Các căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm

Cập nhật, 06:05, Thứ Hai, 28/11/2022 (GMT+7)

Gia đình tôi bị khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại. Mặc dù lỗi không hẳn thuộc về phía gia đình tôi nhưng tòa phúc thẩm vẫn xử gia đình tôi chịu phân nửa chi phí cho bên nguyên đơn. Tôi muốn khiếu nại có được không?

L.T.A. (Tiền Giang)

Trả lời:

Theo khoản 6, Điều 314 Bộ luật Tố tụng dân sự: Quyết định phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày ra quyết định. Trường hợp này, muốn khiếu nại tiếp, chị phải có các điều kiện theo quy định của pháp luật. Điều 325 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định: Giám đốc thẩm là xét lại bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị giám đốc thẩm khi có căn cứ quy định tại Điều 326 của bộ luật này.

Theo khoản 1, Điều 326 Bộ luật Tố tụng dân sự, bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm khi có một trong những căn cứ sau đây:

a) Kết luận trong bản án, quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự;

b) Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng làm cho đương sự không thực hiện được quyền, nghĩa vụ tố tụng của mình, dẫn đến quyền, lợi ích hợp pháp của họ không được bảo vệ theo đúng quy định của pháp luật;

c) Có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật dẫn đến việc ra bản án, quyết định không đúng, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, xâm phạm đến lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba.

Luật sư TRẦN VĂN SỸ