"Việt Nam chiến thắng bệnh lao"

Cập nhật, 05:26, Thứ Sáu, 24/03/2023 (GMT+7)
Điều trị lao không quá khó khăn nếu bệnh được phát hiện sớm và có phác đồ điều trị kịp thời.
Điều trị lao không quá khó khăn nếu bệnh được phát hiện sớm và có phác đồ điều trị kịp thời.

(VLO) Đó là chủ đề của ngày Thế giới phòng chống lao 24/3. Chủ đề như một lời khẳng định, thể hiện quyết tâm cao của cả mọi tầng lớp nhân dân trong cuộc chiến đẩy lùi bệnh lao.

Chung tay hành động, chấm dứt bệnh lao

Lao là bệnh không chỉ gây ảnh hưởng đối với thể chất, tinh thần, kinh tế của người bệnh mà còn là mối nguy hiểm của cộng đồng.

Theo Chương trình Phòng chống lao quốc gia, Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao với 169.000 người mắc và 12.000 người tử vong do lao năm 2021.

Điều trị lao không quá khó khăn nếu bệnh được phát hiện sớm và có phác đồ điều trị kịp thời. Do đó, những người nằm trong nhóm có nguy cơ bị nhiễm lao cần đi xét nghiệm và tầm soát sớm.

Tháng 8/2022, anh T.N.Q. (42 tuổi, TP Vĩnh Long) bỗng dưng thường xuyên bị sốt, ho, cổ họng có nhiều đàm. Anh chủ động đến Bệnh viện Phổi Vĩnh Long thực hiện xét nghiệm lao và phát hiện bị bệnh.

“Từ khi phát hiện bệnh, cứ 2 tuần tôi phải đi lãnh thuốc một lần, ngày nào cũng phải uống thuốc đúng cữ, đúng liều”, anh Q. chia sẻ.

Không chỉ anh Q. mà những người thường xuyên tiếp xúc với anh như vợ, con cũng được hướng dẫn kiểm tra dự phòng mắc bệnh lao. Nhờ vậy, sau hơn 6 tháng kiên trì, đến tháng 2/2023 anh Q. hoàn toàn khỏi bệnh.

Theo các bác sĩ Bệnh viện Phổi Vĩnh Long, bệnh lao lây truyền qua đường hô hấp do hít phải hạt khí dung trong không khí có chứa vi khuẩn lao.

Khi một người mắc bệnh lao phổi ho, hắt hơi hoặc khạc nhổ, họ có thể lan truyền vi khuẩn lao vào trong không khí, nơi vi khuẩn lao có thể tồn tại đến 6 giờ.

Một người mắc bệnh lao phổi không được điều trị có thể lây truyền cho từ 15 người khác trong một năm thông qua giao tiếp hàng ngày.

“Khi hít phải vi khuẩn lao trong không khí là bị nhiễm lao, nếu sức đề kháng của cơ thể tốt, các vi khuẩn lao bị khống chế “ở trạng thái không hoạt động” nên chúng không phát triển được để có thể gây bệnh.

Khi sức đề kháng của cơ thể bị suy giảm (do suy dinh dưỡng, do nhiễm HIV, những người già yếu, người mắc bệnh tiểu đường, trẻ em dưới 5 tuổi...) là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn lao phát triển và gây bệnh lao”- BS.CK2 Huỳnh Thị Mỹ Tiên- Trưởng Phòng Kế hoạch tài chính- chỉ đạo tuyến và điều dưỡng Bệnh viện Phổi Vĩnh Long cho biết.

Tiến tới chấm dứt bệnh lao

Lao vẫn là một căn bệnh gây tử vong đứng thứ 2 trong các bệnh truyền nhiễm. Nếu không được chẩn đoán sớm thì người bệnh có thể lây vi khuẩn cho người trong gia đình, cho những người mà họ tiếp xúc, ở Việt Nam, số người tử vong do lao cao hơn cả số người tử vong vì tai nạn giao thông.

“Bệnh lao nếu được phát hiện sớm và được điều trị kịp thời và đúng phương pháp thì người bệnh có thể khỏi hoàn toàn. Hiện nay, tỷ lệ điều trị khỏi bệnh lao mới ở Bệnh viện Phổi tỉnh đạt trên 93%.

Nếu phát hiện trễ, điều trị không đúng dễ thất bại, hoặc dẫn tới tình trạng kháng thuốc rất nguy hiểm cho bệnh nhân và cho cộng đồng”- BS Mỹ Tiên nói.

Do đó, việc khám sàng lọc cộng đồng là một trong những giải pháp cần thiết nhằm phát hiện sớm người có triệu chứng nghi lao, để tiến hành xét nghiệm khẳng định và điều trị, ngăn chặn sự lây lan của bệnh lao.

Đây là hoạt động nhằm giảm tỷ lệ mắc bệnh lao, phát hiện sớm người có triệu chứng nghi lao để khám và điều trị kịp thời. Qua đó, góp phần hoàn thành mục tiêu chung là chấm dứt bệnh lao vào năm 2035.

BS.CK2 Huỳnh Thị Mỹ Tiên cho biết, để phát hiện sớm các bệnh nhân mắc lao trong cộng đồng, ngành y tế còn triển khai chiến lược 2X- chẩn đoán bệnh lao bằng phương pháp chụp X-quang ngực và xét nghiệm GeneXpert.

Đồng thời, tổ chức khám chủ động cho người dân. Qua đó, người dân sẽ được các y, bác sĩ thăm khám các bệnh về lao, phổi như: nghe tim phổi, lấy mẫu xét nghiệm đàm, chụp X-quang phổi... khi phát hiện có bệnh sẽ lấy đàm xét nghiệm GeneXpert và có kết quả dương tính, bệnh nhân sẽ được điều trị ngay theo hướng dẫn và phác đồ của Bộ Y tế.

Chú Lê Thành Khai (TT Long Hồ) có con trai mắc bệnh lao cho biết: “Gia đình động viên con đi khám rồi vô điều trị ở Bệnh viện Phổi tỉnh, động viên con uống thuốc để mau hồi phục.

Ngoài ra, ăn uống đủ chất; vật dụng cá nhân của con đều dùng riêng, để riêng để tránh lây nhiễm cho người trong nhà. Cả nhà tôi đều được tầm soát lao”.

Bên cạnh chủ động phát hiện bệnh lao trong cộng đồng, công tác quản lý điều trị bệnh nhân lao cũng được ngành y tế tỉnh chú trọng.

“Các trường hợp mắc lao được nhân viên y tế thường xuyên nhắc nhở, hướng dẫn sử dụng thuốc đúng cữ, đúng liều và các biện pháp phòng bệnh bảo vệ sức khỏe cho người thân và cộng đồng”- Trưởng Trạm Y tế TT Long Hồ- Lê Thị Ngọc Ngân cho biết.

Để hoạt động phòng, chống lao tại cộng đồng phát huy hiệu quả tích cực, bên cạnh sự nỗ lực của ngành y tế, điều quan trọng nhất là cần thay đổi nhận thức, nâng cao hiểu biết của người dân về bệnh lao để bản thân người dân chủ động hơn trong việc phát hiện, phòng chống cho chính mình và mọi người trong cộng đồng.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN