Phạm nhân không được giữ và sử dụng tiền mặt

Cập nhật, 06:04, Thứ Sáu, 18/11/2022 (GMT+7)

(VLO) Tôi có người thân là phạm nhân. Tôi được biết tiền của người thân trong gia đình gửi thì người này không được cất giữ mà phải mua hàng và khấu trừ từ căng tin. Điều này, có đúng không?

L.V.B. (TP Hồ Chí Minh)

Trả lời: Theo khoản 1, Điều 14 Thông tư số 14/TT-BCA ngày 10/2/2020 của Bộ Công an: Người thân đến gặp gửi tiền mặt cho phạm nhân thì cán bộ làm nhiệm vụ tổ chức cho phạm nhân gặp thân nhân có trách nhiệm nhận và cùng người gửi tiền ký nhận vào sổ gặp phạm nhân và gửi tiền lưu ký của thân nhân và sổ của cơ sở giam giữ phạm nhân (trường hợp không có sổ thì phải ghi giấy biên nhận cho người gửi tiền).

Cuối ngày làm việc, cán bộ tổ chức cho phạm nhân gặp thân nhân phải bàn giao tiền lưu ký về đội hậu cần, tài vụ; đối với những phân trại, khu lao động, dạy nghề do trại giam quản lý xa trung tâm thì ít nhất 1 lần trong tuần phải bàn giao tiền lưu ký về đội hậu cần, tài vụ, đồng thời thông báo ngay cho cán bộ bán hàng căng tin biết để ghi số tiền này vào sổ mua hàng hóa của phạm nhân.

Thân nhân phạm nhân gửi tiền mặt cho phạm nhân qua đường bưu chính thì thủ trưởng cơ sở giam giữ phạm nhân cử cán bộ đến bưu điện nhận, sau đó bàn giao số tiền này cho đội hậu cần, tài vụ quản lý.

Cán bộ phụ trách lưu ký có trách nhiệm thông báo ngay cho phạm nhân và cán bộ căng tin biết để ghi số tiền này vào sổ mua hàng hóa để phạm nhân ký, nhận.

Khoản 3 điều luật trên còn quy định: Tiền thưởng, tiền bồi dưỡng làm thêm giờ, tăng năng suất lao động được chuyển vào lưu ký để phạm nhân sử dụng mua hàng hóa tại căng tin, liên lạc điện thoại với thân nhân, gửi về cho thân nhân hoặc nhận lại khi chấp hành xong án phạt tù hoặc thực hiện hình phạt bổ sung là phạt tiền, bồi thường dân sự, án phí và nghĩa vụ dân sự khác.

Luật sư TRẦN VĂN SỸ