Vẫn còn lo về chất lượng nguồn nước mặt...

Cập nhật, 03:44, Thứ Tư, 26/04/2023 (GMT+7)

 

Kinh, rạch nội đồng không được khơi thông, nạo vét dễ gây ô nhiễm nguồn nước.
Kinh, rạch nội đồng không được khơi thông, nạo vét dễ gây ô nhiễm nguồn nước.

 Qua theo dõi báo cáo hiện trạng môi trường những năm gần đây của Sở TN-MT, rất mừng khi nhận thấy chất lượng môi trường trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng thực tế hiện trạng môi trường nguồn nước mặt trên các sông, rạch vẫn còn nhiều nỗi lo.

Báo cáo từ năm 2016-2022 cho thấy, sự chuyển biến tích cực về chất lượng môi trường thể hiện ở các mặt, như: Không khí tại các làng nghề, khu sản xuất gạch, gốm không bị ô nhiễm bởi các khí độc, không bị nhiễm chì; nước mặt và môi trường đất ở vùng trồng lúa, cây ăn trái, rau màu và ở các vùng chuyên canh trọng điểm trồng cam, khoai lang, xà lách xoong không phát hiện dư lượng hóa chất BVTV... Nhưng vấn đề đáng quan tâm là nguồn nước mặt trên các sông, rạch trong tỉnh vẫn còn bị ô nhiễm về chất dinh dưỡng.

Theo báo cáo kết quả quan trắc môi trường năm 2022, nguồn nước mặt tại đa số các tuyến sông, rạch chính trên địa bàn tỉnh có dấu hiệu bị ô nhiễm về chất dinh dưỡng. Theo các nhà khoa học, ô nhiễm chất dinh dưỡng, phổ biến là nitrat và phosphat, bắt nguồn từ ô nhiễm nước thải và ô nhiễm công- nông nghiệp. Ở mức độ nặng, ô nhiễm chất dinh dưỡng có thể dẫn đến hiện tượng phú dưỡng. Đây là hiện tượng hay xuất hiện tại các ao, hồ, sông, kinh, thậm chí cả ở biển, tạo ra các khu vực chết tiêu diệt nhiều loài thủy sinh, đặc biệt là làm giảm số lượng các dải đá ngầm san hô. Trong đó, hoạt động sản xuất nông nghiệp là nguồn chính gây ô nhiễm chất dinh dưỡng, từ phân động vật và các loại phân bón.

Thực tế cũng cho thấy, nguồn nước sông, rạch trên địa bàn tỉnh vẫn còn chứa nhiều chất thải từ hoạt động sản xuất, sinh hoạt, kinh doanh, đi lại của con người. Nạn thải rác xuống dòng sông, rạch, kinh, mương xuất hiện ở nhiều nơi. Nước thải từ sinh hoạt, sản xuất phần lớn chưa được xử lý đúng quy định đều đổ ra sông, rạch.

Để bảo vệ nguồn nước mặt nói riêng và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh nói chung, ngoài đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động để làm thay đổi nhận thức, hành động của chính quyền và người dân trong bảo vệ môi trường, cần tăng cường công tác kiểm soát ô nhiễm, xử lý các nguồn gây ô nhiễm và nhân rộng các mô hình bảo vệ môi trường có hiệu quả để người dân, các tổ chức, các địa phương có cơ hội làm theo. Các cơ sở, khu sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ… cần đầu tư, áp dụng công nghệ sản xuất sạch hơn để giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Bài, ảnh: TRUNG CHÁNH