Chuyển đổi số để phát triển bền vững

Cập nhật, 07:26, Thứ Tư, 02/03/2022 (GMT+7)

 

Nhu cầu chuyển đổi số doanh nghiệp tăng, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế hiện nay.  Ảnh minh họa
Nhu cầu chuyển đổi số doanh nghiệp tăng, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế hiện nay. Ảnh minh họa

Hiện nay, nhu cầu chuyển đổi số (CĐS) của doanh nghiệp (DN) tăng cao để đáp ứng với “sân chơi” thị trường trong và ngoài nước, đặc biệt là sau khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát. Qua đó, không chỉ giúp DN hoàn thiện bộ máy hoạt động, mà còn góp phần phát triển bền vững cho đơn vị.

Nhu cầu CĐS tăng

Theo số liệu từ Bộ Công thương, trước đại dịch COVID-19, DN hoạt động chủ yếu cân bằng giữa kinh doanh trực tuyến và truyền thống. Đồng thời chưa nhận thức rõ tầm quan trọng của CĐS và thường ưu tiên cho các mục tiêu tăng trưởng ngắn hạn và chỉ CĐS theo từng giai đoạn hoặc bộ phận quan trọng trong DN.

Trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4 (từ 27/4/2021 đến nay), số DN rút lui khỏi thị trường tăng 24,9% với năm 2020, có đến 84% số DN khó khăn, thu hẹp hoặc tạm dừng sản xuất kinh doanh. Theo Bộ Công thương, qua dịch COVID-19, cả người tiêu dùng và DN đều dịch chuyển thương mại điện tử và tương tác kỹ thuật số, áp dụng các giải pháp công nghệ thông tin để phục vụ lực lượng lao động làm việc từ xa, tìm kiếm giải pháp tự động hóa sản xuất và vận hành kỹ thuật số.

Theo ông Phạm Anh Tuấn- Phó Giám đốc Viettel Vĩnh Long, đại dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, thời gian qua đã để lại nhiều hậu quả, hệ lụy cho mỗi người dân và toàn xã hội, nhưng cũng là “cú huých” mạnh mẽ cho công cuộc CĐS. “Các DN nên tham gia vào thử nghiệm, nghiên cứu cơ bản một số công nghệ số, nền tảng của CĐS, đó sẽ là những cú huých quan trọng. CĐS cần một cách tiếp cận tích cực, tức là giá trị mà dự án CĐS phải lớn hơn chi phí bỏ ra”- ông Phạm Anh Tuấn chia sẻ.

Trong khi đó, ông Lưu Thiện Lập- Tổng Giám đốc Công ty CP Lươn Công nghệ cao Vĩnh Long- cho rằng, DN hiện nay phải thay đổi để thích ứng trong điều kiện kinh tế hội nhập sâu rộng, trong đó “hiện tại, DN đang nghiên cứu để tìm ra các giải pháp CĐS phù hợp”.

Ông Dương Hữu Phú- Giám đốc Công ty TNHH Phú Vĩnh Long cho rằng, hiện nay nhu cầu CĐS của DN rất lớn. Tuy nhiên, còn rào cản là kinh phí để CĐS tương đối lớn, DN vừa và nhỏ rất khó tiếp cận. “Qua đó cần có sự hỗ trợ để DN thực hiện CĐS, phù hợp với điều kiện và nhu cầu của đơn vị”- ông Phú chia sẻ.

Hỗ trợ CĐS

CĐS trong DN hiện nay rất được tỉnh Vĩnh Long quan tâm, xem đây là một trong những yếu tố để DN hoạt động và phát triển bền vững trong thời gian tới. Vì vậy, nhằm hỗ trợ thúc đẩy việc CĐS trong DN nhỏ và vừa (gọi tắt là DN SMEs) thông qua việc áp dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho DN, UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch hỗ trợ DN nhỏ và vừa CĐS trên địa bàn tỉnh giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Hơn 40 doanh nghiệp trên địa bàn tham dự hội thảo về chuyển đổi số do Viettel Vĩnh Long tổ chức ngày 18/2/2022.
Hơn 40 doanh nghiệp trên địa bàn tham dự hội thảo về chuyển đổi số do Viettel Vĩnh Long tổ chức ngày 18/2/2022.

Để thực hiện đạt các mục tiêu, kế hoạch đề ra các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu như tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức CĐS DN. Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và kỹ năng về các hoạt động của Chương trình hỗ trợ DN SMEs CĐS. Đồng thời xây dựng tài liệu, báo giấy, báo điện tử, các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, cổng/trang thông tin điện tử, các hội thảo, hội nghị, hội thi có nội dung liên quan đến hoạt động CĐS và các hình thức khác. Vận động các DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh tham gia chương trình, sử dụng các nền tảng số để CĐS. Song song đó, triển khai các khóa tập huấn, đào tạo về CĐS cho DN; triển khai các giải pháp hỗ trợ DN SMEs sử dụng các nền tảng số tham gia Chương trình để CĐS…

Theo ông Phạm Anh Tuấn, quyết định phê duyệt kế hoạch CĐS: “Đó là quyết định đúng đắn và kịp thời thúc đẩy quá trình CĐS tại Vĩnh Long”- ông Tuấn nhấn mạnh.

Theo kế hoạch hỗ trợ DN nhỏ và vừa CĐS của tỉnh giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 sẽ hỗ trợ các DN triển khai CĐS. Tìm kiếm, đánh giá, lựa chọn các DN tiềm năng (ưu tiên lĩnh vực nông nghiệp, du lịch) để hỗ trợ CĐS. Hỗ trợ phát triển website thương mại điện tử cho DN (bao gồm: website, hosting, tên miền…) với mức hỗ trợ 50% tổng kinh phí, hỗ trợ ít nhất 10 DN.

Hỗ trợ DN đăng ký mới chữ ký số với mức hỗ trợ 50% tổng kinh phí, tối đa không quá 1.000.000 đ/DN, hỗ trợ ít nhất 10 DN. Hỗ trợ DN ứng dụng thương mại điện tử, tham gia các sàn thương mại điện tử, kết nối, liên kết với các sàn giao dịch kết nối cung- cầu theo từng ngành/lĩnh vực, kê khai bảo hiểm xã hội, khai báo thuế điện tử, hóa đơn điện tử…

Bài, ảnh: KHÁNH DUY