Nuôi tôm VietGAP

03:07, 30/07/2014

Trung tâm Khuyến nông TP.HCM vừa tổ chức hội thi “Nông dân nuôi tôm giỏi theo tiêu chí VietGAP” tại xã An Thới Đông, huyện Cần Giờ.

Trung tâm Khuyến nông TP.HCM vừa tổ chức hội thi “Nông dân nuôi tôm giỏi theo tiêu chí VietGAP” tại xã An Thới Đông, huyện Cần Giờ.

Nuôi tôm VietGAP lãi cao, an toàn dịch bệnh

Cuộc thi không chỉ đón nhận sự quan tâm của những người nuôi tôm VietGAP, mà còn được sự hưởng ứng của rất nhiều bà con muốn tìm hiểu về mô hình này.

Thay đổi nhận thức

Hội thi có 6 đội tham dự, trong đó 4 "đội nhà" là các xã An Thới Đông, Lý Nhơn, Tam Thôn Hiệp, Bình Khánh của huyện Cần Giờ và 2 "đội bạn" là Nhà Bè và Bình Chánh. Sau nhiều phần thi về kiến thức, công dụng, quy trình về mô hình tôm VietGAP (SX nông nghiệp tốt), các đội đều chứng tỏ sự am hiểu về cách nuôi mới này. Chung khảo, giải Nhất cả 2 phần thi cá nhân và đồng đội đều thuộc về đội Bình Chánh.

Tuy 4 đội chủ nhà không được giải Nhất, nhưng họ đều rất đáng khen ngợi, vì mô hình này vốn dĩ còn rất mới đối với nông dân nơi đây, trong khi kiểu nuôi quảng canh đã quen thuộc từ bao đời.

Sau hội thi, chúng tôi theo chân anh Trần Thanh Tiến (tổ 7, ấp An Đông, xã An Thới Đông, huyện Cần Giờ), người đoạt giải Nhì đồng đội và giải Khuyến khích cá nhân của cuộc thi trên, về khu vực đầm tôm VietGAP của gia đình anh.

Anh Tiến chia sẻ: “Mình nuôi tôm đến nay đã 14 năm. Thời gian đầu là nuôi quảng canh. Khoảng 3 năm trở lại đây, Trạm Khuyến nông huyện phát động phong trào nuôi tôm theo hướng VietGAP, mình cũng tìm hiểu và quyết định chuyển đổi mô hình vào năm 2013, ai ngờ thành công ngoài mong đợi”.

Từ năm 2000 - 2007, anh Tiến nuôi tôm sú, nhưng do hiệu quả và chất lượng tôm không bằng tôm thẻ nên chuyển đổi sang nuôi VietGAP. Nuôi theo hình thức quảng canh truyền thống, nhiều vụ tôm anh bị thiệt hại nặng do “hội chứng chết sớm”. Cũng từ đó, anh bắt đầu tìm hiểu mô hình nuôi tôm VietGAP kết hợp tập huấn, học hỏi kỹ thuật.

“Ban đầu gặp nhiều khó khăn lắm, nhưng được sự hướng dẫn tận tình của khuyến nông, tôi dần dần hoàn thiện mô hình rộng 4.000 m2 với đầy đủ các điều kiện như nồng độ pH, chất lượng nguồn nước, hệ thống ao lắng, con giống…”, anh Tiến nói.

Ngay vụ đầu tiên thu hoạch, anh đã thu được 1,5 tấn tôm trên diện tích 4.000 m2 (thời kỳ nuôi quảng canh chỉ đạt từ 0,8 - 1 tấn). “Tôm VietGAP chắc khỏe, con nào con nấy to gần gấp rưỡi tôm thường. Nếu đem so sánh, giả sử như tôm thường 80 con là được 1 kg, thì tôm VietGAP chỉ khoảng 60 con, bán giá tốt hơn nhiều!”, anh Tiến khoe.

