Khó chồng thêm khó vì giá xăng, gas tăng

Cập nhật, 06:55, Thứ Năm, 03/03/2022 (GMT+7)

 

Doanh nghiệp mong muốn ngành chức năng sớm có biện pháp ổn định thị trường xăng dầu.
Doanh nghiệp mong muốn ngành chức năng sớm có biện pháp ổn định thị trường xăng dầu.

Từ đầu năm đến nay, giá xăng, dầu, gas liên tục tăng mạnh, ở mức cao chưa từng có, khiến doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng càng thêm lo lắng vì áp lực tăng chi phí đầu vào, tăng mức chi tiêu.

Xăng tăng giá: doanh nghiệp vận tải thêm khó

Theo các chuyên gia kinh tế, giá xăng dầu, gas trong nước hiện nay phụ thuộc rất lớn vào giá thị trường thế giới. Việc giá nhiên liệu tăng cao sẽ ảnh hưởng nhất định đến giá cả của một số hàng hóa.

Chịu áp lực nhiều từ giá xăng, dầu tăng, nhiều nhà xe chạy tuyến cố định cho hay: Dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, lại thêm giá xăng tăng vọt gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Trong khi đó, doanh nghiệp lại không thể điều chỉnh giá vé vì chưa được phép theo quy định. Giá nhiên liệu tăng, lượng khách cũng sụt giảm nhiều, khiến không ít doanh nghiệp vận tải, nhà xe phải hoạt động cầm chừng.

Giá xăng, dầu tăng sốc khiến doanh nghiệp vận tải, người tiêu dùng thêm áp lực chi tiêu.
Giá xăng, dầu tăng sốc khiến doanh nghiệp vận tải, người tiêu dùng thêm áp lực chi tiêu.

Ông Huỳnh Tăng Luận- Chủ DNTN xe Huỳnh Đạt (Phường 2- TP Vĩnh Long), cho biết: Hầu như doanh nghiệp phải chạy bù lỗ mỗi ngày. Nhà xe hiện có trên 20 chiếc nhưng có hơn một nửa là… đậu chờ.

Trước đây chạy 20- 22 chuyến/ngày, chưa đến 1 giờ là xe đầy nhưng hiện tại chỉ hơn 10 chuyến/ngày nhưng khách ít hơn trước. Hiện lượng khách đã giảm hơn 50% so với trước khi xảy ra dịch bệnh. Phần vì người dân đã hạn chế đi lại, phần vì lo ngại xe khách nhiều người, nên hành khách thuê xe ngoài đi riêng.

Theo ông Luận, nếu như trước đây tuyến Vĩnh Long- TP Hồ Chí Minh chỉ tốn khoảng 550.000- 600.000đ tiền dầu, thì hiện nay đã tăng lên 800.000- 900.000đ, trong khi giá vé trong khoảng 2 năm nay vẫn “đứng yên” ở mức 100.000 đ/vé, khiến doanh nghiệp khó càng thêm khó.

“Nếu xin tăng giá vé thì cũng không tăng nhiều, lại không có khách. Doanh nghiệp cũng biết dịch bệnh tác động rất lớn, mong muốn chia sẻ khó khăn với người dân, nhưng cũng mong muốn ngành chức năng có biện pháp chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp, tìm giải pháp ổn định thị trường xăng dầu.

Đồng thời, được xem xét giảm những loại thuế phí như chi phí về kiểm định, chi phí khi xe lăn bánh trên đường, chi phí về cầu đường,… để doanh nghiệp có thể “dễ thở” trong thời điểm dịch bệnh còn tiềm ẩn nguy cơ”- ông Luận bày tỏ.

Trong khi đó, một nhà xe tại Phường 1 (TP Vĩnh Long) cũng cho hay: Xăng tăng nhưng muốn tăng giá vé cũng không dám vì khách ngày càng ít, nếu tăng nữa chắc không còn ai đi. Trong khi đó, nếu muốn duy trì chuyến mỗi ngày thì có nhiều chi phí buộc phải chi trả, chưa kể tiền thuê tài xế cũng tăng hơn trước do nhiều người muốn đổi nghề vì lo dịch bệnh. Giờ chỉ mong giá xăng dầu hạ nhiệt để hãng xe bớt khó khăn.

