Trong khi câu chuyện rau bẩn tràn vào một số cửa hàng, siêu thị tại TP Hồ Chí Minh khiến người tiêu dùng lo lắng thì rau an toàn, rau sạch vẫn loay hoay tìm chỗ đứng, tìm thị trường.
Sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, VietGAP đòi hỏi chi phí, công sức nhiều hơn. |
(VLO) Trong khi câu chuyện rau bẩn tràn vào một số cửa hàng, siêu thị tại TP Hồ Chí Minh khiến người tiêu dùng lo lắng thì rau an toàn, rau sạch vẫn loay hoay tìm chỗ đứng, tìm thị trường.
Để đảm bảo việc phát triển sản xuất bền vững cho rau an toàn, bên cạnh việc nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy, tập quán, cách nghĩ, cách làm của nông dân, cũng cần sự vào cuộc của các doanh nghiệp, nhà phân phối, tiêu thụ, ngành chức năng.
Kỳ 1: Rau an toàn loay hoay tìm đầu ra
Đòi hỏi một quy trình kỹ thuật khắt khe, các loại chi phí cũng cao hơn, song hiện nay, rau an toàn vẫn phải chịu “đánh đồng” về giá với sản phẩm cùng loại. Thị trường tiêu thụ chưa ổn định khiến một số HTX sản xuất rau an toàn càng thêm khó khăn.
Rau an toàn vẫn khó tiêu thụ
Tỉnh Vĩnh Long hiện có 118 HTX, trong số này có nhiều HTX hoạt động khá hiệu quả. Tuy nhiên, hiện nay có không ít HTX đang gặp khó trong việc tìm đầu ra cho nông sản, thậm chí HTX sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn VietGAP nhưng đầu ra cũng bấp bênh.
Cụ thể, tại HTX Sản xuất và Tiêu thụ rau an toàn Phước Hậu (Long Hồ) - với 15ha rau màu các loại sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, tuy nhiên vấn đề đầu ra cho sản phẩm khiến các xã viên phải vất vả.
Theo ông Trần Văn Hiền - Giám đốc HTX Rau an toàn Phước Hậu, mỗi năm HTX đưa ra thị trường khoảng 1.000 tấn rau màu các loại.
Thông qua các hợp đồng đã ký kết với siêu thị Co.opmart Vĩnh Long, Vincom Cần Thơ,… và một số trường học trong tỉnh, hiện nay HTX chỉ tiêu thụ được khoảng 30% sản lượng, 70% còn lại người dân phải “tự bơi” tìm đầu ra.
“Chi phí sản xuất cao hơn, tốn công chăm sóc nhưng giá bán ra thị trường không tương xứng công sức đầu tư, do vậy rất thiệt thòi cho xã viên.
Sở dĩ HTX không tiếp cận được các hệ thống siêu thị lớn hay những cửa hàng tiện lợi do giá sản phẩm cao hơn giá rau ngoài chợ. Có những đơn vị so sánh với giá thị trường, nên chúng tôi không thể cung cấp được” - ông Hiền chia sẻ.
Có 3 công trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP, chú Đặng Thanh Hùng - xã viên HTX Rau an toàn Phước Hậu cho hay: “Tùy theo từng thời điểm và nhu cầu thị trường mà trồng luân phiên các loại như: hành lá, rau thơm, ngò rí, rau cải,…
Để sản phẩm đủ điều kiện vào hệ thống siêu thị và các cửa hàng tiện lợi tôi đã đầu tư sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Tuy nhiên, đến khi thu hoạch tôi vẫn thường phải tự tìm đầu ra cho sản phẩm, giá bán phụ thuộc phần lớn vào thương lái”.
Chú Hùng dẫn chứng, chi phí sản xuất 1 công trồng hành bình thường khoảng 10 triệu đồng, còn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP chi phí đội lên 20 - 30%.
“Cái khó khăn của xã viên bây giờ nếu đầu tư theo tiêu chuẩn VietGAP thì giá bán ra thị trường cao mà HTX lại không thể tiêu thụ được hết, phải bán tự do, dần dần cũng nản, khó lòng sản xuất theo VietGAP nữa” - chú Hùng chia sẻ.
