7 trường ĐH kỹ thuật ký hợp tác toàn diện về tuyển sinh, đào tạo, chuyển giao công nghệ

Cập nhật, 21:04, Thứ Sáu, 22/01/2021 (GMT+7)

Bảy trường đại học kỹ thuật đã ký hợp tác toàn diện tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội sáng nay 22/1 nhằm hỗ trợ và nâng cao hiệu quả thực hiện sứ mạng và chiến lược phát triển của mỗi trường.

Bảy trường đại học kỹ thuật đã ký hợp tác toàn diện sáng 22-1 nhằm hỗ trợ và nâng cao hiệu quả thực hiện sứ mạng và chiến lược phát triển của mỗi trường - Ảnh: ĐHBKHN
Bảy trường đại học kỹ thuật đã ký hợp tác toàn diện sáng 22-1 nhằm hỗ trợ và nâng cao hiệu quả thực hiện sứ mạng và chiến lược phát triển của mỗi trường - Ảnh: ĐHBKHN

Bảy trường gồm: ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Bách khoa ĐH Đà Nẵng, ĐH Bách khoa ĐH Quốc gia TP.HCM, ĐH Giao thông vận tải, ĐH Mỏ - Địa chất, ĐH Thủy lợi, ĐH Xây dựng.

Các trường này sẽ hợp tác toàn diện về các hoạt động tuyển sinh, đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục, tổ chức hội nghị, hội thảo, phát triển hợp tác quốc tế, truyền thông...

Ông Huỳnh Quyết Thắng - hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội - cho biết sự hợp tác toàn diện giữa 7 trường sẽ giúp cho xã hội và người học hiểu rõ hơn vai trò quan trọng của khoa học và công nghệ trong phát triển kinh tế đất nước, giúp các trường thực hiện được nhiệm vụ giảng dạy nghiên cứu và chuyển giao tốt hơn, thực hiện trách nhiệm xã hội tốt hơn.

Bảy trường sẽ hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng chương trình đào tạo các bậc học; xây dựng mô hình đồng hướng dẫn đồng hướng dẫn sinh viên/học viên cao học/nghiên cứu sinh trong các luận văn/luận án tốt nghiệp. Người học ở mỗi trường sẽ được khai thác nguồn tài liệu số của 7 trường.

Về tuyển sinh, các trường sẽ xây dựng nhóm tuyển sinh, sử dụng kết quả Kỳ thi đánh giá tư duy, tiến tới cùng phối hợp tổ chức.

Trong kiểm định chất lượng, các trường nhất trí hợp tác về thực hiện tự đánh giá, đánh giá đồng cấp, chia sẻ kinh nghiệm trong kiểm định chất lượng chương trình đào tạo và cơ sở giáo dục theo các tổ chức kiểm định trong nước và quốc tế.

Các trường nhất trí chia sẻ thông tin nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, cùng hợp tác khai thác các phòng thí nghiệm ngành/chuyên ngành giữa các trường, xây dựng các chương trình trao đổi cán bộ nghiên cứu.

Các bên phối hợp xây dựng các chương trình đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ, hình thành các công ty start-up, spin-off trên cơ sở các nghiên cứu chung. Tổ chức các hoạt động chung liên quan đến đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của người học, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp chung giữa các trường.

Xây dựng và triển khai các chương trình nghiên cứu liên ngành, liên trường, thực hiện các công bố khoa học chung đặc biệt trong các lĩnh vực: AI, kỹ thuật số, vật liệu mới, an ninh năng lượng, kinh tế tuần hoàn.

Các bên phối hợp tổ chức các hội nghị khoa học quốc tế, hợp tác và cùng nhau tham gia các tổ chức, mạng lưới quốc tế, dự án với đối tác nước ngoài nhằm phát triển chuyên môn trong mỗi lĩnh vực hoạt động.

Các bên nhất trí hợp tác xây dựng và triển khai các dự án khoa học và chuyển giao công nghệ quốc tế có tính liên ngành. Phối hợp phát triển hợp tác để ứng dụng và quản lý các tài nguyên chung trong môi trường số, ứng dụng các sáng kiến về chuyển đổi số. Phối hợp chia sẻ kinh nghiệm về: giảng dạy, xây dựng bài giảng và giáo trình, ứng dụng công nghệ dạy học mới.

Trước đó, ngày 27/6/2020, bảy trường trong nhóm đã cùng tham gia ký kết công bố chung về định hướng phát triển chương trình đào tạo Kỹ sư.

Theo NGỌC DIỆP/TTO