Trên cao nguyên đá Đồng Văn

Cập nhật, 09:58, Thứ Hai, 31/07/2023 (GMT+7)
Những khúc quanh co uốn lượn đặc trưng nổi tiếng của dốc Thẩm Mã đầy thách thức đối với các “phượt thủ”.
Những khúc quanh co uốn lượn đặc trưng nổi tiếng của dốc Thẩm Mã đầy thách thức đối với các “phượt thủ”.
Hoảng hốt. Sửng sốt. Ngỡ ngàng… là những cảm xúc mãnh liệt và tuyệt vời nhất mà chúng tôi gọi tên trong hành trình ngược lên cao nguyên đá Đồng Văn (tỉnh Hà Giang) hay còn gọi là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn.
 
Nhưng vẫn khó diễn tả hết sự hùng vĩ, tráng lệ của những cảnh quan đặc sắc cũng như sự quyến rũ từ giai điệu cuộc sống núi đá, truyền thống văn hóa lâu đời của cộng đồng cư dân bản địa. Dù địa hình núi cao vực sâu, quanh co hiểm trở không hề quen với người đồng bằng, nhưng sức hấp dẫn của cao nguyên đá khiến chúng tôi quyết “làm một chuyến ký sự” trên chiếc xe gắn máy.
 
Vẻ đẹp cao nguyên đá bày ra trên những cung đường, nên bạn đừng hào hứng cũng đừng quá bất ngờ khi khoan khoái ở cổng trời hay lúc yên ả xuyên rừng thông bởi những “sợ hãi” khiến chúng ta phải hét lên sung sướng và kinh ngạc… vẫn đang đợi chờ phía trước. 
 
Kỳ 1: Cung đường ngoạn mục nơi địa đầu Tổ quốc
 
Từ điểm mốc KM0 ở TP Hà Giang, theo QL4C ngược lên cao nguyên đá Đồng Văn 155km, qua Vị Xuyên chúng tôi được chào đón bằng những đồi núi xanh thẳm, những con dốc quanh co, uốn lượn. Từ Cổng trời Quản Bạ, khung cảnh trập trùng của cao nguyên đá Đồng Văn dần ẩn hiện trong nắng chói mây ngàn. 
 
Vào miền di sản “thiên đường đá” 
 
Chúng tôi đến Cổng trời Quản Bạ gần chiều, nắng chói như xuyên thủng từng lớp lớp mây sừng sững. Đây là cửa ngõ “check-in” yêu thích của du khách và là điểm “săn” nhiều hình ảnh tuyệt đẹp chạm tới mây.
 
Từ đây có thể phóng tầm mắt bao quát cả thung lũng Tam Sơn rộng lớn, bao quanh bởi những dãy núi trùng trùng điệp điệp, cánh đồng lúa, hoa màu đang thì xanh mướt... Nổi bật là “Núi đôi Cô Tiên”- là 2 chóp nón đá vôi có hình dạng như đôi gò bồng đảo của người thiếu nữ. 
 
Nếu ví cao nguyên đá Đồng Văn là một “thiên đường đá” thì Cổng trời Quản Bạ chính là cánh cổng dẫn dắt bước chân vào chốn bồng lai tiên cảnh này.
 
Từ đây, cung đường Hạnh Phúc (QL4C) cũng đầy thử thách đối với những “tay lái đồng bằng”, càng lúc cao nguyên đá có cảm giác càng ngược lên cao hơn, càng hiểm trở cùng nhiều đoạn đường đèo một bên vực sâu, một bên núi đá, những khúc gắt cua tay áo, dốc lên thăm thẳm mà dốc xuống cũng hun hút…
 
“Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống/ Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi…”. Người bạn đồng hành đọc thơ Tây Tiến của Quang Dũng, nghe chừng rất hợp với ngữ cảnh khi chúng tôi đang lướt qua rừng thông Yên Minh mát lạnh rồi lại tới những cung đường quanh co.
 
Có lẽ không vì tên gọi của cung đường này mà bạn nên “phượt có đôi”, bởi những xóm nhà, thị trấn nằm rất xa nhau nên thường “chỉ có ta với mình” trên những cung đường vắng cần có người trò chuyện, bày tỏ cảm xúc hay “cười khúc khích” để ta vững vàng tay lái khi đối mặt những hùng quan kỳ vĩ ngoài sức tưởng tượng. 
 
