Khóm ngọt bám rễ trên đồng Bưng Sẩm

Cập nhật, 06:10, Thứ Bảy, 05/08/2023 (GMT+7)

 

Công việc ở HTX góp phần tạo việc làm cho lao động nông nhàn ở địa phương.
Công việc ở HTX góp phần tạo việc làm cho lao động nông nhàn ở địa phương.
Từ vùng quê còn nhiều khó khăn, nay Bưng Sẩm (xã Hòa Bình, huyện Trà Ôn) đã có nhiều đổi thay đáng ghi nhận. Tính đến nay, Bưng Sẩm là vùng có diện tích trồng khóm nhiều nhất của tỉnh, cây khóm đã bén rễ, đâm chồi, hứa hẹn sẽ mở ra hướng đi mới trên vùng đất Bưng Sẩm “tối màu mây”.
 
Khóm bén rễ trên đất bưng biền
 
Toàn xã Hòa Bình hiện có 2.700ha đất sản xuất, trong đó phần lớn là diện tích đất trồng lúa. Với sự quan tâm, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, hoàn thiện hệ thống thủy lợi nông thôn phục vụ nhu cầu sản xuất đã góp phần chuyển dịch tăng dần diện tích cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng lúa như: cam sành, bưởi da xanh và gần đây là cây khóm.
 
Theo đó, nhiều hộ dân cũng đã mạnh dạn chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng khóm tại Bưng Sẩm. Đây là một mô hình đầy tiềm năng, mở ra một hướng đi mới cho nông dân xã Hòa Bình. 
 
Cây khóm bén rễ, phát triển tốt tại vùng đất Bưng Sẩm.
Cây khóm bén rễ, phát triển tốt tại vùng đất Bưng Sẩm.
Tháng 5 vừa qua, HTX Nông sản Bưng Sẩm đã được thành lập với 14 thành viên. Tổng diện tích theo đăng ký ban đầu của các thành viên HTX là 65,57ha, tập trung tại 2 ấp Hiệp Lợi và Ngãi Hòa thuộc xã Hòa Bình. Đây là yếu tố thuận lợi cho sản xuất sản phẩm nông nghiệp theo định hướng hàng hóa, đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước. 
 
Từng là vùng đất trũng sình lầy, cỏ dại mọc um tùm như cánh đồng hoang, một thời Bưng Sẩm “tối màu mây” chỉ còn trong ký ức xa xưa. Đường về Bưng Sẩm hôm nay khang trang, rộng rãi, xe bon bon chạy thẳng về làng khóm. 
 
Giữa cánh đồng khóm xanh ngút, gần chục người đang lom khom chăm chút cho từng cây khóm con đang đâm chồi. Đang nhanh tay tỉa khóm con, chị Trần Thị Phương Du (ấp Hiệp Lợi, xã Hòa Bình) có 10 công ruộng chuyển sang trồng khóm. Sau gần 1 năm, chị vừa thu hoạch được 500kg thành phẩm đầu tiên. Thấy trồng khóm đạt hiệu quả, gia đình chị thuê thêm 15 công đất để tiếp tục trồng khóm.
 
“Trồng khóm “ngon” hơn lúa nhiều, lợi nhuận gấp 2-3 lần mà nhẹ công chăm sóc, đến 3 tháng mới phải mần cỏ, phân phướn gì cũng xài ít hơn. Tận dụng những ngày rảnh rỗi, tui qua trụ sở HTX phụ chiết con khóm giống, tháng có thể cố định làm 20 ngày, mỗi ngày nhận 250.000đ, có đồng ra đồng vô cho con đi học chứ mừng dữ lắm!”- chị Du chia sẻ.
 
Cũng có 2 công trồng khóm tham gia HTX, chú Phạm Văn Phát (ấp Hiệp Lợi, xã Hòa Bình) cho hay: “Trước đây tôi trồng lúa, không có lời thậm chí thua lỗ. Nhận thấy điều kiện đất đai của mình cũng phù hợp để trồng khóm nên tôi chuyển đất sản xuất lúa kém hiệu quả lên liếp trồng khóm. Sau vài tháng chăm sóc thấy khóm hợp thổ nhưỡng, phát triển tốt, trồng khóm đầu tư nhẹ hơn nhiều so với trồng lúa”.
 
Đưa nhãn hiệu khóm Bưng Sẩm đi xa
 
Nhiều nông dân Bưng Sẩm cho hay, cây khóm có phạm vi thích nghi rộng hơn so với các loại cây khác. Khóm còn là loại cây dễ trồng, cho thu hoạch nhiều vụ trong năm, có thể trồng trên nhiều loại đất khác nhau. Bên cạnh đó, khi tham gia HTX, nông dân còn được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn cách trồng, được bao tiêu đầu ra nên nông dân rất phấn khởi, đồng thời, có hướng từng bước mở rộng diện tích trồng.
 