Cần mở rộng

Tại ấp Doi Lầu, xã An Thới Đông (Cần Giờ), chúng tôi tìm gặp anh Huỳnh Thành Trung, chủ nhân 5 đầm tôm với diện tích hơn 3 ha. Anh kể, năm 2009 các đầm tôm bị thiệt hại nặng, mất gần 400 triệu, nguyên nhân chủ yếu là do giá tôm rẻ, chi phí đầu tư cao, trong khi tôm mắc bệnh nhiều. Năm đó, bệnh đốm trắng lây lan khủng khiếp, 80% gây thiệt hại nặng trên tôm là đốm trắng.

Huyện Cần Giờ có hơn 6.000 ha tôm, đa phần là tôm thẻ. Mô hình nuôi tôm VietGAP đã được phổ biến cho các hộ dân ở các xã Lý Nhơn, Bình Khánh, Tam Thôn Hiệp, An Thới Đông… Để giúp các hộ nông dân chuyển hẳn qua mô hình tôm VietGAP, huyện sẽ tích cực hỗ trợ kỹ thuật, con giống, cũng như một phần vốn vay cho bà con để phát triển mô hình.

Từ đó, anh cẩn thận hơn, tìm cách học hỏi kỹ thuật, rồi nhờ cán bộ huyện hướng dẫn chăm sóc, tìm mua loại thuốc tốt, dần dần vực lại. Năm 2013 vừa rồi, anh thu hoạch gần 3 tấn tôm, lãi trên 300 triệu đồng.

Vụ tới đây, anh sẽ thả khoảng 400 - 500 ngàn con, ước chừng đầu tư trên 100 triệu đồng.

Với hình thức nuôi truyền thống của bà con nơi đây, hầu hết các bệnh tật trên tôm, đặc biệt là đốm trắng rất khó phòng tránh. Anh Trần Thanh Tiến chia sẻ: “Khi nuôi tôm theo mô hình VietGAP, các yếu tố con giống, chất lượng thuốc đều được lựa chọn kỹ càng. Các phần khác như nguồn nước, hệ thống thải, vệ sinh ao đầm mình phải làm thật cẩn thận, đúng quy chuẩn chung VietGAP, có như vậy mới bảo vệ sức khỏe cho tôm”.

Theo anh, thay vì làm quảng canh phụ thuộc vào thiên nhiên, việc nuôi tôm theo mô hình VietGAP giúp người nuôi chủ động phòng tránh được bệnh tật, nhất là đốm trắng. Nếu thời tiết có thay đổi bất thường thì việc xử lý nước, kiểm tra chất lượng nước sẽ dễ dàng hơn vì đã có quy chuẩn về nồng độ PH phù hợp cho tôm. “Chủ động phòng bệnh còn hơn chờ bệnh tới rồi mới chữa”, anh nói.

Theo bà Nguyễn Thị Gái Nhỏ, Phó Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Cần Giờ, khó khăn nhất là làm sao để người dân thay đổi cách nghĩ, cách làm. Cũng do nuôi theo hình thức truyền thống chi phí đầu tư ít, nên khi chuyển qua mô hình VietGAP đầu tư có phần cao hơn, nông dân không chịu.

Hơn nữa, một bộ phận người nuôi tôm vẫn chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, chưa chịu tiếp thu học hỏi mô hình mới. Nhiều nhà có tôm bị bệnh thì giấu tiệt, không chịu thông báo cho chính quyền hay đầm bên cạnh nên nhiều khi để dịch lây lan.

Bà Nhỏ cũng cho rằng, hiện tại cơ sở hạ tầng tại một số xã chưa đảm bảo, con giống chưa có sự kiểm soát triệt để; đồng thời các quy định, điều kiện để có được mô hình tôm VietGAP đối với các hộ dân là khá nhiều và rắc rối, cần thay đổi linh hoạt hơn.

Theo NNVN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh