Nuôi gà không cần… dọn chuồng

Cập nhật, 13:08, Thứ Hai, 28/07/2014 (GMT+7)

Đó là mô hình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, đang được nông dân trong tỉnh ứng dụng rộng rãi. Cách làm này không những giúp tiết kiệm sức lao động mà còn tăng hiệu quả chăn nuôi, cải thiện kinh tế gia đình.

Tại ấp Vĩnh Quới (xã Lạc Quới, Tri Tôn), ông Trương Ngọc Đồng thả nuôi 100 con gà thịt trên đệm lót sinh học, với diện tích 40m2. Trong quá trình thực hiện mô hình, ông Đồng được cán bộ kỹ thuật của Trạm Khuyến nông huyện Tri Tôn hướng dẫn từ khâu xây dựng chuồng trại, hướng dẫn chăn nuôi, đến việc làm vệ sinh, phòng chống dịch bệnh.

“Qua theo dõi, đàn gà thích nghi tốt, tỷ lệ hao hụt thấp (dưới 10%), tăng trọng nhanh. Sau 3 tháng nuôi, gà đạt trọng lượng bình quân 1,3 kg/con. Với giá bán 70.000 đồng/kg, đợt này tôi lãi trên 1,6 triệu đồng” - ông Đồng chia sẻ.

Cũng theo lời ông, nguyên liệu dùng để làm đệm lót là trấu và men vi sinh có thể đặt mua từ Trạm Khuyến nông huyện. Ưu điểm lớn nhất trong việc sử dụng đệm lót sinh học là không gây mùi, kể cả khi chuồng được xây cất gần nhà.
 
Ông Đồng kể: “Trước đây, nuôi theo kiểu truyền thống, không dùng đệm lót sinh học phải quét dọn phân gà hàng ngày, thay rơm, độn rạ nhưng vẫn có mùi hôi, ảnh hưởng đến sức khỏe gia đình và hàng xóm”.

Gà giống 1 năm tuổi đang cho trứng.

Tại ấp Phú Hòa (xã Định Thành, Thoại Sơn), anh Trần Trường Sa chỉ tận dụng chút thời gian nhàn rỗi vẫn mang lại thu nhập đáng kể cho gia đình.

Từng tốt nghiệp ngành Nông học của Trường đại học Dân lập Cửu Long (Vĩnh Long), năm 2008, anh Sa có thời gian làm việc ở các trại nuôi gà tại thị xã Gò Công (Tiền Giang). Khi về địa phương công tác, anh muốn tăng nguồn thu nhập cho gia đình nên quyết định đầu tư xây dựng chuồng nuôi gà trên đệm lót. Đầu tiên, anh chọn mua giống gà tàu vàng tại Viện Chăn nuôi miền Nam (tỉnh Đồng Nai).

Lúc đó, gà con mới chỉ 1 ngày tuổi nhưng có giá 29.000 đồng/con. Lứa đầu tiên, anh mua 600 con gà giống thả nuôi trên diện tích 48m2. Sau hơn 3 tháng nuôi, mỗi con đạt trọng lượng 1,5 – 1,7 kg, anh tuyển một nửa bán gà thịt, còn một nửa để lại làm giống. Hiện tại, đàn gà giống 300 con của anh mỗi ngày cho khoảng 150 trứng.

Thấy nhu cầu gà con trong vùng cao nên anh đã đầu tư máy ấp trứng bằng điện. Trung bình mỗi tháng, anh bán khoảng 3.000 con gà giống với giá 12.000 đồng/con, tạo nguồn thu thường xuyên. Với gia đình ít người lại phải thường xuyên đi làm như anh Sa thì chăn nuôi bằng đệm lót sinh học là giải pháp hiệu quả.

Anh Sa chia sẻ: “Hàng ngày, chỉ tốn rất ít thời gian và công chăm sóc, hoàn toàn không tốn chi phí dọn chuồng. Khâu làm đệm lót cũng đơn giản, chỉ cần rải trấu lên chuồng từ 1,5 – 2 tấc, sau đó dùng men vi sinh Balasa N01 (mỗi bịt men sử dụng cho 20m2). Men vi sinh giúp phân gà phân hủy tại chuồng, giảm mùi hôi, ít ruồi, muỗi nên bệnh giảm đáng kể. Hơn nữa, lớp đệm lót giúp giữ ấm vào mùa mưa và làm mát vào mùa khô nên gà sạch, tỷ lệ hao hụt rất thấp”.

Theo tính toán của các hộ nuôi gà, chi phí đầu tư ban đầu cho đệm lót sinh học khoảng 70.000 – 80.000 đồng/m2, thời gian sử dụng có thể hơn 1 năm.

Mô hình nuôi gà trên đệm lót sinh học được nông dân quan tâm và đánh giá cao vì hạn chế dịch bệnh, đỡ tốn chi phí lao động, áp dụng công nghệ vào chăn nuôi và không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh, tăng hiệu quả kinh tế.

* Box: Theo Trung tâm Khuyến nông An Giang, mô hình nuôi gà an toàn sinh học giúp giảm mùi hôi và ô nhiễm môi trường, an toàn trong việc kiểm soát dịch bệnh. Mô hình có vốn đầu tư thấp nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp giảm nhiều chi phí lao động so với cách nuôi truyền thống, phù hợp với phát triển chăn nuôi theo hướng nông nghiệp sạch, phát triển bền vững.

Theo An Giang Online