Nỗi lo cây phượng sân trường bật gốc...

Cập nhật, 11:13, Thứ Ba, 25/04/2023 (GMT+7)

Từ lâu, trong khuôn viên các cơ sở giáo dục ở nước ta (các bậc từ tiểu học, THCS, THPT và ĐH), một số loài cây xanh có tán che phủ rộng, tạo bóng mát lớn như: cây bàng, bằng lăng, xà cừ,… thường được ưu tiên trồng, trong đó cây phượng vĩ thì hầu như trường học nào cũng có trồng từ một vài cây cho tới hàng chục cây, bởi đây là loài cây lớn rất nhanh, không chỉ có tán che mát lớn, mà còn tạo cảnh quan vô cùng đẹp mắt với màu đỏ rực rỡ mỗi khi bước vào thời điểm hoa khoe sắc.

Tuy nhiên, ngoài những “ưu điểm” như đã nói thì cây phượng vĩ thực sự là cây không hề an toàn khi trồng trong trường học bởi một số… “nhược điểm”. Như chúng ta biết, vì sinh trưởng nhanh, thân và cành phượng rất mềm, dễ bị mục ruỗng. Đặc biệt, rễ cây phượng ăn nổi, dễ bị hỏng khi trồng và bảo vệ không đúng cách. Vì vậy, chỉ khoảng 30 năm, cây thường có vấn đề về gốc rễ, nhiều khi không cần mưa bão, cây cũng dễ dàng bật gốc bởi bộ rễ bị hỏng quá nhanh và nhiều...

Thực tế thì trong những năm gần đây trong khuôn viên trường học ở một số địa phương đã từng xảy ra một số vụ tai nạn ngoài ý muốn khi cây phượng vĩ bị ngã đổ, gây tai nạn cho học sinh và phụ huynh học sinh.

Chính vì vậy, trước khi có ý định trồng mới, trồng thêm cây xanh trong khuôn viên các cơ sở giáo dục thì các trường học cần phải bàn luận, tham khảo, nghiên cứu thật kỹ lưỡng để nên trồng loại, giống cây xanh gì, và điều cốt yếu nhất là phải đặt sự chắc chắn an toàn cho học sinh, sinh viên lên trên hết.

Như đã nói, cây phượng vĩ dẫu đẹp nhưng không thực sự chắc chắn an toàn thì các trường cũng nên hạn chế trồng loài cây này; còn với những cây phượng vĩ đã, đang hiện diện trong sân trường từ nhiều năm nay, nếu thấy cây có dấu hiệu thân, rễ mục ruỗng không còn chắc chắn thì cũng phải có các bước gia cố, chằng chống, xử lý ngay, hoặc nếu cần thiết thì cũng có thể chặt hạ để phòng ngừa hiểm họa, đảm bảo sự an toàn cho học sinh, sinh viên.

NGUYỄN THỊ LOAN