Thích nghi dần với thiên tai, biến đổi khí hậu

05:12, 02/12/2022

Một trong những yếu tố quan trọng gây ra triều cường lịch sử vừa qua ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ được đánh giá là do tác động của biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu ngày càng ảnh hưởng sâu sắc đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội.

Các cơ sở giáo dục ở TP Vĩnh Long bố trí lịch học phù hợp để phòng tránh triều cường.
Các cơ sở giáo dục ở TP Vĩnh Long bố trí lịch học phù hợp để phòng tránh triều cường.

(VLO) Một trong những yếu tố quan trọng gây ra triều cường lịch sử vừa qua ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ được đánh giá là do tác động của biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu ngày càng ảnh hưởng sâu sắc đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội.

Tại Vĩnh Long, từ sau đợt triều cường đó, người dân vùng bị ngập lụt, nhất là tại đô thị TP Vĩnh Long và TX Bình Minh đã bắt đầu quan tâm theo dõi thường xuyên về tình hình diễn biến triều cường, về những thông báo hướng dẫn, khuyến cáo của các cơ quan quản lý trên các phương tiện thông tin đại chúng để có “phương án ứng phó”.

Người dân chủ động kê nới đồ đạc trong nhà, chọn hướng di chuyển, chọn tuyến đường đi để không bị ngập sâu, xe không bị chết máy; sắp xếp lại lịch sản xuất, kinh doanh…

Chính quyền bố trí lực lượng công an, quân sự giúp dân lưu thông trên đường. Các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học bố trí lịch học để tránh bị ngập, không để cho học sinh bị đuối nước.

Ở nông thôn, nông dân thu hoạch hoa màu, thủy sản chạy lũ, điều chỉnh lịch thời vụ, coi con nước để xuống giống lúa Đông Xuân không bị nước “chụp”… Còn nhiều lắm những hành động, biện pháp “phi công trình” mà người dân và chính quyền thực hiện nhằm phòng, tránh để giảm bớt thiệt hại.

Do vậy, có thể nói, một khi các giải pháp công trình (phần cứng) chưa phát huy hiệu quả “chống” ngập lụt, “chống” thiên tai hoặc chưa có giải pháp đầu tư đủ sức để “chống” thì giải pháp “phi công trình” (phần mềm) là khả thi hơn cả, mà phải chuẩn bị từ trước, làm thử, diễn tập trước cho thành thục mới tổ chức phòng, tránh thiên tai, ngập lụt hiệu quả.

Nói như ông Nguyễn Hoàng Hiệp - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp - PTNT, chúng ta không thể “chống” mà chỉ có thể “tránh” thiên tai. Chúng ta phải chủ động dự báo, tính toán, thiết kế các công trình, chủ động sinh hoạt để làm sao tránh được thiên tai mới là giải pháp tối ưu. Do chưa thể đầu tư hạ tầng đồng bộ thì buộc phải xác định “phần mềm” là quan trọng hơn.

Phần mềm là nhận thức của người dân và của cả lãnh đạo về thiên tai, mối nguy hiểm của thiên tai và biến thể của nó; dự báo, cảnh báo sớm để đưa ra những chỉ đạo điều hành kịp thời, giải pháp ứng phó phù hợp, hiệu quả. Phải xây dựng cộng đồng dân cư an toàn, sống chung với thiên tai, thích nghi dần với biến đổi khí hậu.

Bài, ảnh: TRUNG CHÁNH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh