Vụ lúa Thu Đông: trúng giá thất mùa

Cập nhật, 13:37, Thứ Sáu, 28/10/2022 (GMT+7)

 

Thời tiết không thuận lợi khiến lúa giảm năng suất.
Thời tiết không thuận lợi khiến lúa giảm năng suất.

Vụ lúa Thu Đông này, chưa kịp vui vì giá lúa ở mức cao, nhiều nông dân phát rầu vì năng suất lúa giảm mạnh, trong khi chi phí đầu tư vẫn ở mức cao.

Những ngày qua, nông dân trong tỉnh cũng đang tập trung thu hoạch diện tích lúa Thu Đông còn lại, năng suất trung bình ước đạt hơn 5,6 tấn/ha. Trong nhiều tuần qua, giá lúa Thu Đông cũng đang ở mức cao. Một số thương lái cho biết: Nguyên nhân giá lúa tăng là do thị trường khởi sắc, giá gạo xuất khẩu hiện ở mức cao nên các doanh nghiệp trong nước nâng giá thu mua lúa cho nông dân. Ghi nhận ở một số địa phương, thương lái thu mua lúa tươi tại ruộng từ 6.200 - 6.500 đ/kg (từ 124.000 -
130.000 đ/giạ).

Đây là mức khá cao trong nhiều vụ lúa qua. Tuy nhiên, nhiều nông dân cho hay, vụ lúa này sản xuất khá khó khăn nên lợi nhuận chỉ ở mức thấp, thậm chí lỗ vốn. So với cùng kỳ năm trước, năng suất lúa thấp hơn từ 0,4 tấn/ha, phổ biến ở mức từ 5 - 5,5 tấn/ha. Trong khi đó, năng suất ở các cánh đồng không đều nhau, một số cánh đồng đạt khoảng 6 tấn/ha nhưng cũng có nơi chỉ khoảng 4 tấn/ha hoặc thấp hơn.

Nhiều nông dân cho hay, với giá bán cao, nhưng năng suất thấp, tính ra chỉ trên mức giá thành sản xuất chút đỉnh. Trong khi vụ lúa Thu Đông năm nay, nông dân phải mua vật tư phân bón, thuốc trừ sâu với giá tăng vọt, coi như bỏ công hơn 3 tháng mà không có lời, còn thua lỗ.

Có 5 công lúa vừa thu hoạch xong, anh Phạm Văn Ngọc (xã Long An - Long Hồ), cho biết: “Vụ này được giá mà năng suất thấp quá, chỉ chừng 25 giạ/công, trong khi chi phí đầu tư thì quá cao. Vụ này lúa bán với giá 6.400 đ/kg, tức 128.000 đ/giạ, sau khi trừ chi phí thì lời chỉ khoảng 300.000 - 400.000 đ/công, đó là chưa tính công hơn 3 tháng chăm sóc”. Bán lúa xong không có lời, anh Nguyễn Văn Hoàng (xã Long An, huyện Long Hồ) bày tỏ tâm trạng không thể nào vui nổi dù lúa được giá. “Chi phí sản xuất ở mức cao khi bình quân giá thành sản xuất phải bỏ ra ở vụ này từ 2,5 - 2,8 triệu đồng/công. Trong đó, chi phí nhiều nhất là tiền mua phân bón, tiền thuê máy thu hoạch lúa cũng tăng do xăng, dầu tăng giá. Tính ra chi phí tăng khoảng 20 - 30% so với cùng kỳ, sao có lời nổi” - anh Hoàng cho hay.

Tương tự, có 10 công ruộng nhưng năng suất chỉ chừng 16 - 17 giạ/công, anh Trần Hồng Chuộng (xã Hậu Lộc, huyện Tam Bình) cho hay: Thời tiết năm nay thay đổi thất thường, nên lúa vụ này thất, không được như vụ Thu Đông những năm trước. Vụ Hè Thu rồi cũng lỗ, vụ này lại lỗ tiếp. “Thời gian sản xuất đợt lúa Thu Đông này không thuận lợi. Đầu vụ lúc mới gieo sạ, ruộng bị mưa lớn kéo dài làm chết giống. Giữa vụ lúc cây lúa trổ bông cũng gặp mưa khiến hạt lúa thụ phấn kém. Về cuối vụ, bệnh cháy bìa lá lúa bùng phát gây hại. Trong khi đó, chuột gây hại từ giữa đến cuối vụ lúa cũng làm giảm năng suất”- anh Chuộng cho biết thêm.

