỉnh cột cờ Lũng Cú đến hẻm sâu Tu Sản

Cập nhật, 17:40, Thứ Ba, 01/08/2023 (GMT+7)

 

Cột cờ Lũng Cú hiên ngang trên núi Rồng.
Cột cờ Lũng Cú hiên ngang trên núi Rồng.

Tháng 7 trên cao nguyên đá ngày như dài ra thêm, từ rất sớm đã sáng tỏ mặt người và chiều trôi lững lờ bên sườn núi. Đường xá đến các điểm tham quan, bản làng ở cao nguyên đá hiện nay đều khá tốt cho xe chạy đến nơi, tuy vậy, chúng tôi được khuyến cáo phải luôn trong thế leo dốc lên cao thật cao và lao xuống thật sâu.

Hơn nữa, vì địa hình dốc núi và đường lạ, cần tính toán thời gian di chuyển giữa các điểm hợp lý để đến nơi lưu trú trước khi trời tối hẳn, đừng mải mê ngắm cảnh, chụp ảnh mà… quên đường về!

Vùng đất địa đầu Tổ quốc- điểm đến đầy tự hào

Trong mẫu hộ chiếu phổ thông mới được áp dụng từ 1/7 năm ngoái, hình ảnh cột cờ Lũng Cú (Hà Giang) xuất hiện cùng các biểu tượng du lịch và địa danh nổi tiếng được nhiều người từng đặt chân đến nơi này quan tâm và thêm yêu mến vùng đất thiêng liêng của đất nước.

Cột cờ Lũng Cú được xây dựng trên đỉnh núi Rồng- một ngọn núi đá vôi với độ cao 1.468m so với mực nước biển. Đỉnh đầu Lũng Cú này đã tồn tại cùng với sự hình thành dải đất thiêng liêng hình chữ S của Việt Nam, là niềm tự hào của dân tộc trong công cuộc giữ gìn sự toàn vẹn lãnh thổ.

Trong suốt những năm tháng chiến tranh và đến mãi sau này, lá cờ luôn được các chiến sĩ bộ đội biên phòng và nhân dân các dân tộc nơi đây duy trì, bảo vệ. Đến tháng 9/2010, UBND huyện Đồng Văn tiến hành trùng tu, nâng cấp cột cờ quốc gia Lũng Cú mới. Cột cờ được xây dựng theo mô hình cột cờ Hà Nội, nhưng kích thước nhỏ hơn.

Thời điểm chúng tôi đến, nhiều đoàn xe đưa các cựu chiến binh từ các tỉnh về thăm chiến trường xưa. Cùng chúng tôi bước lên những bậc thang dẫn lên cột cờ Lũng Cú, chú Văn Thành, quê Nam Định, cho biết từng tham gia cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc từ năm 1984-1989.

Hôm nay chú cảm thấy rất vinh dự và tự hào đứng trên vùng đất địa đầu, một thời cùng quân và dân ta anh dũng chiến đấu, giữ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Chú Văn Thành cho biết, sau khi thăm cao nguyên đá, chú và các cựu chiến binh xuôi về tham dự ngày “giỗ trận”- là cách gọi của người lính Vị Xuyên (Hà Giang) nhắc đến ngày 12/7/1984, gần 1.000 người lính trẻ đã thương vong chỉ trong một buổi sáng, với hơn 600 anh em hy sinh. Và những chuyến hành hương giỗ trận luôn là niềm mong mỏi lớn lao của những người lính đã tham gia cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc.

Nét văn hóa truyền thống nơi cao nguyên đá Đồng Văn có sức hấp dẫn rất đặc biệt.
Nét văn hóa truyền thống nơi cao nguyên đá Đồng Văn có sức hấp dẫn rất đặc biệt.

“Cảnh quan cao nguyên đá quá hùng vĩ. Tôi càng hạnh phúc hơn khi đời sống đồng bào dân tộc ấm no hơn. Các con đường xây dựng rất kỳ công cho xe ô tô chạy vun vút”- chú Văn Thành bảo vừa đưa tay chỉ chúng tôi xa xa dưới chân núi là ruộng nương, những bản làng của các dân tộc Lô Lô, H’Mông, Dao… bình yên trong khói nương đồng bảng lảng.

Nhìn lá cờ đỏ sao vàng rộng 54m2, tượng trưng cho 54 dân tộc anh em chung sống trên Tổ quốc Việt Nam thân yêu hiên ngang tung bay phấp phới, mang đến thật nhiều cảm xúc đầy tự hào và kiêu hãnh như được dang tay ôm cả đất trời bao la nơi miền biên viễn xa xôi.

Theo UBND xã Lũng Cú, những năm gần đây, chính quyền tăng cường tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đồng thời khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương.

Chẳng hạn ở thôn Lô Lô Chải, nơi sinh sống của phần lớn đồng bào người Lô Lô, từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đến nay nhiều hộ dân thu nhập trên trăm triệu đồng/năm. Hơn nữa, Lô Lô Chải còn hấp dẫn du khách đến khám phá văn hóa truyền thống đặc trưng và cách làm du lịch thân thiện, mến khách.