Gas tăng giá: thêm áp lực chi tiêu

Không chỉ giá xăng, dầu leo thang, từ đầu năm đến nay giá gas cũng đã “nhảy múa” 3 lần, giảm ít mà tăng thì nhiều. Việc giá gas liên tục điều chỉnh tăng khiến doanh nghiệp, người tiêu dùng càng thêm lo lắng.

Chủ một đại lý gas- bếp gas (Phường 9- TP Vĩnh Long), cho hay: Từ tết đến nay, giá gas có 1 lần giảm với mức 10.000 đ/bình 12kg và 2 lần tăng với tổng mức tăng 58.000- 60.000 đ/bình 12kg. Giá cứ tăng lên liên tục gây ảnh hưởng đến sức tiêu thụ gas của cửa hàng. Nhiều khách hàng than vì giá gas tăng cao và tăng nhanh quá.

Giá gas tăng mạnh, vượt mức 500.000 đ/bình 12kg.
Giá gas tăng mạnh, vượt mức 500.000 đ/bình 12kg.

Trước áp lực giá gas tăng, không ít quán ăn, bếp ăn, nhà hàng lẫn người dân bày tỏ ý định chuyển sang nấu thức ăn bằng cách sử dụng các loại bếp điện, bếp từ, bếp than tổ ong… để tiết kiệm chi phí hơn.

Chị Nguyễn Ngọc Hiếu- chủ một quán ăn Phường 1 (TP Vĩnh Long), cho hay: “Một tuần quán tôi nấu 2 bình gas 12kg, giờ gas tăng hơn 40.000 đ/bình, tính ra đội thêm chi phí 350.000- 400.000 đ/tháng, chưa tính các loại nguyên liệu khác cũng “ăn theo” giá xăng, giờ tôi định chuyển sang dùng bếp tổ ong, nhưng lo ảnh hưởng sức khỏe, lại tốn thời gian hơn xài gas. Không biết tính sao nhưng nếu xài gas hoài thì ngán quá, kiếm đâu ra lời”.

Ngành chức năng tăng cường kiểm tra mặt hàng xăng, dầu.
Ngành chức năng tăng cường kiểm tra mặt hàng xăng, dầu.

Trước tình trạng giá xăng dầu, gas nhảy vọt, không ít doanh nghiệp bày tỏ lo lắng giá nguyên, nhiên liệu tăng sẽ gây ảnh hưởng đến khả năng phục hồi của doanh nghiệp. Bởi khi đó chi phí đầu vào tăng, doanh nghiệp buộc phải tăng giá bán sản phẩm thì khả năng cạnh tranh của sản phẩm sẽ khó khăn hơn, lại tăng thêm áp lực chi tiêu cho người tiêu dùng.

Do đó, mong muốn ngành chức năng sớm có biện pháp ổn định thị trường giá xăng, dầu, gas, đồng thời, tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng những mặt hàng này, xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh xăng, dầu, gas kém chất lượng, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Đội Quản lý thị trường số 4 (Cục Quản lý thị trường tỉnh) vừa tiến hành kiểm tra một số doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu. Theo ghi nhận của đoàn kiểm tra, giám sát thì hiện tại nguồn cung xăng dầu từ các thương nhân phân phối về các cửa hàng, đại lý còn chậm trễ, chủ yếu còn phụ thuộc vào thương nhân đầu mối, vì vậy một số cửa hàng xăng dầu trên địa bàn đôi lúc hết xăng dầu để phục vụ người tiêu dùng. Thời gian tới, Cục Quản lý thị trường sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra giám sát tình hình hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh nếu phát hiện doanh nghiệp nào có dấu hiệu găm hàng bán nhỏ giọt hoặc ngừng bán hàng không có lý do, không được sự chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thì sẽ tiến hành xử lý đúng theo quy định của pháp luật.

Bài, ảnh: TRÀ MY