Nguy cấp dịch chổi rồng, nông dân vẫn phải "tự bơi"

Cập nhật, 14:19, Thứ Sáu, 26/12/2014 (GMT+7)

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh chổi rồng trên nhãn và chôm chôm, nhưng công tác chống dịch vẫn còn chậm, Bộ NN-PTNT đã tổ chức hội nghị để đốc thúc các địa phương.

Bệnh chổi rồng trên cây nhãn

Cuối tuần qua, tại Tiền Giang, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh chủ trì hội nghị sơ kết công tác nghiên cứu và chỉ đạo phòng chống bệnh chổi rồng trên cây nhãn, chôm chôm.

Tái nhiễm

Theo báo cáo của Cục BVTV, tính đến cuối tháng 8/2014, tại 7 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL đã công bố dịch bệnh chổi rồng trên nhãn gồm Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Bến Tre, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng có tổng diện tích nhãn là 32.914,06 ha, trong đó trên 15.391 ha nhãn bị nhiễm bệnh chổi rồng.

Tuy diện tích nhãn bị nhiễm giảm khoảng 2.878 ha so với tháng 5/2013, nhưng diện tích bị nhiễm nặng lại tăng 3.694 ha. Nguyên nhân, do nông dân không tha thiết phòng trừ hoặc chỉ xịt thuốc và cắt tỉa mà không đầu tư phân bón nên vườn nhãn rất dễ bị tái nhiễm nặng.

Từ đầu năm 2014, bệnh chổi rồng cũng xuất hiện trên vườn chôm chôm ở Vĩnh Long và Bến Tre, nhưng tỉ lệ nhiễm còn ít chỉ rải rác vài cây mỗi vườn. Chủ yếu bệnh chổi rồng gây hại trên bông và đọt non, cây con làm gốc ghép. Nhất là những vườn chôm chôm càng ở gần vườn nhãn bị bệnh chổi rồng nặng thì mức độ lây nhiễm càng nhanh và nhiều.

Tính đến tháng 9/2014, tổng diện tích chôm chôm bị nhiễm bệnh chổi rồng ở 14 tỉnh, thành phía Nam có khoảng 80/22.000 ha. Tuy nhiên, những diện tích chôm chôm bị nhiễm vẫn còn ở mức độ nhẹ vì khi nông dân thu hoạch trái đã cắt bỏ các chồi bị nhiễm bệnh.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh chổi rồng bùng phát trên cả nhãn và chôm chôm, Bộ NN-PTNT đã tổ chức hội nghị quản lý dịch bệnh chổi rồng hại nhãn và chôm chôm tại khu vực phía Nam.

THỨ TRƯỞNG BỘ NN-PTNTLÊ QUỐC DOANH:

“Bệnh chổi rồng đang bùng phát trở lại, nhất là tại các tỉnh vùng ĐBSCL tình hình tái dịch đang rất cao. Bộ đã chính thức phát động Chiến dịch phòng chống bệnh chổi rồng trên nhãn trên địa bàn các tỉnh có trồng nhãn bị nhiễm bệnh chổi rồng. Đây là hoạt động thiết thực nhằm góp phần ngăn chặn, khống chế bệnh chổi rồng trên nhãn.

Đề nghị UBND các tỉnh khẩn trương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan và nông dân trồng nhãn thực hiện quyết liệt và đồng loạt để chiến dịch đạt hiệu quả cao nhất, chủ động ngăn ngừa, giảm thiểu thiệt hại do bệnh chổi rồng gây ra, góp phần phát triển SX nhãn bền vững”.

Đồng thời, chỉ đạo Cục BVTV phối hợp với Viện Cây ăn quả miền Nam đã nghiên cứu quy trình phòng trừ tổng hợp bệnh chổi rồng trên nhãn để giúp các địa phương triển khai thực hiện.

Các tỉnh công bố dịch cũng đã chủ động xây dựng kế hoạch phòng chống trên phạm vi toàn tỉnh, thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch, tổ chức điều tra theo dõi diễn biến của bệnh chổi rồng hại nhãn, đồng thời tổ chức tập huấn quy trình phòng trừ bệnh cho nông dân cũng như xây dựng các mô hình trình diễn quản lý dịch hại tổng hợp…

Tuy nhiên, theo đánh giá tiến độ triển khai thực hiện phòng chống dịch trong thời gian qua còn chậm, do các địa phương chủ yếu trông chờ vào nguồn ngân sách hỗ trợ của Trung ương.

Sau khi chấm dứt chiến dịch phòng trừ bệnh chổi rồng trên nhãn, một số địa phương chưa quan tâm đúng mức để có phương án tiếp tục phòng trừ dịch bệnh mà để cho nông dân “tự bơi” khiến nguy cơ tái nhiễm càng cao.

