Việt Nam- đất lành khởi nghiệp

Cập nhật, 19:42, Thứ Năm, 15/06/2017 (GMT+7)

 

“Cần xã hội có thái độ tích cực, chính quyền ứng xử bao dung về khởi nghiệp”.
“Cần xã hội có thái độ tích cực, chính quyền ứng xử bao dung về khởi nghiệp”.

Với một thế hệ trẻ nhiệt huyết, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành miền đất nuôi dưỡng các đam mê, hoài bão, khát vọng làm giàu. Tinh thần khởi nghiệp hiện đang lên cao hơn bao giờ hết. Tuy vậy, cần làm gì để Việt Nam trở thành đất lành cho khởi nghiệp là vấn đề đặt ra.

Tại tọa đàm “Việt Nam- đất lành của khởi nghiệp”, do Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ vừa tổ chức- đại diện sở, ngành và doanh nghiệp (DN) các tỉnh- thành khu vực ĐBSCL đã cùng bàn luận vấn đề này; đồng thời đưa ra những đề xuất, kiến nghị đối với Nhà nước để việc khởi nghiệp tốt hơn trong thời gian tới.

Chưa hiểu đúng về khởi nghiệp

Theo kết quả khảo sát của VCCI với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) trong khuôn khổ hợp tác Dự án Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, những năm gần đây các chương trình, chính sách khuyến khích khởi nghiệp đã và đang được xây dựng, ban hành.

Tinh thần khởi nghiệp hiện đang lên cao hơn bao giờ hết. Các ý tưởng kinh doanh không chỉ được hiện thực hóa dưới hình thức DN mà còn theo hình thức cơ sở kinh tế cá thể phi nông nghiệp, hộ kinh doanh, trang trại hay cá nhân tự kinh doanh.

Ông Đậu Anh Tuấn- Trưởng Ban Pháp chế VCCI, Giám đốc dự án PCI- cho biết năm 2015 có 94.754 DN đăng ký thành lập mới, 64% chủ DN có độ tuổi từ 30 trở lên, phần lớn chủ DN bắt đầu khởi nghiệp trong độ tuổi 30, đa phần chủ các DN đều có bằng đại học.

Phần lớn doanh nhân khởi nghiệp xuất thân từ khu vực tư nhân, 72% chủ DN thành lập trong 3 năm gần đây xuất thân từ khu vực tư nhân.

Động lực khởi sự của DN Việt Nam khá đa dạng, có 26% đam mê làm điều mới mẻ, 31% tạo công ăn việc làm, 41% muốn độc lập tài chính, 56% muốn tự làm chủ, 13% xây dựng sự nghiệp cho thế hệ sau, 6% lý do khác. Phần lớn DN khởi sự xuất thân từ mô hình hộ gia đình.

Tuy nhiên, cộng đồng DN khởi nghiệp đang bộc lộ nhiều hạn chế. Đại đa số các DN có quy mô lao động nhỏ bé (63% dưới 10 lao động, 30% từ 10- 49 lao động, chỉ có khoảng 7% có trên 50 lao động);

ít tham gia vào hoạt động xuất khẩu (81% khách hàng chính của các DN khởi nghiệp là các tổ chức, cá nhân trong nước); hoạt động kinh doanh còn nhiều khó khăn (40% có lãi chút ít, 19% hòa vốn, 32% thua lỗ chút ít, 5% thua lỗ lớn);…

Ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, những hạn chế xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trong đó, nổi lên là nhiều tổ chức, cá nhân vẫn chưa hiểu đúng và giá trị của khởi nghiệp; ở nhiều địa phương, chính quyền vẫn chưa tích cực tạo ra cơ chế, điều kiện thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ các hoạt động khởi nghiệp;

quyền tự do kinh doanh còn bị hạn chế bởi một số quy định lạ lùng hoặc do cách hành xử vô cảm của một bộ phận công chức, viên chức; giáo dục khởi nghiệp ở nhiều trường đại học bị xem nhẹ; thiếu hệ sinh thái và các định chế hỗ trợ khởi nghiệp.

