Xét tuyển đại học 2023: Những lưu ý để tránh trượt oan

Cập nhật, 19:23, Thứ Năm, 09/03/2023 (GMT+7)

Năm 2023, thí sinh sẽ đăng ký xét tuyển đại học theo ngành thay vì theo phương thức. Ngoài ra, thời gian biết điểm chuẩn và nhập học sớm hơn một tháng so với năm ngoái.

Bộ GDĐT thay đổi cách tính điểm ưu tiên vào đại học từ năm 2023. Ảnh: Hải Nguyễn
Bộ GDĐT thay đổi cách tính điểm ưu tiên vào đại học từ năm 2023. Ảnh: Hải Nguyễn

Rút ngắn thời gian đăng ký xét tuyển

Thông tin về những điểm mới trong mùa tuyển sinh năm 2023, PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) cho biết, năm nay, Bộ GDĐT dự kiến giữ ổn định công tác tuyển sinh đại học như năm trước. Bộ tiếp tục triển khai công tác tuyển sinh trực tuyến, trên hệ thống chung.

Bộ cũng nâng cấp hệ thống, tạo thuận lợi nhất cho thí sinh trong đăng ký xét tuyển; thí sinh đăng ký xét tuyển trên Hệ thống theo mã xét tuyển/ngành; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm (nếu có).

Điểm mới thí sinh cần đặc biệt lưu ý, năm nay, thời gian đăng ký nguyện vọng xét tuyển ngắn hơn - trong vòng 20 ngày - thay vì một tháng như năm trước.

Cụ thể, thí sinh diện tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển cần nộp hồ sơ trước 17h ngày 30.6, nhận kết quả trước 5/7 và xác nhận nhập học trên hệ thống tuyển sinh của Bộ GDĐT trước 17h ngày 15/8.

Điều chỉnh chính sách ưu tiên từ năm 2023

Từ năm 2023, Bộ GDĐT sẽ thay đổi cách tính điểm ưu tiên trong xét tuyển đại học.

Cụ thể, điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên (khi quy đổi về điểm theo thang 10 và tổng điểm 3 môn tối đa là 30) được xác định theo công thức sau:

Điểm ưu tiên = [(30 – Tổng điểm đạt được)/7,5] × Mức điểm ưu tiên theo quy định.

Với công thức trên, 1 học sinh khu vực 1 thi đạt 22,5 trở xuống thì được cộng 0,75 điểm ưu tiên khu vực. Nhưng cũng thí sinh đó đạt 27 điểm thì điểm ưu tiên chỉ còn 0,3; nếu đạt 29 điểm chỉ còn 0,1 điểm ưu tiên khu vực. 

Những điều chỉnh này nhằm bảo đảm công bằng giữa các thí sinh trong tuyển sinh. Các thí sinh sẽ được xét tuyển công bằng, xét tuyển đúng với thực lực, thế mạnh, năng lực của bản thân, đặc biệt là khi đăng ký xét tuyển vào các cơ sở đào tạo có mức độ cạnh tranh cao, cần nguồn tuyển đầu vào có chất lượng tốt.

Không nhất thiết phải tham dự quá nhiều kỳ thi riêng

Mùa tuyển sinh năm 2023, có hơn 10 đơn vị thông báo sẽ tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy,...(kỳ thi riêng) để tuyển sinh đại học. Hàng trăm trường đại học sẽ lấy kết quả này để xét tuyển nhằm nâng cao chất lượng tuyển sinh.

PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GDĐT nhận định, việc tổ chức các kỳ thi riêng là cơ hội để các trường tự chủ tuyển sinh theo Luật Giáo dục đại học. Phía người học, đăng ký tham dự các kỳ thi độc lập sẽ làm tăng cơ hội xét tuyển theo các phương thức khác.

Tuy nhiên, để được tổ chức kỳ thi độc lập, các cơ sở giáo dục phải thực hiện theo đúng các quy định tại quy chế tuyển sinh hiện hành.

Với sự ra tăng của các kỳ thi riêng, không ít thí sinh tỏ ra bối rối trong quá trình lựa chọn. Về vấn đề này, bà Thuỷ khuyến cáo, thí sinh chỉ nên lựa chọn và tham gia từ 1 - 2 kỳ thi riêng.

"Mục đích và yêu cầu của mỗi kỳ thi là khác nhau nên cấu trúc, định dạng đề thi và cách thức tổ chức, thời gian, địa điểm tổ chức cũng khác nhau. 

Do đó, thí sinh không nên đăng kí nhiều kỳ thi riêng vì có thể không đúng với định hướng khi xét tuyển" - PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ nói.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GDĐT cũng nhấn mạnh, hiện nay, hầu hết các trường, các ngành đều có chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT. Do đó, nếu các em tập trung toàn lực thi thật tốt kỳ thi thì sẽ có cơ hội rất lớn trúng tuyển vào nguyện vọng mong muốn.

Theo TƯỜNG VÂN/LĐO