Người đại diện trong tố tụng dân sự

Cập nhật, 05:43, Thứ Tư, 16/11/2022 (GMT+7)

(VLO) Tôi có một vụ kiện tại tòa án ở quê nhà nhưng tôi không muốn ra mặt. Vậy, tôi có thể nhờ người đại diện hoặc ủy quyền cho người đại diện được không?

L.T.H. (Long Hồ)

Trả lời: Theo Điều 85 Bộ luật Tố tụng dân sự:

1. Người đại diện trong tố tụng dân sự bao gồm người đại diện theo pháp luật và người đại diện theo ủy quyền. Người đại diện có thể là cá nhân hoặc pháp nhân theo quy định của Bộ luật Dân sự (BLDS).

2. Người đại diện theo pháp luật theo quy định của BLDS là người đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự, trừ trường hợp bị hạn chế quyền đại diện theo quy định của pháp luật.

Và khoản 4 điều luật trên quy định: Người đại diện theo ủy quyền theo quy định của BLDS là người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự.

Đối với việc ly hôn, đương sự không được ủy quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng. Trường hợp cha, mẹ, người thân thích khác yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn theo quy định tại khoản 2, Điều 51 của Luật Hôn nhân và Gia đình thì họ là người đại diện.

Điều 136 BLDS quy định đại diện theo pháp luật của cá nhân là:

1. Cha, mẹ đối với con chưa thành niên.

2. Người giám hộ đối với người được giám hộ. Người giám hộ của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi là người đại diện theo pháp luật nếu được tòa án chỉ định.

Đại diện theo ủy quyền được quy định tại khoản 1, Điều 138 BLDS: Cá nhân, pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.

3. Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi có thể là người đại diện theo ủy quyền, trừ trường hợp pháp luật quy định giao dịch dân sự phải do người từ đủ 18 tuổi trở lên xác lập, thực hiện.

Luật sư TRẦN VĂN SỸ