Từ ngày khách du lịch về làng, người Lô Lô “biến” những ngôi nhà cổ hàng trăm tuổi, nhà trình tường, mái ngói âm dương, hàng rào đá… thành homestay, thành sản phẩm du lịch. Chúng tôi cảm nhận được du lịch cộng đồng đang tô điểm cho bức tranh cuộc sống nơi cao nguyên thêm sống động và đầy cuốn hút. Du lịch cũng góp thêm cách làm giàu bền vững ngay trên mảnh đất tưởng chỉ có núi đá khô cằn miền cực Bắc.

Lao dốc xuống hẻm vực Tu Sản

Cao nguyên đá Đồng Văn được ví như khối nam châm khổng lồ thu hút khách du lịch, với hơn 1 triệu lượt mỗi năm và tỉnh Hà Giang kỳ vọng đầu tư nguồn lực, phát triển mạnh mẽ du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Hiện nay, làng văn hóa du lịch cộng đồng thành công như Lô Lô Chải không phải cá biệt, mà Làng Văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc H’Mông thôn Pả Vi (huyện Mèo Vạc) cũng nổi danh không kém.

Người dân trồng trọt trên núi đá giữa mây ngàn.
Người dân trồng trọt trên núi đá giữa mây ngàn.

 Cùng với chăn nuôi phát triển kinh tế hộ, phát triển du lịch cũng được UBND xã Pả Vi xác định là mục tiêu quan trọng giúp người dân làm giàu. Không chỉ sở hữu nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc H’Mông, tại đây còn có danh thắng kỳ vĩ độc đáo mà du khách không thể bỏ lỡ khi lên với cao nguyên đá Đồng Văn. Đó là khám phá hẻm Tu Sản, hẻm vực sâu nhất Đông Nam Á.

Tạm xa thôn Pả Vi (huyện Mèo Vạc) mang nét đẹp bình dị, hiền hòa nép mình bên những rặng núi đá cao ngất, con đường xuống dòng Nho Quế xanh như ngọc chảy giữa vách núi tưởng chừng êm đềm kia lại không hề dễ dàng với tay lái đồng bằng. Mà chúng tôi tạm dùng từ “chạy xe như lao dốc xuống hẻm vực”.

Cung đường từ đèo Mã Pì Lèng xuống thôn Tà Làng, xã Pải Lủng (huyện Mèo Vạc) có lẽ là trải nghiệm khó quên, với 8km hơn 50 khúc cua tay áo và dốc đứng. Tuy nhiên, đây cũng lại là một cung đường đẹp ngất ngây giữa mây ngàn núi đá cheo leo.

Hẻm Tu Sản nằm dưới chân đèo Mã Pì Lèng, dòng sông Nho Quế xanh ngắt như sợi chỉ len lỏi theo đường cong của con đường Hạnh Phúc. Năm 2009, Bộ Văn hóa-TT-DL đã xếp khu vực này là Di tích Danh lam thắng cảnh Việt Nam. Sông Nho Quế được vinh danh là một trong những thung lũng kiến tạo độc nhất vô nhị của Việt Nam.

Thôn Tà Làng nằm sát dòng Nho Quế là nơi sinh sống của 39 hộ các dân tộc Giáy, Tày, H’Mông, nằm cách xa trung tâm xã, đời sống của người dân nơi đây gần như tách biệt với thế giới bên ngoài. Cuộc sống của họ chủ yếu là đánh bắt cá tôm dưới dòng sông, mỗi năm một vụ lúa và ngô (bắp).

Hẻm vực Tu Sản là vực sâu với chiều cao vách đá lên tới 700-900m, chiều dài tới 1,7km, thuộc kiểu di sản kiến tạo địa mạo, di sản cổ sinh- địa tầng- cổ môi trường, phát hiện tại khu vực của 3 xã Pải Lủng, Pả Vi và Xín Cái (huyện Mèo Vạc). Có một đoạn ngắn hai bên bờ sông Nho Quế có nhiều phần đất thịt, người dân tận dụng trồng lúa.

Trong khi đó, bên cạnh vách núi đá vôi vẫn có những khoảng đất, người dân tận dụng trồng bắp. Những người dân cần cù trên những triền dốc cuốc đất, gieo hạt mới. Tiếng cuốc chạm vào đá lách cách lạch cạch cũng là thanh âm du khách nghe được cùng với tiếng gió thổi vù vù qua vách núi.

Cùng với dòng Nho Quế xanh ngắt như tờ nằm uốn lượn quanh co theo những dãy núi, địa hình nơi hẻm Tu Sản lại càng trở nên độc đáo và kỳ vĩ hơn.

Du khách trải nghiệm trên dòng Nho Quế khám phá hẻm Tu Sản nổi tiếng.
Du khách trải nghiệm trên dòng Nho Quế khám phá hẻm Tu Sản nổi tiếng.

Chúng tôi đi trên sông Nho Quế không phải mùa cao điểm, nên tàu chạy chậm như thả trôi giữa cảnh sắc thật choáng ngợp với núi non trùng điệp, phía trên đầu là những vách núi dựng đứng uy nghiêm hun hút, ngỡ rằng có thể chạm thẳng đến mây trời. Hiện nay, dịch vụ đưa khách tham quan lòng hồ Nho Quế có giá vé 120.000 đ/người. Ngoài ra, ở đây còn có cả dịch vụ chèo thuyền kayak dành cho những ai thích một chút phiêu lưu.

Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC

>> Kỳ sau: Thăm bản làng, nghe… mái nhà, bờ rào đá kể chuyện