Diễn đàn khởi nghiệp

Chuyển đổi số thúc đẩy khởi nghiệp

Cập nhật, 19:47, Thứ Năm, 03/03/2022 (GMT+7)

Nội dung chuyển đổi số rất đa dạng bao gồm chính phủ số (dịch vụ công trực tuyến, dữ liệu mở), kinh tế số (tài chính số, thương mại điện tử), xã hội số (giáo dục, y tế, văn hóa) và chuyển đổi số trong các ngành trọng điểm (nông nghiệp, du lịch, điện lực, giao thông, y tế, giáo dục).

Đến nay, Việt Nam đã có những chuyển động tích cực cho hoạt động chuyển đổi số. Ngày 27/9/2019, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4. Ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 749/QĐ-TTg về việc phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Theo quyết định này, y tế và giáo dục là 2 lĩnh vực được ưu tiên chuyển đổi số. Cụ thể, nền tảng cơ bản của chuyển đổi số lĩnh vực giáo dục dựa trên các nền tảng như cơ sở vật chất, hạ tầng thông tin, dữ liệu số bên cạnh chủ trương, chính sách và đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, viên chức, giảng viên, giáo viên, người học… Chuyển đổi số với những ứng dụng công nghệ không chỉ hỗ trợ hệ thống đào tạo mà còn thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp cho thế hệ trẻ.

Theo các chuyên gia, những lợi ích mà chuyển đổi số mang lại cho nhân loại không phải bàn cãi như giúp tiếp cận thông tin nhiều, nhanh và chính xác hơn, rút ngắn khoảng cách, thu hẹp không gian, tiết kiệm thời gian và các nguồn lực, đặc biệt là tài nguyên. Do vậy, đối với hệ thống đào tạo, những chương trình giáo dục và định hướng khởi nghiệp cần giúp thế hệ trẻ trang bị kỹ năng cần thiết về thị trường lao động 4.0 và tăng khả năng làm chủ.

Thực tế, xu hướng khởi nghiệp, thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ, ứng dụng các kỹ thuật công nghệ vào sản xuất và đời sống của thế hệ trẻ. Bên cạnh đó, đây là cơ hội để thế hệ trẻ Việt Nam tiếp cận nhanh với công nghệ 4.0 góp phần vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập nền kinh tế toàn cầu.

LÝ AN