Nhân 30 năm trận chiến bảo vệ đảo Gạc Ma (14/3/1988- 14/3/2018)

Ngày những người lính Hải quân ngã xuống!

Cập nhật, 04:19, Thứ Tư, 14/03/2018 (GMT+7)

Trong những ngày này, trên vùng biển, đảo Trường Sa đang ngân vang những bài ca ngợi ca Tổ quốc. Những chiến sĩ Hải quân Việt Nam đang hăng say luyện tập trên thao trường mùa huấn luyện, kiên trung vững vàng trước phong ba, bão tố ngày đêm canh giữ biển, đảo thiêng liêng lại bồi hồi tưởng nhớ đồng đội, những chiến sĩ đã anh dũng hy sinh cách nay tròn 30 năm bảo vệ đảo Gạc Ma.

Tàu HQ 604 của Hải quân khi nhận lệnh ra Gạc Ma. Ảnh tư liệu Lữ đoàn 125
Tàu HQ 604 của Hải quân khi nhận lệnh ra Gạc Ma. Ảnh tư liệu Lữ đoàn 125

Chiều tối 12/3/2018 tại cửa biển Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), cựu chiến binh Lê Hữu Thảo cùng một số người thân liệt sĩ Gạc Ma tham gia buổi thả đèn hoa đăng tại cửa biển Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) để tưởng nhớ những đồng đội đã ngã xuống khi đang bảo vệ chủ quyền ở các đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao 30 năm trước.

Cựu chiến binh Lê Hữu Thảo khi đó thuộc biên chế Phòng Tham mưu Lữ đoàn 146, Quân chủng Hải quân nhân dân Việt Nam. Đầu tháng 3/1988, ông nhận lệnh cùng đồng đội từ Cam Ranh theo tàu HQ 604 bảo vệ lực lượng xây dựng đảo Gạc Ma. Trên tàu khi đó chủ yếu là công binh, mang theo cuốc, xẻng, vũ khí chỉ có AK47.

Những người lính Hải quân Việt Nam lên tàu hướng ra biển Đông đầu năm 1988, trong bối cảnh tình hình khu vực quần đảo Trường Sa trở nên vô cùng căng thẳng.

“Vòng tròn Gạc Ma”

Đúng 20 giờ ngày 11/3/1988, tàu HQ 604 rời Cam Ranh mang theo trung sĩ Lê Hữu Thảo cùng các đồng đội. Đến 16 giờ ngày 13/3, HQ 604 đến thả neo ở Gạc Ma. Lúc này tàu 505 của Hải quân Việt Nam cũng đến Cô Lin.

Thấy tàu Việt Nam kiên trì thả neo, đêm 13/3, binh lính Trung Quốc tăng cường lực lượng thay nhau quần đảo, vây ép tàu 604 và 505. Lúc 0 giờ ngày 13/3, Sở chỉ huy lệnh cho lực lượng trên tàu 604 và 505 thả xuồng, đổ quân xuống ngay trong đêm và cắm cờ Tổ quốc lên đảo.

6 giờ ngày 14/3, tàu Trung Quốc thả xuồng nhôm và nhiều tốp lính mang theo súng đổ bộ lên Gạc Ma. Đứng chặn các tốp lính này, Thiếu úy Trần Văn Phương- phụ trách lực lượng công binh Trung đoàn 83 bình tĩnh tuyên bố: “Đây là lãnh thổ Việt Nam, hãy rút khỏi đây”.

Cụm tượng đài các chiến sĩ Gạc Ma ở khu tưởng niệm tại Khánh Hòa.Ảnh: Xuân Ngọc (VnE)
Cụm tượng đài các chiến sĩ Gạc Ma ở khu tưởng niệm tại Khánh Hòa.Ảnh: Xuân Ngọc (VnE)

Lính Trung Quốc với số đông chạy đến cướp giật cờ Việt Nam. Thiếu úy Trần Văn Phương, hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh cùng đồng đội xông lên bảo vệ cờ Tổ quốc.

Lính Trung Quốc đã đâm lưỡi lê vào bụng anh Lanh và bắn thẳng vào người anh Phương.

Trước khi hy sinh, Thiếu úy Trần Văn Phương đã gắng lấy hết sức lực cuối cùng hô to động viên đồng đội: “Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo, hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ truyền thống của Quân chủng”.

Lúc này, các chiến sĩ Hải quân Việt Nam đứng thành vòng tròn quanh lá cờ Tổ quốc. Không uy hiếp được bộ đội ta rút khỏi đảo, lính Trung Quốc dùng các loại súng bắn thẳng vào bộ đội Hải quân Việt Nam làm 64 người hy sinh!

Lúc 7giờ 30, Trung Quốc cho 2 tàu dùng pháo bắn hỏng tàu 604. Cựu binh Lê Hữu Thảo khi đó đã ngụp lặn cạnh bãi đá và tránh được những làn đạn của lính Trung Quốc.

Trời sáng hẳn, anh Thảo bơi lại bãi đá Gạc Ma tìm xác đồng đội, cấp cứu người bị thương. Thi thể liệt sĩ Trung úy Trần Văn Phương và thương binh Nguyễn Văn Lanh được đồng đội đưa lên xuồng đưa về tàu HQ 505.

Khi phát hiện tàu 604 bị chìm, Thuyền trưởng HQ 505 đã lệnh nhổ neo, cho tàu ủi lên bãi và cắm cờ chủ quyền lên đảo Cô Lin. Ngay sau khi ủi bãi thành công, bộ đội trên HQ 505 vừa dập lửa cứu tàu vừa đưa xuồng đi cứu vớt chiến sĩ tàu 604.

Các chiến sĩ sau đó rút về đảo Sinh Tồn và hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh được đưa ngay vào đất liền cứu chữa. Đảo Gạc Ma bị quân Trung Quốc chiếm giữ trái phép kể từ đó.

PV (Theo VnE)