Theo Viện Cây ăn quả miền Nam (SOFRI), hiện nay bệnh chổi rồng đang phát triển rộng trở lại và gây hại trên cây nhãn và cây chôm chôm. Đặc biệt, trong vài năm gần đây bệnh lan truyền rất nhanh trên các vùng trồng nhãn ở các tỉnh vùng ĐBSCL, với mức độ nhiễm có nơi lên đến 100%.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Viện trưởng SOFRI cho biết: Nguyên nhân chính gây bệnh là do côn trùng môi giới có nhiều loại nhưng nhện lông nhung (Eriophyes dimocarpi) là tác nhân gây hại chủ yếu trên cây nhãn.

Nhện lông nhung thường tấn công vào đọt bông non nhưng sống tồn tại trên lá già của cây nhãn và các loại cây mâm xôi…, do đó các cây này là cây trung gian để nhện lông nhung cư trú và tồn tại gây hại.

Cây nhãn bị nhện lông nhung tấn công chồi bị thối đen và rụi chồi búp non và ảnh hưởng quá trình ra hoa kết quả, đó chính là bệnh chổi rồng.

Tăng cường chống dịch

Tại hội nghị, lãnh đạo ngành nông nghiệp, Chi cục BVTV các địa phương đã nêu những khó khăn trong quá trình thực hiện như giá nhãn và chôm chôm xuống thấp, chi phí cắt tỉa cao, vượt quá khả năng của từng nông hộ, do không đủ công lao động nên thời gian cắt tỉa bị kéo dài, thủ tục hỗ trợ sau công bố dịch còn nhiều vướng mắc.

Chính việc triển khai chậm tại một số địa phương đã làm cho mầm bệnh có điều kiện lây lan và tái nhiễm.

Ông Cao Văn Hóa, PGĐ Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang cho biết, trong mấy năm qua tỉnh đã tập trung nhân lực, nguồn kinh phí khá lớn cho công tác phòng chống dịch bệnh chổi rồng trên cây nhãn.

Tuy nhiên, do giá nhãn bị rớt liên tục chỉ bình quân 7.000 đ/kg, trong khi chi phí đầu tư SX cho 1 kg nhãn hàng hóa đã là 5.360 đồng. Nhất là trong thời điểm hiện nay diễn biến dịch bệnh chổi rồng còn khá phức tạp, chi phí phòng trừ bệnh càng tăng cao, khiến người trồng nhãn ở Tiền Giang rất lo lắng đã chặt bỏ 3.120 ha nhãn để chuyển đổi sang cây trồng khác.

Tính đến nay, diện tích nhãn của Tiền Giang còn khoảng 5.460 ha, tập trung chủ yếu ở huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành, Chợ Gạo, Tân Phú Đông và TP Mỹ Tho.

Đại diện Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Long cũng xác nhận, tính đến tháng 12/2014, diện tích nhãn trên địa bàn tỉnh chỉ còn 7.843 ha, giảm 1.644 ha so với đầu năm. Trong đó, nhãn đang bị nhiễm bệnh chổi rồng chiếm hơn 80% tổng diện tích trồng nhãn của tỉnh và diện tích nhãn bị nhiễm nặng cũng đang có xu hướng tăng lên gây thiệt hại lớn cho nông dân.

Do vậy, họ đang tiếp tục đốn bỏ nhãn để trồng cây ăn trái khác và rau màu. Đối với riêng tỉnh Bến Tre diện tích nhãn đang bị nhiễm bệnh chổi rồng là 1.228 ha, chiếm khoảng 26,6% diện tích trồng nhãn với tỉ lệ bệnh trung bình từ 20 - 30%, cục bộ một số diện tích bị nhiễm nặng thiệt hại lên đến 50%, phổ biến ở các huyện Chợ Lách, Châu Thành, Bình Đại.

Nguy cơ hiện nay bệnh chổi rồng không chỉ gây hại trên giống nhãn tiêu da bò mà thực tế còn thấy ở một số giống nhãn khác như tiêu lá bầu, Edor…cũng đã có triệu chứng nhiễm bệnh.

Đáng lo ngại hơn là không chỉ gây hại trên nhãn, đến nay bệnh đã gây hại trên cả chôm chôm làm ảnh hưởng lớn đến thu nhập và đời sống của phần lớn nhà vườn trong tỉnh.

Cục trưởng Cục BVTV Nguyễn Xuân Hồng cho biết, hiện giá nhãn đang nhích dần lên và bắt đầu xuất khẩu được vào các thị trường lớn, mở ra nhiều triển vọng mới cho trái cây và nhãn của Việt Nam.

Đề nghị Chi cục BVTV các địa phương cần thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch, chuyển đổi hoặc tái canh những diện tích nhãn già cỗi cho năng suất thấp. Hướng dẫn nông dân trồng nhãn áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật phòng chống bệnh chổi rồng, tỉa cành tạo tán và bằng mọi cách giảm việc phun xịt thuốc BVTV.

Tiến hành xây dựng các mô hình VietGAP, cần áp dụng rộng rãi rải vụ, trẻ hóa vườn cây nhãn cũng như cơ cấu lại giống nhãn…

Theo NNVN