Ngoài ra, hầu hết các DN khởi nghiệp đều gặp khó khăn khi tiếp cận các nguồn vốn tín dụng ngân hàng; nhiều DN- nhất là ở vùng nông thôn- gặp khó khăn trong hoạt động do hệ thống cơ sở hạ tầng yếu kém, khó đưa sản phẩm ra thị trường trong và ngoài nước; nhiều chương trình hỗ trợ khởi nghiệp còn chung chung, chưa cụ thể, thiếu tính thiết thực;…

Cần Chính phủ bao dung

Những người đã từng khởi nghiệp cho rằng từ ý tưởng đến thực tế lắm gian nan, ý tưởng kinh doanh tốt nhưng bước vào thực tế không thuận lợi.

Ông Nguyễn Thanh Duy- Giám đốc Công ty HD Group- đã từng trải nghiệm khởi nghiệp cho biết cũng bao phen thất bại.

“Không hiểu nguyên do nào sao lúc đầu các dự án đều phát triển tốt nhưng chỉ được 2- 3 năm thì thất bại. Chuyện khởi nghiệp tưởng chừng dễ nhưng rất khó…”- ông Nguyễn Thanh Duy chia sẻ.

Nhiều người đã từng khởi nghiệp cho rằng từ ý tưởng đến thực tế lắm gian nan.
Nhiều người đã từng khởi nghiệp cho rằng từ ý tưởng đến thực tế lắm gian nan.

Vì thế, trả lời câu hỏi “Cần gì để Việt Nam trở thành đất lành cho khởi nghiệp?”- ông Lê Duy Bình- Giám đốc Công ty Tư vấn Economica- cho rằng trước tiên phải hiểu đúng về khởi nghiệp và giá trị của khởi nghiệp

Hiểu đúng khái niệm về khởi nghiệp kinh doanh là điều kiện tiên quyết để xác định đúng đối tượng và mục tiêu của các chương trình và chính sách khởi nghiệp. Đây sẽ là tiền đề để đảm bảo tính hiệu quả của chính sách, chương trình hỗ trợ để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp.

Ngược lại, hiểu chưa đúng hoặc chưa đầy đủ khái niệm này sẽ dẫn đến những chính sách, chương trình hỗ trợ lệch lạc, gây lãng phí nguồn lực và không thể phát huy được nguồn nội lực”.

Ông Lê Duy Bình cũng cho rằng, cần xã hội có thái độ tích cực về khởi nghiệp, Chính phủ bao dung, thân thiện với DN và hành động vì DN.

“Vì tại Việt Nam, những người thất bại thường phải đối diện với những đánh giá tiêu cực, do đó, ứng xử bao dung của chính quyền với các DN thất bại, hoặc những ý tưởng kinh doanh mới lạ của những người khởi nghiệp là cần thiết, đây là nguồn động viên, cổ vũ vô cùng lớn đối với những người còn đang ngập ngừng, chưa dám thực sự thử nghiệm đưa các ý tưởng kinh doanh vào thực tế”- ông Lê Duy Bình khuyến nghị.

 

  • Ông Nguyễn Phương Lam- Phó Giám đốc VCCI chi nhánh tại Cần Thơ thông tin, hiện VCCI đã thực hiện nghiên cứu về khởi nghiệp tại Việt Nam với mục tiêu xác định những điều kiện cần thiết để Việt Nam trở thành đất lành cho khởi nghiệp; đồng thời đã xây dựng đề án khởi nghiệp hoàn thành mạng lưới khởi nghiệp ĐBSCL nhằm liên kết các địa phương, các đơn vị để tạo nên sức mạnh tổng thể hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp.

     

 

  • Bài,ảnh: HOÀNG MINH