Kỳ thi THPT Quốc gia 2016: Những điểm thí sinh nhất định phải nắm lòng

Cập nhật, 19:38, Chủ Nhật, 26/06/2016 (GMT+7)

Chỉ còn vài ngày nữa diễn ra kỳ thi THPT Quốc gia 2016, ngoài việc chuẩn bị sẵn sàng kiến thức và tìm hiểu kỹ quy chế thi thì thí sinh cần tạo tâm thế vững vàng.

Thời gian, địa điểm và quy chế thi

Thời gian diễn ra kỳ thi:

Các thí sinh làm thủ tục dự thi vào ngày 30/6. Nếu mất phiếu báo dự thi hoặc cần thay đổi thông tin trên phiếu báo dự thi, thí sinh phải xin cấp lại hoặc sửa thông tin trong ngày này.

Ngày thi chính thức: từ 1/7/2016 đến 4/7/2016.

Thời gian thi:

Buổi sáng từ 7h30, buổi chiều từ 14h30.

Các thí sinh nên đến sớm trước giờ thi ít nhất 30 phút để có thời gian kiểm tra lại các vật dụng mang theo và để tránh muộn giờ thi do tắc đường.

Đến muộn từ 15 phút trở lên, thí sinh sẽ không được tham dự buổi thi.

Các giấy tờ bắt buộc mang theo khi đi thi:

Thẻ dự thi.

Chứng minh nhân dân.

Kỳ thi THPT Quốc gia 2016 được tổ chức từ ngay 1-4/7. (Ảnh: VTV)
Kỳ thi THPT Quốc gia 2016 được tổ chức từ ngay 1-4/7. (Ảnh: VTV)

Những thứ cấm mang vào phòng thi:

Chất gây nổ, gây cháy, đồ uống có cồn, giấy than, bút xoá, tài liệu...

Tuyệt đối không mang điện thoại vào phòng thi vì dù không sử dụng hoặc điện thoại tắt nguồn..., thí sinh vẫn bị đình chỉ thi, không được xét tốt nghiệp. Đây là lỗi đặc biệt nghiêm trọng và được nhấn mạnh qua nhiều năm, tuy nhiên, trong các kỳ thi trước vẫn có khá nhiều thí sinh mắc phải.

Tâm thế vững vàng

Chỉ còn vài ngày nữa diễn ra kỳ thi quốc gia 2016, ngoài việc chuẩn bị sẵn sàng kiến thức và tìm hiểu kỹ quy chế thi thì thí sinh cần tạo tâm thế vững vàng.

Từ ngày 1 - 4/7 tới, kỳ thi THPT Quốc gia 2016 sẽ chính thức diễn ra. Đối với học sinh lớp 12, đây là kỳ thi quan trọng, có tính bước ngoặt bởi kết quả của kỳ thi không chỉ là căn cứ để công nhận tốt nghiệp THPT mà còn là cơ sở để xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng.

Theo chủ trương của Bộ GD&ĐT, nội dung đề thi năm nay vẫn bám sát những kiến thức cơ bản đã học trong chương trình THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12, trong đó sẽ xuất hiện những câu hỏi phân hóa trình độ học sinh.

Bên cạnh việc lưu tâm đến phạm vi kiến thức trong nội dung đề thi, cách tiếp cận và xử lý các vấn đề về “kỹ thuật” trong quá trình làm bài thi cũng ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả làm bài của thí sinh, nhất là với những môn thi theo hình thức trắc nghiệm.

Trong bài thi trắc nghiệm, để có thể giành điểm cao, thí sinh nên cố gắng làm hết các câu hỏi. Tuy nhiên, không nên để mất quá nhiều thời gian cho những câu quá khó đối với mình.

Có thể tạm bỏ qua các câu khó để làm những câu khác dễ hơn rồi sẽ quay lại làm sau. Cũng cần tránh những sai sót như: tô sai mã đề, số báo danh khi làm bài thi.

Ngoài ra, để tránh phạm quy và mất điểm không đáng có, thí sinh cần tuân thủ những hướng dẫn trong quy chế thi tốt nghiệp THPT: không được viết 2 màu mực trên bài thi, không được dùng mực đỏ, không được làm bài bằng bút chì (ngoại trừ khi vẽ đường tròn bằng compa và tô các ô trên phiếu làm bài thi trắc nghiệm; phần viết hỏng phải dùng bút gạch chéo, không được dùng bút xoá.

Một mặt thí sinh cần nắm vững quy định về những đồ dùng thiết bị được phép mang vào phòng thi, tránh bị xử lý kỷ luật.

Mặt khác không nên có tâm lí ức chế hay căng thẳng trong quá trình làm bài, tránh bị phân tâm, ảnh hưởng tới kết quả của bài thi.

Tóm lại, tất cả những gì mà thí sinh phải làm trong thời điểm này là rà soát, hệ thống lại các kiến thức đã học.

Qua các “kênh” thông tin khác nhau, nắm vững những điểm cơ bản, cần thiết trong quy chế thi, nhất là những điểm liên quan tới nội quy đối với thí sinh trong phòng thi.

Bên cạnh việc ôn tập, củng cố kiến thức, mỗi thí sinh cũng cần dành cho mình những khoảng thời gian nghỉ ngơi, thư giãn nhất định nhằm ổn định tâm lý, đảm bảo sức khỏe, tạo ra "điểm rơi” tốt nhất về mặt tâm thế. Điều này càng quan trọng, khi kỳ thi đã cận kề trước mắt.

Theo Pháp luật Việt Nam