Tái cơ cấu nền kinh tế để tạo đột phá

Cập nhật, 13:25, Thứ Ba, 31/12/2013 (GMT+7)

Những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2014 được đánh giá là hết sức nặng nề, đòi hỏi trách nhiệm cao, sự nỗ lực lớn của các bộ, ngành, địa phương.

Trong đó, một nhiệm vụ quan trọng Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đặc biệt lưu ý là chú trọng đẩy mạnh việc thực hiện 3 đột phá chiến lược, gắn với tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.


Thủ tướng yêu cầu đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, tăng cường kiểm soát thị trường giá cả.

Nỗ lực vực dậy nền kinh tế

Mục tiêu tổng quát của kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2014 đã được Quốc hội thông qua là: Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng trưởng hợp lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế trên cơ sở đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế.

Bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân. Sử dụng hợp lý và có hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.
 
Đẩy mạnh cải cách hành chính và phòng, chống tham nhũng, lãng phí; cải thiện môi trường kinh doanh. Bảo đảm quốc phòng và an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Nói về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để đạt được mục tiêu tăng trưởng 5,8% năm 2014, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, năm 2013 cũng là năm hết sức khó khăn, song với sự điều hành tập trung, quyết liệt từ Trung ương tới các bộ, ngành, địa phương, chúng ta đã đạt được kết quả tương đối tốt. Kinh tế vĩ mô đi vào ổn định và ngày càng vững chắc hơn; tăng trưởng tuy không đạt kế hoạch 5,5%, nhưng đã đạt mức khoảng 5,42%.
 
Đây là cố gắng rất cao của các cấp, các ngành và nói lên xu thế là sự phục hồi kinh tế tuy chậm, nhưng đã có dấu hiệu tăng trưởng dần.

Sang năm 2014, theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Do đó, để đạt được mục tiêu đặt ra cho năm 2014 tăng trưởng 5,8%, chúng ta phải cố gắng rất nhiều, với sự thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp.

Trước hết là phải đảm bảo được sự ổn định kinh tế vĩ mô. Hai là phải vực dậy được sản xuất ở tất cả các cấp, các ngành trong xã hội, nhất là lực lượng doanh nghiệp, các hộ sản xuất trong nông nghiệp.
 
Doanh nghiệp có điều kiện, có định hướng tốt, sản phẩm tốt… cần tạo điều kiện để được tiếp cận với vốn lãi suất thấp. Cùng với khai thác tốt hơn nữa nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước, đó là các doanh nghiệp tư nhân trong nước và khu vực tư nhân của nước ngoài.

Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết, mở rộng thị trường ngoài nước là nhân tố hết sức quan trọng, có tác dụng thúc đẩy phát triển kinh tế trong nước.

Bởi nếu làm tốt công tác thị trường ngoài nước, sản xuất trong nước sẽ có đầu ra, sản phẩm sẽ có nhiều thị trường để tiêu thụ. Nếu chúng ta càng mở rộng thị trường xuất nhập khẩu thì công tác hội nhập với đời sống kinh tế khu vực và thế giới ngày càng tăng lên, góp phần quan trọng vào nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Cũng theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, Việt Nam vừa qua đã đàm phán và ký kết được 8 hiệp định khu vực mậu dịch tự do (FTA) và Hiệp định có nội dung tương tự. Hiện nay, Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Công thương và các bộ, ngành tích cực thúc đẩy đàm phán ký kết 6 FTA khác, trong đó quan trọng là TPP, FTA với EU, với Liên minh thuế quan Nga- Belarus- Kazakstan, với Hàn Quốc và Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực…

Đây là những hiệp định hết sức quan trọng, mà ta đang cố gắng hoàn tất đàm phán để đi đến ký kết một số hiệp định trong năm 2014 để từ 2015 trở đi có thể tạo ra cục diện mới cho thị trường xuất nhập khẩu.

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, chính sách tiền tệ sẽ hướng theo mục tiêu ổn định vĩ mô và kiểm soát lạm phát ở mức 7%. Việc cung ứng tiền của Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ vừa đảm bảo thanh khoản của các tổ chức tín dụng, vừa đảm bảo xử lý nợ xấu và các gói hỗ trợ khác.

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, năm 2014, vẫn phải tiếp tục có những giải pháp mạnh tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản với thực hiện chiến lược về nhà ở, đặc biệt là phát triển nhà ở xã hội. Đây sẽ là kênh đầu tư rất lớn, kích cầu cho nền kinh tế tăng trưởng trở lại và sẽ khai thông các lĩnh vực sản xuất liên quan như vật liệu xây dựng, thép, nội thất, thậm chí là điện…

Tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh rằng: Nhiệm vụ của năm 2014 là hết sức nặng nề, đòi hỏi trách nhiệm cao, sự nỗ lực lớn của các bộ, ngành, địa phương.

Vì vậy, Chính phủ sẽ sớm ban hành nghị quyết về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014. Khi đó, các bộ, ngành, địa phương cần nhanh chóng cụ thể hóa nghị quyết để triển khai thực hiện từ ngày đầu, tháng đầu của năm 2014 một cách quyết liệt, đồng bộ nhưng có trọng tâm, trọng điểm.

Thủ tướng chỉ đạo tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vay, đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, tăng cường kiểm soát thị trường giá cả. Nhất là cần hết sức quan tâm đến việc phát triển thị trường cả trong và ngoài nước, đẩy mạnh xuất khẩu đi liền với kiểm soát tốt nhập khẩu. Khai thác có hiệu quả các cơ hội, đảm bảo lợi ích quốc gia trong hội nhập quốc tế…

Một nhiệm vụ quan trọng được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đặc biệt lưu ý các bộ, ngành, địa phương là chú trọng đẩy mạnh việc thực hiện 3 đột phá chiến lược, gắn với tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Trong thực hiện cần quan tâm nhiều hơn nữa đến công tác cải cách thể chế. Bên cạnh, tiếp tục đầu tư mạnh cho xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là tập trung nguồn lực phát triển hạ tầng điện, giao thông, thủy lợi, nước, hạ tầng công nghệ thông tin, giáo dục, y tế... đồng thời phải khắc phục được tình trạng đầu tư dàn trải gây lãng phí.
 
Quan tâm nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao nhằm đáp ứng cho yêu cầu phát triển.

Trong tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế, cần quyết liệt hơn trong tái cơ cấu đầu tư công; sắp xếp lại hệ thống ngân hàng để hoạt động lành mạnh, hiệu quả hơn, kiên quyết trong xử lý nợ xấu; quyết liệt tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước theo đề án đã được duyệt, trong đó trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.

Thủ tướng cũng nhắc nhở cần đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, dạy nghề vào tạo việc làm cho lao động nông thôn, xây dựng cơ chế, chính sách ưu tiên, ưu đãi để thu hút doanh nghiệp về hoạt động tại khu vực nông thôn, đưa khoa học công nghệ, cơ giới hóa vào phục vụ hoạt động sản xuất nông nghiệp, khuyến khích các mô hình liên kết sản xuất trong nông nghiệp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh, khả năng tiêu thụ của các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp.

Bài, ảnh: LÝ AN