Trải rộng về phía Đông Bắc của tỉnh Hà Giang, cao nguyên đá Đồng Văn gồm các huyện Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc và Đồng Văn. Nằm ở độ cao trung bình 1.000-1.600m so với mực nước biển, trên diện tích hơn 2.360km2.
 
Năm 2010, cao nguyên đá Đồng Văn chính thức trở thành Công viên địa chất toàn cầu UNESCO. Cao nguyên đá Đồng Văn tái hiện một cách vô cùng đa dạng, sinh động và liên tục suốt khoảng hơn 500 triệu năm lịch sử tiến hóa địa chất và sự sống của Trái đất.
 
Hơn 90% diện tích của cao nguyên là núi đá vôi, với những dải núi đá tai mèo sắc nhọn, những khe núi sâu và hẹp, nên còn được gọi là “Xứ sở của các hẻm vực”. Vốn bị nhiều đứt gãy chia cắt, cùng với tác động hòa tan, rửa lũa của nước về sau mà tạo nên nhiều hẻm vực, như Tu Sản trên sông Nho Quế sâu đến 700-800m, sông Miện ở Quản Bạ, khe Lía ở Đồng Văn, hẻm vực Mậu Duệ ở Yên Minh…
 
Ngoài ra còn có rất nhiều biểu hiện đứt gãy khác, như vách đứt gãy Lao Và Chải nổi tiếng ở Yên Minh, đá vôi bị cà nát thành bột ở Quản Bạ, các nếp uốn, nếp oằn ở Cán Tỷ…
 
Trên cao nguyên đá cũng dễ dàng tìm thấy vô số di chỉ hóa thạch cổ sinh, như hóa thạch bọ ba thùy ở Lũng Cú cách ngày nay trên 500 triệu năm; hóa thạch tay cuộn ở Ma Lé (Đồng Văn) khoảng 400 triệu năm; hoặc các hóa thạch khác như trùng thoi, huệ biển, san hô… khoảng 350-250 triệu năm. Chưa kể nhiều di sản địa chất đặc sắc khác như núi đôi Cô Tiên, động Lùng Khúy, hang Khố Mỷ ở Quản Bạ… “trẻ hơn”- chỉ mới hình thành từ khoảng 5 triệu năm trở lại đây. Đọc những kiến thức ấy thật choáng ngợp.
 
“Đi số thấp” trên hùng quan kỳ vĩ 
 
Những cung đường phượt trên cao nguyên đá khá vắng vẻ. Và dù hành lý gọn gàng đai nịt vào xe chắc chắn, cũng cần mang theo nước uống và đồ ăn đỡ đói dọc đường. Vì những điểm dừng chân ở lưng chừng núi đá như khu vực Bãi đá Mặt trăng là rất hiếm. Du khách thật ấm lòng khi gặp gỡ những em bé đeo quẩy tấu đầy hoa rừng mỉm cười chào đón và những người bán hàng niềm nở. 
 
“Bếp nướng” của chị Thò Thị Mấy có hột gà, bắp nếp, thịt heo và cả xúc xích nướng thơm lừng… có cả cơm lam trắng và tím chúng tôi đều “kêu ăn cho biết”. Chị Mấy thân thiện trò chuyện, bảo cùng nhiều bà con ở thôn Lũng Hòa B, xã Sà Phìn (Đồng Văn) bán nước uống, quà bánh cho du khách qua đường. 
 
Cơm lam làm từ nếp đặc sản Yên Minh, còn bắp bà con gieo trồng trên những hốc đá. “Ở đây chỉ trồng được ngô và chỉ trồng được một mùa, còn mùa đông không trồng được gì đâu”- chị Mấy bảo, vẫn giữ nụ cười tỏa sáng như kỳ quan ngoài kia. 
“Bếp nướng” của chị Thò Thị Mấy ở điểm dừng chân, có view tuyệt mỹ là Bãi đá Mặt trăng.
“Bếp nướng” của chị Thò Thị Mấy ở điểm dừng chân, có view tuyệt mỹ là Bãi đá Mặt trăng.
 
Bãi đá Mặt trăng được tạo nên bởi các dãy núi đá vôi bị phong hóa, trên bề mặt hầu như không có lớp phủ thực vật, các tảng, khối đá phủ khắp bề mặt sườn núi. Theo lý giải của các nhà địa chất, “địa hình mặt trăng” được tạo nên bởi quá trình karst (ăn mòn đá vôi) trong hàng triệu năm. Có lẽ khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, nhưng khốc liệt này đã khiến người ta ngỡ như đang ở trên cung trăng mà thành tên gọi. 
 
