Nhà nông tìm hiểu

Phòng trị dịch bệnh hại trên lúa

Cập nhật, 07:40, Thứ Ba, 30/12/2014 (GMT+7)

Hiện nay, thời tiết khá lạnh, ban ngày trời ít nắng, nhiều mây. Xin cho biết các loại dịch bệnh hại phát sinh trên lúa và cách phòng trị.

Nguyễn Thị Hiền

(Tam Bình)

Theo Cục Bảo vệ thực vật, thời tiết hiện nay diễn biến khá phức tạp, tại các tỉnh Nam Bộ thích hợp cho bệnh đạo ôn phát triển.

Dự báo trong 7 ngày tới, bệnh đạo ôn có thể tiếp tục gia tăng diện tích nhiễm trên trà lúa đẻ nhánh, đòng trổ....

Chị và bà con cần thăm đồng thường xuyên, khi phát hiện bệnh cần sử dụng các loại thuốc đặc trị, không nên phối trộn nhiều loại thuốc hoặc phun phân bón lá. Khi phun thuốc, cần đảm bảo nguyên tắc “4 đúng”, những ruộng xuất hiện bệnh đạo ôn phải hạn chế việc bón thêm phân đạm, luôn giữ đủ nước trong ruộng.
 
Ngoài ra, cần lưu ý ốc bươu vàng trên lúa ở giai đoạn mạ đặc biệt ở những cánh đồng trũng không tiêu thoát nước; sâu cuốn lá nhỏ, chuột, bệnh bạc lá vi khuẩn giai đoạn đẻ nhánh, đòng trỗ.

Cục Bảo vệ thực vật khuyến cáo:

Trên lúa: phun ngừa hỗn hợp thuốc trị đạo ôn Beam 75WP và thuốc trừ vi khuẩn sinh học Bonny 4SL với liều phun 25gr Beam 75WP + 60ml Bonny 4SL trên 1.000m2. Thuốc có hiệu lực phòng ngừa bệnh kéo dài từ 2- 3 tuần, nếu có áp lực bệnh sau 2 tuần phun lại.

Cùng giai đoạn, nếu có xuất hiện sâu cuốn lá nhỏ có thể phun thuốc trừ sâu sinh học Mimic 20SC. Thuốc rất an toàn với thiên địch, hiệu quả cao với sâu cuốn lá, không sợ sâu kháng thuốc.
 
Liều phun 75ml thuốc Mimic 20SC trên 1.000m2. Có thể phối hợp với Altach 5EC để tăng khả năng diệt sâu nhanh hơn. Khi rầy nâu xuất hiện với mật độ cao, có thể phun Applaud 10WP (1,5- 2 kg/ha) hoặc rải Wellof 3GR (12 kg/ha).

BẠN NHÀ NÔNG