Theo Sở Nông nghiệp - PTNT, vụ lúa Thu Đông toàn tỉnh xuống giống trên 25.000ha, đạt trên 60% so với kế hoạch (kế hoạch 41.000ha), giảm trên 41% so với cùng kỳ. Nguyên nhân là do nông dân chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu, cây ăn trái. Bên cạnh đó, một số diện tích bỏ vụ do giá vật tư cao, thời tiết bất lợi, ảnh hưởng vụ Hè Thu thu hoạch trễ và một số vùng giảm vụ để xuống giống vụ Đông Xuân đạt hiệu quả cao hơn.

Ông Dương Ái Đạo - Phó Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Vũng Liêm, cho biết: Vụ Thu Đông này toàn huyện xuống giống gần 4.700ha, giảm gần 5.900ha so cùng kỳ, đạt 47,9% kế hoạch. Trên lúa xuất hiện nhiều loại sâu bệnh, như: rầy nâu, sâu cuốn lá, nhện gié, bù lạch, bệnh cháy lá, đốm vằn, thối cổ gié, lem lép hạt,… Trong đó, chuột gây hại khá phổ biến với tỷ lệ từ 1 - 5%. Ngành chuyên môn đã hướng dẫn cho nông dân thăm đồng thường xuyên để theo dõi phòng trừ sâu bệnh, bảo vệ năng suất lúa.

 

Giá lúa cao nhưng năng suất lúa thấp, nông dân không có lời nhiều, thậm chí lỗ vốn.
Giá lúa cao nhưng năng suất lúa thấp, nông dân không có lời nhiều, thậm chí lỗ vốn.

Đến nay, toàn huyện đã thu hoạch trên 1.800ha, ước năng suất 4,86 tấn/ha, sản lượng 8.796 tấn. Vụ lúa Thu Đông năm nay sản xuất khó khăn do thời tiết thay đổi, mưa nhiều nên năng suất thấp. Thêm vào đó, chi phí sản xuất ở mức cao do giá phân bón tăng, chi phí thuê máy móc tăng. Với giá lúa hiện nay tuy ở mức khá nhưng nông dân không có lời nhiều, chỉ khoảng 200.000 đ/công, nhiều người huề vốn thậm chí thua lỗ, thất thu.

Vụ lúa Hè Thu nông dân lợi nhuận không cao, có người lỗ vốn, đến vụ lúa Thu Đông cũng không mấy khả quan sẽ là khó khăn cho nông dân trong việc tái đầu tư cho vụ lúa Đông Xuân năm 2022 - 2023. Thực trạng này đặt ra vấn đề trong việc chuyển dịch mùa vụ từ trồng 3 vụ lúa sang 2 lúa - 1 màu hoặc 2 màu - 1 lúa để vừa cho đất nghỉ ngơi, tăng độ phì nhiêu, màu mỡ, vừa nâng cao hiệu quả kinh tế, đảm bảo đời sống cho nông dân.

Để sản xuất thắng lợi vụ lúa tiếp theo, ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT, cho hay ngành nông nghiệp sẽ tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật sản xuất, quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM), chăm sóc phòng trừ rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá trên lúa. Khuyến cáo và nhân rộng các mô hình sản xuất giảm giá thành như: “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, mô hình công nghệ sinh thái, áp dụng nguyên tắc “4 đúng” trong sử dụng thuốc BVTV, bón phân cân đối. Đồng thời, ứng dụng cơ giới vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm và nâng cao hiệu quả sản xuất lúa, xây dựng các vùng trồng có truy xuất nguồn gốc đáp ứng các tiêu chí tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.

Bài, ảnh: TRÀ MY