Mô hình trồng khóm mở ra một hướng đi mới cho nông dân xã Hòa Bình.
Mô hình trồng khóm mở ra một hướng đi mới cho nông dân xã Hòa Bình.
Theo anh Nguyễn Lê Khánh Linh- kỹ thuật viên của HTX Nông sản Bưng Sẩm, một công khóm trồng từ 3.500- 4.000 hom giống, sau khoảng 12 tháng thì bắt đầu thu hoạch, từ lứa thứ 2 thì 8 tháng có thể thu hoạch tiếp. Khóm ít tốn công chăm sóc, chủ yếu tưới nước vào mùa khô, ít phân thuốc. Vụ thu hoạch khóm đầu tiên có thể cho năng suất 3 tấn/công, vụ thứ 2 sẽ tăng hơn, tùy vào kỹ thuật trồng, chăm sóc, từ 4- 4,5 tấn/công.
 
“Cây khóm rất dễ trồng, nhẹ công chăm sóc, vốn đầu tư thấp lại ít xảy ra sâu bệnh, thích hợp với thổ nhưỡng của vùng đất Bưng Sẩm này. Ưu điểm lớn nhất là cây khóm trồng một lần nhưng cho thu hoạch nhiều năm liền, vòng đời cây khóm khoảng 5 năm. Người trồng có thể chủ động việc ra trái để thu hoạch và còn tận dụng con khóm đeo quanh trái để làm giống cho vụ tiếp theo. Với tính hiệu quả cao, mô hình trồng khóm đang mở ra hướng đi mới trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng”- anh Linh cho hay. 
 
Ông Nguyễn Hồng Phương- Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Bình cho biết: Qua thời gian người dân trồng khóm hơn 1 năm, cây khóm thích nghi với vùng đất này khá tốt. Thu nhập từ cây khóm cao hơn trồng lúa đến 3 lần, tạo thu nhập cho bà con nông dân ở Bưng Sẩm nói riêng và Hòa Bình nói chung.
 
Cùng với nỗ lực của các thành viên HTX, chính quyền địa phương chỉ đạo các ban ngành, các ấp tiếp tục vận động bà con trồng khóm, tham gia HTX, mở rộng diện tích, tăng sản lượng, áp dụng khoa học- kỹ thuật nâng cao hơn nữa chất lượng khóm, góp phần tăng thu nhập cho người dân. 
 
Đời sống người dân được nâng lên từ việc chuyển đổi sang trồng khóm.
Đời sống người dân được nâng lên từ việc chuyển đổi sang trồng khóm.
Theo Sở Nông nghiệp- PTNT, việc hình thành một vùng nguyên liệu với doanh nghiệp có vai trò dẫn dắt là một hình mẫu về tổ chức sản xuất nông nghiệp trong thời gian tới. Qua đó, tạo nên chuỗi liên kết trong sản xuất, từ đó gia tăng thu nhập, ổn định việc làm cho nông dân, đa dạng sản phẩm nông nghiệp, góp phần phát triển kinh tế- xã hội bền vững của địa phương.
 
Ngành nông nghiệp sẽ nhân rộng mô hình sản xuất khóm có hiệu quả kinh tế để người dân áp dụng, chủ động tham gia sản xuất cùng với doanh nghiệp, mở rộng vùng nguyên liệu. Đồng thời, tuyên truyền, vận động người dân tuân thủ chặt chẽ các quy trình sản xuất để đảm bảo chất lượng đặc thù và ổn định của sản phẩm; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nhằm giảm giá thành, nâng cao chất lượng. 
 
Cùng với đó, xây dựng, đăng ký và phát huy hiệu quả nhãn hiệu tập thể cho cây khóm tại địa phương (khóm Bưng Sẩm). Sau khi được cấp có thẩm quyền công nhận nhãn hiệu tập thể sẽ xem xét phát triển thành sản phẩm OCOP đặc thù địa phương, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm.
 
Kết hợp phát triển nhãn hiệu tập thể khóm Bưng Sẩm với việc phát triển du lịch; trong đó cần khôi phục các di tích lịch sử liên quan đến địa danh vùng kháng chiến một thời; xây dựng các câu chuyện về hoạt động sản xuất kinh doanh sản phẩm, những câu chuyện mang tính huyền thoại lịch sử hình thành và phát triển của sản phẩm.
 
Trong 3 năm đầu HTX Nông sản Bưng Sẩm chủ yếu là trồng khóm, mua bán khóm và làm dịch vụ tiêu thụ khóm, cung cấp con giống khóm cho thành viên để hưởng hoa hồng theo sản lượng từ thành viên. Cây khóm được trồng với mật độ 40.000-45.000 cây/ha, tổng sản lượng khóm cung ứng ra thị trường hàng năm của các thành viên HTX là 40 tấn/ha/năm, với mức giá bán trung bình 6 triệu đồng/tấn, ước tính thu nhập bình quân đạt khoảng 240 triệu đồng/năm/ha khóm.

Bài, ảnh: PHƯƠNG THẢO