Nhưng cảm giác “như lạc đến mặt trăng” của chúng tôi đã phải “rơi xuống” để cầm chắc tay lái leo đường đèo “nhắc đến đã hãi” có 9 khúc uốn lượn nguy hiểm, nhưng cũng khiến những người ưa khám phá, mê chinh phục yêu thích: dốc Thẩm Mã. Xe trả số liên tục trên “dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm” nhưng luôn cảm giác bị tuột lại phía sau. Dốc Thẩm Mã được hiểu là con dốc dùng để thẩm định sức ngựa.
Hai bé gái nhảy dây, vui chơi trên đỉnh dốc Thẩm Mã.
Hai bé gái nhảy dây, vui chơi trên đỉnh dốc Thẩm Mã.
 
Tương truyền rằng, xưa kia chính tại con dốc này người ta cho ngựa thồ hàng từ dưới chân dốc lên, con ngựa nào lên đến đỉnh dốc vẫn còn khỏe là con ngựa tốt thì sẽ được người dân giữ lại nuôi. Những con ngựa nào đi hết dốc mà yếu, thở không ra hơi thì đã có chảo thắng cố nơi những phiên chợ vùng cao đợi sẵn.
 
Ngày nay, những “con ngựa sắt” tốt đã chinh phục không chỉ dốc Thẩm Mã mà còn vượt hết đỉnh núi này đến đỉnh núi khác khắp cao nguyên đá. Trong đó, đường đèo Mã Pì Lèng- một cung đường đầy thôi thúc các “tay lái lụa” mê mạo hiểm, nhìn từ xa như sợi chỉ vắt ngang núi đá cheo leo.
 
Nhưng vượt qua “nỗi sợ”, là một khung cảnh thiên nhiên núi non hùng vĩ tuyệt đẹp! Tiếng H’Mông “Mã Pì Lèng” nghĩa là sống mũi ngựa, để nói cung đường hiểm trở bậc nhất, với những con dốc dựng đứng như sống mũi con ngựa. Trên cung đường đèo 20km nối 2 huyện Đồng Văn và Mèo Vạc, du khách cảm giác như đang du hành trong bộ phim khoa học viễn tưởng. 
 
Cung đường mang tên đường Hạnh Phúc được khởi công vào ngày 10/9/1959 với sự tham gia của hơn 1.300 thanh niên xung phong cùng hơn 1.000 dân công thuộc 16 tộc người H’Mông, Tày, Dao, Pu Péo, Lô Lô...
 
Tấm bia đá đặt trên đỉnh đèo ghi lại những dấu ấn xây dựng đường đèo, cũng là nơi tưởng nhớ những người đã hy sinh. Để làm nên con đường, hàng ngàn nhân công đêm ngày đã miệt mài đục đá, riêng đoạn đường 2km qua những vách đá trên đỉnh đèo Mã Pì Lèng được các thanh niên cảm tử treo mình trên vách núi lấn từng centimet để làm đường trong 11 tháng. Ý chí sắt đá “bàn tay ta làm nên tất cả” trước sự khắc nghiệt của địa hình hiểm trở đã mang đến một diện mạo mới cho vùng cao nguyên biên giới hôm nay!
 
So với cung đường đèo ban đầu chỉ đủ chỗ cho người đi bộ và xe ngựa thồ, ngày nay con đường Hạnh Phúc đã rộng rãi, dễ đi, các xe lớn có thể qua lại và hiện tại nhiều đoạn vẫn đang mở rộng, sửa chữa. Đứng trên đỉnh Mã Pì Lèng cảm thấy con người thật nhỏ bé trước thiên nhiên, và cung đường Hạnh Phúc thật sự là một tuyệt tác phi thường con người làm nên.
Nhiều cách “phượt” cao nguyên đá 
Từ TP Hà Giang, bạn có thể thuê xe gắn máy từ 180.000- 350.000 đ/ngày (tùy loại xe), các điểm cho thuê xe khá chuyên nghiệp thường bảo trì, kiểm tra xe kỹ lưỡng trước khi giao cho khách. Bạn cần mang hành lý gọn gàng, cột chắc chắn vào xe và quan trọng nên đổ xăng đầy bình trước khi lăn bánh lên cao nguyên. 
Du khách có thể bắt xe đò lên cao nguyên đá hoặc bao xe ô tô 2 ngày- 1 đêm với giá khoảng 2.500.000đ.
Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC 
>> Kỳ sau: Từ đỉnh cột cờ Lũng Cú đến hẻm sâu Tu Sản