Các cuộc hôn nhân có nhiều lúc sẽ rơi vào giai đoạn bão hòa. Mỗi giai đoạn đều có sự chuyển biến mà chúng ta cần phải thích nghi, điều chỉnh bản thân cho phù hợp với hoàn cảnh. Nếu không kịp thời nhìn nhận và thay đổi thì rất dễ tan vỡ.
Hạnh phúc dài lâu trong hôn nhân rất cần sự thấu hiểu và đồng hành chia sẻ. |
(VLO) Các cuộc hôn nhân có nhiều lúc sẽ rơi vào giai đoạn bão hòa. Mỗi giai đoạn đều có sự chuyển biến mà chúng ta cần phải thích nghi, điều chỉnh bản thân cho phù hợp với hoàn cảnh. Nếu không kịp thời nhìn nhận và thay đổi thì rất dễ tan vỡ.
Khoảng 1 năm nay, chị H.M. (36 tuổi) cảm thấy tâm hồn mình bão hòa đến đáng sợ. Nếu như trước đây mỗi khi anh chồng yêu quý thích nhậu của chị đi bù khú với bạn bè đồng nghiệp quá khuya thì ở nhà chị đứng ngồi không yên, ra vào gọi điện thoại hối thúc.
Dù bao nhiêu năm chị có nói thế nào từ nhỏ nhẹ khuyên nhủ đến nóng nảy giận hờn, gây cãi mà anh vẫn chứng nào tật nấy.
Cho đến giờ đây gần 10 năm hôn nhân, chị vẫn luôn tất bật chăm lo cho con cái và cả chuyện kinh tế gia đình trong khi anh chồng vẫn cứ sống một cách vô lo vô nghĩ.
Chị H.M. đã cảm thấy lòng trống rỗng, những cảm xúc yêu thương dần phai nhạt, sống bên nhau vì trách nhiệm nhiều hơn. Chị biết nếu chị không vượt qua được khoảng lặng nguy hiểm này thì nguy cơ đổ vỡ sẽ rất cao.
Cô vợ trẻ X.L. thì vừa kết hôn chưa đầy 3 năm đã rơi vào trạng thái “hôn nhân lạnh”. Cả hai vợ chồng đều còn rất trẻ, khi yêu nhau anh chồng rất ga lăng, lãng mạn, săn đón chăm sóc cô chu đáo đến mức gia đình cô cũng hối thúc mà cho cưới sớm.
Nhưng cô vợ trẻ nào ngờ sau khi cưới chỉ mới 1 năm thôi anh chồng đã thay đổi hoàn toàn. Anh chỉ mải mê dành hết thời gian cho công việc mà không còn quan tâm gì đến những chuyện anh từng làm cô xúc động khi còn yêu nhau.
Ngay cả ngày sinh nhật vợ anh cũng hờ hững chở nhau đi ăn rồi về. Cảm thấy hụt hẫng đến thất vọng cùng cực, cô hỏi chồng thì nhận được câu trả lời rằng khi yêu thì phải vậy giờ cưới rồi còn cần làm những điều đó chi cho tốn kém, mất thời gian.
Cho dù cô có góp ý, thể hiện mong muốn của mình thế nào thì anh vẫn giữ quan điểm của mình. Là một người thích lãng mạn, luôn mong muốn có cuộc hôn nhân đầy sắc hồng, X.L. cảm thấy sốc và cảm xúc rơi một cách tự do, chẳng lẽ kiếm chuyện gây cãi giận hờn hoài vì những chuyện này, X.L. đành phải chấp nhận mà sống, cô dần rơi vào khoảng lặng hôn nhân.
Không có mốc thời gian quy định nào cho những khoảng lặng trong hôn nhân. Có khi là vài năm, có khi là hơn chục năm và cũng có những người rơi vào khoảng lặng ngay sau kết hôn, bởi vỡ mộng về đối tác, lúc yêu nhau thì mọi thứ đều tốt đẹp nhưng khi sống cùng nhau, mới phát hiện những bất đồng.
Sự bão hòa trong hôn nhân là lúc mà hai người trong cuộc thấy cuộc sống chung trở nên nhàm chán, không còn cảm xúc bên nhau, không còn quá quan tâm đến đối phương...
Có rất nhiều nguyên nhân khiến hôn nhân rơi vào bão hòa, như những bất đồng kéo dài khiến cảm xúc yêu đương không còn hay những trách nhiệm lo toan cuộc sống mà sinh cãi vã, vì phải phấn đấu cho sự nghiệp riêng mà cả hai mâu thuẫn…
Cuộc sống hôn nhân thăng trầm khó đoán, ai mà không một lần rơi vào những khoảng lặng, thậm chí dẫn đến tan vỡ. Nhưng điều quan trọng là ta phải kịp thời phát hiện và mau chóng tìm cách để thoát khỏi nó.
Khi hôn nhân rơi vào trạng thái bão hòa đáng sợ thì cả hai vợ chồng có những cách cư xử khác nhau, có thể là tích cực nhưng cũng có thể là tiêu cực.
Nhưng khi không thể vượt qua khủng hoảng, ly thân tạm thời cũng là một phương cách hay, sống xa nhau giúp cả hai tránh được những suy nghĩ căng thẳng diễn ra hàng ngày để có thời gian, điều kiện nhìn lại chính mình và người bạn đời. Có rất nhiều cặp đôi đã hàn gắn và sống hạnh phúc sau đó.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia tâm lý, giải pháp này chỉ hữu hiệu với những ai có thiện chí vun đắp gia đình, hàn gắn đổ vỡ, biết nhìn nhận phần lỗi của mình và biết bỏ qua lỗi của nhau…
Tóm lại, tình yêu chân thành chính là điều tiên quyết giúp vợ chồng vượt qua bất kỳ khủng hoảng nào trong hôn nhân.
Khi rơi vào tình huống này, cả hai đều phải nghiêm túc xác định lại tình cảm của bản thân, về những trách nhiệm xã hội và trong gia đình, nhất là trách nhiệm với con cái. Khi đã xác định được rồi thì mới có cách giải quyết ổn thỏa.
Dù thế nào thì hôn nhân rất cần sự thấu hiểu và thông cảm. Lắng nghe đối phương, trò chuyện cùng nhau cũng chính là một cách tốt nhất để đồng cảm, chia sẻ.
Trong tình yêu không quan trọng ai đúng, ai sai mà quan trọng là cả hai quan tâm và tôn trọng cảm xúc của nhau. Có thể khoảng lặng giúp cả hai hiểu nhau hơn.
Đó là những giây phút nội tâm của mỗi người. Khi không có “người ấy” bên cạnh, mình đã nhận ra được tình cảm của mình dành cho người ấy lớn như thế nào và càng trân trọng thời gian bên nhau hơn.
Theo chuyên gia tâm lý, để có một cuộc hôn nhân bền vững, bên cạnh việc tìm hiểu kỹ trước khi kết hôn, các cặp đôi cần trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết để ứng xử với những tình huống trong gia đình.
Điều quan trọng là cần xác định cho dù có xung đột thì nên xây dựng chứ không phải nghĩ đến phá bỏ.
Vì thế, khi mỗi người tự mình điều chỉnh các mối quan hệ gia đình hài hòa, giữ gìn các giá trị đạo đức, tôn trọng cũng như chia sẻ với nhau mọi vấn đề trong cuộc sống từ việc nhà, việc xã hội cho đến vấn đề tài chính thì sẽ có thể vun đắp, giữ gìn được hạnh phúc gia đình dài lâu.
Bài, ảnh: LAM NGỌC
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin