Blog thị trường

Cuộc chiến lớn của những cửa hàng nhỏ

Cập nhật, 15:31, Thứ Sáu, 16/06/2017 (GMT+7)

Ngày 15/6, 7-Eleven đã khai trương cửa hàng tiện ích đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh và cũng là đầu tiên tại Việt Nam. Trong năm nay, 7-Eleven dự kiến mở thêm 4 cửa hàng nữa và trong 3 năm tới, số cửa hàng mà 7-Eleven định mở ở Việt Nam sẽ lên con số 100.

Con số này vẫn được cho là nhỏ nếu so với những chuỗi cửa hàng tiện ích khác đã hiện diện ở Việt Nam, nhưng có thông tin 7-Eleven sẽ nâng số lượng cửa hàng lên 1.000 sau 10 năm tới. Việc 7-Eleven tiến vào thị trường bán lẻ Việt Nam được cho là một lời khẳng định quy mô của thị trường đã mở rộng rất lớn và tiềm năng sinh lời cũng tăng theo.

Vì một thương hiệu bán lẻ nổi tiếng thế giới như 7-Eleven sẽ không tiến vào một thị trường nào đó nếu như nó không được đánh giá cao. Tính đến cuối năm 2016, 7-Eleven đã góp mặt tại 17 quốc gia cùng 61.500 điểm bán hàng trên toàn thế giới.

Sự xuất hiện của 7-Eleven chắc chắn sẽ khiến cho cuộc đua trên thị trường bán lẻ nóng hơn rất nhiều. Việt Nam đang trở thành mảnh đất màu mỡ của các doanh nghiệp bán lẻ trong và cả ngoài nước, nhưng thay vì cạnh tranh nhau bằng những siêu thị lớn, các “ông lớn” trong ngành bán lẻ đang cạnh tranh với nhau bằng những cửa hàng tiện ích nhỏ.

Một chuyên gia ngành bán lẻ cho rằng, thị trường bán lẻ Việt Nam hiện đang phát triển mạnh 2 mô hình chính là cửa hàng tiện ích như B’smart, Circle K, FamilyMart và siêu thị mini như Co.op Food, Satra Food, Vinmart+. Chứng tỏ sự cạnh tranh trên thị trường bán lẻ hiện tại đang nóng nhất ở phân khúc cửa hàng tiện ích và siêu thị mini.

Thực sự khi nhu cầu của khách hàng ngày càng cao, người tiêu dùng mong muốn cửa hàng có các dịch vụ tiện ích khác ngoài mua sắm hàng hóa. Chính vì vậy, các chuỗi cửa hàng tiện ích và siêu thị mini sẽ có sự cạnh tranh khốc liệt hơn. Nhưng làm thế nào để giữ chân được người tiêu dùng dài lâu, mới là vấn đề quan trọng.

Bido2_40.com