Cung - cầu chưa gặp nhau
Theo các chuyên gia, hiện nay, đang có sự bất hợp lý khi kêu gọi nông dân sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Tuy nhiên, thị trường đôi khi không chấp nhận sản phẩm VietGAP do nông dân làm ra. Nghĩa là tiêu chuẩn chưa gắn với thị trường.
Thời gian gần đây và thậm chí là rất lâu trước kia, lại có những hành vi gian dối, đội lốt nhãn mác VietGAP để đưa hàng vào siêu thị, đánh lừa người tiêu dùng. Việc này gây thiệt hại ngược lại cho những nông dân làm VietGAP chân chính, gây mất lòng tin của người tiêu dùng và xã hội.
Trong khi đó, cũng phải nói lại, việc tổ chức sản xuất rau an toàn cũng còn nhiều hạn chế, rất ít doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất và cung ứng sản xuất.
Rau sạch còn gặp khó về đầu ra. |
Tại một số địa phương, vai trò của các HTX còn mờ nhạt, chưa thực hiện liên kết chặt chẽ trong tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, vì vậy chưa tập hợp được các thành viên tham gia sản xuất rau an toàn.
Ông Nguyễn Văn Liêm - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT cho biết: Hiện nay nhu cầu rau an toàn cho tiêu dùng rất cần bởi liên quan đến sức khỏe, sinh mạng của con người, tuy nhiên, trong thực tế sản xuất không phải lúc nào cũng có rau an toàn để sử dụng.
Ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương luôn tuyên truyền vận động người sản xuất ở các HTX thực hiện quy trình sản xuất, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo thời gian cách ly, phân thuốc, để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Đặc biệt là một số sản phẩm phải có được chứng nhận - đây được xem như là bước đầu - giấy thông hành để đưa vào siêu thị, tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Bởi rau trên thị trường không cách nào phân biệt được rau an toàn - hay không an toàn nếu không có chứng nhận, không có bao bì nhãn mác được công bố.
Theo ông Liêm, đôi khi những mô hình xây dựng sản xuất an toàn nhưng tìm thị trường đầu ra tiêu thụ với giá hợp lý thì chưa có, nhưng ngược lại ở một số khu vực siêu thị, nhà hàng, doanh nghiệp muốn có sản phẩm an toàn để kinh doanh thì cũng chưa tìm được nơi cung ứng.
Nguyên nhân là do cung cầu chưa được gặp nhau. Hiện nay nhu cầu của người tiêu dùng rất đa dạng, liên tục hàng ngày, đa dạng chủng loại.
Tuy nhiên, HTX chỉ sản xuất được một số chủng loại hoặc theo hình thức thời vụ, nghĩa là khi thu hoạch thì có hàng rất nhiều nhưng khi sau thu hoạch thì không còn hàng, chính điều này làm đứt quãng nguồn cung.
“Thời gian qua, việc ký kết bao tiêu đầu ra cho HTX chưa ổn định. Thứ nhất là mặt hàng chủng loại chưa đáp ứng yêu cầu; thứ hai tính an toàn, giá cả còn thay đổi thất thường. Do đó, phải tuyên truyền vận động, khâu gắn kết làm sao để nâng cao nhận thức giữa người sản xuất, người tiêu dùng và tìm được mối liên hệ giữa cung và cầu” - ông Liêm cho hay.
Có thể thấy, nhu cầu rau sạch, rau an toàn trên thị trường là rất lớn song sản phẩm của các HTX sản xuất rau an toàn lại chưa đến được với người tiêu dùng. Do đó, cần có những giải pháp lâu dài để giải quyết đầu ra cho rau an toàn nói riêng và nông sản sạch nói chung, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.
Liên quan đến vấn đề minh bạch trong đảm bảo an toàn thực phẩm tại Việt Nam, mới đây tại hội nghị “Đảm bảo chất lượng, an toàn và minh bạch nguồn gốc, xuất xứ thực phẩm cho người tiêu dùng Việt Nam”, bà Nguyễn Thị Hồng Minh - Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm, cho rằng: Sản xuất sạch nhưng thiếu vốn, sản phẩm đưa ra bị cạnh tranh không lành mạnh, thậm chí không ai mua khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất sạch nản lòng, bỏ cuộc. |
Kỳ cuối: Để rau an toàn đến tay người tiêu dùng
Bài, ảnh: THẢO NGUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin