Hạn chế sạt lở bờ sông mùa mưa, lũ

10:06, 06/06/2023

Từ đầu mùa mưa đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều vụ sạt lở bờ sông, rạch gây mất mát nhiều đất đai, công trình ven sông. Đây là thiên tai đáng lo ngại và là vấn nạn về môi trường trong nhiều năm qua, không những đối với Vĩnh Long mà còn tại nhiều nơi ở ĐBSCL mỗi khi mùa mưa, lũ đến.

 

Nhà ở, công trình ven sông lớn có dấu hiệu bị sạt lở nên được di dời để đảm bảo an toàn.
Nhà ở, công trình ven sông lớn có dấu hiệu bị sạt lở nên được di dời để đảm bảo an toàn.

Từ đầu mùa mưa đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều vụ sạt lở bờ sông, rạch gây mất mát nhiều đất đai, công trình ven sông. Đây là thiên tai đáng lo ngại và là vấn nạn về môi trường trong nhiều năm qua, không những đối với Vĩnh Long mà còn tại nhiều nơi ở ĐBSCL mỗi khi mùa mưa, lũ đến.

Thực tế cho thấy, sạt lở giờ đây không chỉ xảy ra ở các tuyến sông lớn mà còn ở cả những tuyến sông nhỏ, kinh, rạch nội đồng, nhất là ở những tuyến sông, rạch có lấy đất từ lòng kinh lên để đắp đê bao, đường giao thông, ở bề lõm của những đoạn sông uốn cong và sông có nhiều tàu lớn chạy qua.

Đối với những sông nhỏ, kinh, rạch nội đồng, nếu việc lấy đất, nạo vét lòng sông, kinh, rạch quá sâu sẽ làm mất ổn định bờ, sớm muộn cũng gây sạt lở bờ.

Đối với những tuyến sông lớn (như sông Măng Thít, kinh Xáng Ngay ở cù lao Mây, huyện Trà Ôn; kinh Xã Tàu- Sóc Tro ở huyện Tam Bình,…) có nhiều tàu lớn chạy qua gây sóng vỗ bờ thường xuyên, làm cuốn trôi, xói dần đất bờ sông, tạo hàm ếch, hố sâu… lâu ngày mất ổn định và bờ sông tự sạt lở. Việc chống sạt lở bằng giải pháp công trình mềm (như trồng cỏ, tấn bao cát, tre, tràm, đá hộc…) hay xây dựng đê bao, đường giao thông sát bên trên những tuyến sông này mà không có kè kiên cố bảo vệ thì chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Càng đào, càng đắp lên bao nhiêu thì càng nhanh lở xuống sông bấy nhiêu…

Để hạn chế cũng như tránh rủi ro, thiệt hại do sạt lở bờ sông, rạch xảy ra, thiết nghĩ trong xây dựng đê bao, đường giao thông gần mé sông, kinh, rạch cần quan tâm đến việc tính toán ổn định bờ khi xây dựng công trình trên đó, xác định khoảng cách an toàn và có biện pháp gia cố để tránh bị sạt lở. Đặc biệt, phải giám sát chặt chẽ trong quá trình thi công, đảm bảo đào đất lòng kinh theo thiết kế, không đào quá sâu, quá gần bờ, nhất là tại những đoạn sông, kinh có bờ thẳng đứng, dòng chảy áp sát bờ, để đảm bảo an toàn.

Đối với những tuyến sông lớn có nhiều tàu có tải trọng lớn qua lại thì tốt nhất là phải xây dựng công trình kè kiên cố để bảo vệ cho những công trình trọng yếu như khu dân cư tập trung, đô thị, công trình văn hóa, lịch sử, hành chính, quốc phòng- an ninh; không nên xây dựng đê bao, đường giao thông sát mé sông mà không có kè kiên cố bảo vệ sẽ rất dễ bị sạt lở. Nhà ở, công trình ven những tuyến sông này, tại những đoạn có dấu hiệu bị sạt lở nên được di dời để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản.

Bài, ảnh: MỸ TRUNG

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh