Cảnh báo nguy cơ tiền sản giật trong thai kỳ

Cập nhật, 09:36, Thứ Sáu, 12/05/2023 (GMT+7)

 

BS.CK2 Trần Mỹ Dung khám cho sản phụ B.T.P. bị tiền sản giật đang điều trị tại Khoa Sản.
BS.CK2 Trần Mỹ Dung khám cho sản phụ B.T.P. bị tiền sản giật đang điều trị tại Khoa Sản.

Thời gian qua, Khoa Sản BVĐK Vĩnh Long đã tiếp nhận thường xuyên những trường hợp bị tiền sản giật (TSG). Đây là một chứng bệnh nghiêm trọng trong thời kỳ mang thai, thường gặp nhất ở 3 tháng cuối thai kỳ. TSG là nguyên nhân của nhiều tai biến sản khoa nguy hiểm như: sinh non, thai chết lưu, nhau bong non…, đe dọa tính mạng của thai phụ và thai nhi.

Cứu sống nhiều sản phụ tiền sản giật nặng

Ngày 4/5, BS.CK2 Trần Mỹ Dung- Phó Khoa Sản BVĐK Vĩnh Long, cho biết vừa cấp cứu giành lại sự sống cho một sản phụ mang thai lần 3 bị TSG có dấu hiệu nặng. Sản phụ là B.T.P. (34 tuổi, xã Hòa Hiệp, huyện Tam Bình), ngày 7/4 sản phụ nhức đầu, mờ mắt đến khám tại BVĐK Vĩnh Long và được cấp cứu trong tình trạng mang thai lần 3, thai 34 tuần, huyết áp tăng đến 170/115 mmHg.

Thai phụ bị cao huyết áp mãn 10 năm, béo phì, phù toàn thân, nặng đầu, vết mổ cũ lấy thai 2 lần. Sản phụ P. điều trị nội có đáp ứng, huyếp áp giảm song đến tuần thai 36 thì không đáp ứng, chuyển biến nặng, suy tim thai.

Ê kíp bác sĩ khoa phụ sản của bệnh viện quyết định mổ khẩn để cứu cả mẹ và con. Ca mổ thành công, bé trai chào đời nặng 2,7kg. Sản phụ tiếp tục ở lại khoa điều trị, sử dụng các thuốc nhằm kiểm soát huyết áp và ngừa co giật ở thời điểm hậu sản cũng như theo dõi sát những biến chứng khác có thể xuất hiện hậu phẫu. Hiện sức khỏe sản phụ đã ổn định và có thể xuất viện vào vài ngày tới.

Trước đó, Khoa Sản của BVĐK Vĩnh Long cũng tiếp nhận cấp cứu sản phụ tên N.T.M.T (29 tuổi, Đồng Tháp). Sản phụ T. nhập viện khi thai được 34 tuần cấp cứu trong tình trạng mắt mờ, huyết áp cao, có ra máu âm đạo. Qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán sản phụ bị TSG nặng trên nền tăng huyết áp mãn, dọa sinh non.

Sau 3 ngày điều trị thuốc hạ áp không đáp ứng, sản phụ được chỉ định mổ chủ động để bảo đảm an toàn cho cả sản phụ và thai nhi. Ca mổ thành công, sức khỏe sản phụ ổn định. Em bé nặng 2,2kg được chăm sóc đặc biệt tại phòng hồi sức sơ sinh Khoa Nhi.

Theo các bác sĩ sản khoa, TSG (còn gọi là nhiễm độc thai nghén) là một rối loạn nghiêm trọng, thường phát triển sau tuần thứ 20 của thai kỳ với biểu hiện: huyết áp cao, mức độ protein trong nước tiểu tăng. TSG và sản giật có thể gây biến chứng nghiêm trọng nếu không được phát hiện và điều trị sớm.

Phòng ngừa tiền sản giật khi mang thai

Theo BS.CK2 Trần Mỹ Dung, chỉ trong quý I/2023, đã tiếp nhận, phát hiện sớm và cấp cứu kịp thời 12 ca TSG nặng. Bệnh TSG là một trong những biến chứng của thai kỳ đặc trưng bởi huyết áp cao và có dấu hiệu tổn thương hệ thống cơ quan khác như gan và thận, có thể gặp ở sản phụ có nền bệnh tăng huyết áp mạn tính hoặc sản phụ mang thai sau 20 tuần.

TSG có thể gây hậu quả nghiêm trọng, nếu không được điều trị kịp thời, TSG có thể đe dọa đến tính mạng của cả thai phụ và thai nhi hoặc để lại nhiều di chứng nặng nề. “Bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng cho mẹ (suy thận cấp, suy tim cấp, phù phổi cấp, nhau bong non...) và cho cả thai nhi (thai chậm phát triển trong tử cung, thai chết lưu trong tử cung, sinh non…). Một trong những biến chứng nặng nề nhất của TSG là hội chứng HELLP- tan huyết, tăng các men gan và giảm tiểu cầu. Hội chứng này có thể đe dọa tính mạng cho cả mẹ và con”- BS Mỹ Dung lưu ý.

Thai phụ nào cũng có nguy cơ mắc TSG, song có thể sàng lọc và dự phòng TSG sớm để tránh hậu quả nặng nề. Cụ thể, mang thai từ 11 tuần đến 13 tuần 6 ngày, thai phụ nên khám sàng lọc và chẩn đoán trước sinh để sàng lọc nguy cơ mắc bệnh.

BS Mỹ Dung khuyến cáo: Dấu hiệu TSG có thể nhận biết khi thai phụ đang trong quá trình mang thai bình thường thì cơ thể phù lên nhiều, nặng mặt, nặng chân, đau đầu nhiều, chóng mặt, bụng đau quặn, thở dốc, mắt mờ, tăng huyết áp trước và trong thai kỳ... Tốt nhất nên thăm khám thai hợp lý suốt thai kỳ, trong đó đo huyết áp là bước cơ bản và bắt buộc trong quá trình khám thai, nhờ vậy có thể phát hiện sớm bệnh lý về huyết áp và đề phòng các tai biến sản khoa.

BS.CK2 Trần Mỹ Dung- Phó Khoa Sản BVĐK Vĩnh Long

Thai phụ không được chủ quan với huyết áp cao và dấu hiệu phù trong thai kỳ. Đây là dấu hiệu điển hình của TSG, nếu không chữa trị sẽ dẫn đến co giật. Dù TSG biến chứng thai kỳ nguy hiểm nhưng không quá đáng sợ. Chỉ cần thai phụ biết cách chăm sóc bản thân trước và trong lúc mang thai, hợp tác với bác sĩ điều trị, sẽ có một thai kỳ an toàn, đẩy lùi những rủi ro sức khỏe cho bản thân và em bé.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN